5 năm trước, Lady Gaga tiết lộ cô bị đau cơ xơ hóa. Cô phát hiện bệnh ngay trước khi thực hiện bộ phim tài liệu Gaga: Five Foot Two. Trong một cuộc phỏng vấn với Vogue, cô bày tỏ sự thất vọng khi nhiều người không coi đau cơ xơ hóa là căn bệnh thực sự.
“Tôi rất khó chịu với những người không tin đau cơ xơ hóa là có thật. Mọi người cần nhân ái hơn. Đau mạn tính không phải chuyện đùa. Và mỗi ngày thức dậy bạn không biết mình sẽ cảm thấy thế nào”, nữ ca sĩ kiêm diễn viên nói.
Trên tạp chí Vogue, Gaga cho biết được chẩn đoán đau cơ xơ hóa từ vài năm trước. Cô tin rằng căn bệnh của mình bị ảnh hưởng từ những dư chấn sau khi bị một nhà sản xuất âm nhạc xâm hại tình dục năm 19 tuổi. Gaga cũng từng bị gãy xương hông vào năm 2013.
Do chứng đau cơ xơ hóa, Gaga phải chống chọi với "nỗi đau thể chất và tinh thần". Cô thường xuyên đau đớn đến mức liệt giường, không thể biểu diễn. Tháng 9/2017, nữ ca sĩ nhập viện do quá đau và phải hủy các buổi hòa nhạc sau đó.
Lady Gaga không đơn độc. Đau cơ xơ hóa ảnh hưởng đến khoảng 4 triệu người trưởng thành ở Mỹ, tương đương 2% dân số trưởng thành của nước này, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Lady Gaga đã phải trải qua thời gian dài chiến đấu với bệnh đau cơ xơ hóa. Ảnh: Guardian. |
Không thể chẩn đoán qua xét nghiệm
Theo Giáo sư thần kinh học Benjamin Natelson, chuyên gia về chứng đau cơ xơ hóa và hội chứng mệt mỏi mạn tính, Trường Y Icahn ở Mount Sinai ở New York, trong nhiều năm, bệnh nhân không được chẩn đoán chính xác mà các cơn đau bị cho là vấn đề của thần kinh.
Đau cơ xơ hóa chứng rối loạn kéo dài “gây đau và nhức khắp cơ thể”, theo Viện Quốc gia về Viêm khớp và Các bệnh về Cơ xương và Da. Tác động của nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người mắc bệnh, nhưng một số người không xem nó như một tình trạng y tế thực sự. Bởi nó hiện không thể được chẩn đoán thông qua xét nghiệm y tế. Họ chỉ được chẩn đoán mắc đau cơ xơ hóa khi đây là lời giải thích duy nhất khả dĩ.
CDC định nghĩa đau cơ xơ hóa là “đau khắp cơ thể” hoặc đau lan rộng. Bạn cũng có thể bị đau cơ xơ hóa nếu cảm thấy đau ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, mà không có lời giải thích hợp lý nào sau một số xét nghiệm, Giáo sư Natelson nói.
Hiện tại, vẫn không có xét nghiệm nào để phát hiện bệnh. Đau cơ xơ hóa được chẩn đoán dựa trên những gì bệnh nhân cảm thấy và bày tỏ với bác sĩ, theo American College of Rheumatology.
Với một số người, điều này dấy lên nghi ngờ về việc liệu đau cơ xơ hóa có phải là tình trạng thực sự hay chỉ đơn giản là dấu hiệu chung cho các triệu chứng đau mạn tính không giải thích được. Khi các bác sĩ tìm hiểu thêm về tình trạng này, định nghĩa của nó đã nhiều lần thay đổi.
Giáo sư Natelson cho biết hiện tại các triệu chứng thường gặp nhất của nó trùng với những triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mạn tính. Hội chứng mệt mỏi mạn tính là chứng bệnh có ảnh hưởng lâu dài như mệt mỏi nghiêm trọng, khó ngủ và khó tập trung, theo CDC .
Ông Natelson nói: “Liệu hai căn bệnh đó giống hay khác nhau trở thành trọng tâm nghiên cứu của tôi trong thập kỷ qua. Có rất nhiều dữ liệu cho thấy chúng khác nhau, nhưng cũng có những điểm tương đồng giữa cả hai".
Đau cơ xơ hóa khó phát hiện, thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác. Ảnh: Yahoo. |
Triệu chứng
Triệu chứng chính của đau cơ xơ hóa là đau nhức khắp cơ thể mà không thể tìm ra nguyên nhân liên quan bệnh nào khác qua xét nghiệm. Người bệnh sống chung với đau cơ xơ hóa đồng nghĩa họ phải đối mặt các triệu chứng khó ngủ, mệt mỏi, đau dẫn đến tàn tật...
Tính chất mạn tính của bệnh cũng có thể gây “đau khổ về tinh thần và cảm xúc". Với những người chưa từng cảm thấy khó chịu và mệt mỏi ở mức độ này trước đó, cơn đau mạn tính giảm rồi lại tăng có thể gây kiệt quệ cảm xúc.
Nguyên nhân gây ra đau cơ xơ hóa là một câu hỏi khó. Theo CDC, hầu hết người mắc bệnh được chẩn đoán khi họ ở độ tuổi trung niên trở lên. Tuy nhiên, đau cơ xơ hóa có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kể tuổi tác, kể cả trẻ em.
Bạn có nhiều khả năng bị đau cơ xơ hóa nếu bị lupus hoặc viêm khớp dạng thấp. CDC cũng lưu ý thêm một số mối liên hệ có thể phát triển thành đau cơ xơ hóa. Nhưng họ cũng nhấn mạnh cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận hoặc tìm hiểu bất kỳ mối liên hệ nào:
- Giới tính. Phụ nữ có nguy cơ phát triển tình trạng này cao gấp đôi so với nam giới.
- Các sự kiện căng thẳng hoặc đau thương như tai nạn xe hơi
- Chấn thương lặp đi lặp lại hoặc chấn thương do căng thẳng lặp đi lặp lại trên các khớp nhất định
- Bệnh tật, như nhiễm virus
- Lịch sử gia đình
- Béo phì
Điều trị
Theo Giáo sư Natelson và CDC, đau cơ xơ hóa có thể được điều trị theo nhiều cách:
- Thuốc: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt 3 loại thuốc cho tình trạng này. Ngoài ra, một số thuốc giảm đau không kê đơn có thể được sử dụng.
- Các bài tập tim mạch và tăng cường cơ bắp
- Các khóa học giáo dục bệnh nhân
- Bài tập quản lý căng thẳng như yoga, thiền và massage
- Cải thiện thói quen ngủ để nghỉ ngơi tốt hơn
- Trị liệu cho các tác động tiềm ẩn đến sức khỏe tâm thần mà đau cơ xơ hóa có thể gây ra.
Điều tốt nhất để bệnh nhân bị đau toàn thân có thể làm để cải thiện là đi bộ 30 phút mỗi ngày. Điều hòa cơ thể nhẹ nhàng cũng giúp giảm bớt sự đau đớn. Ngoài ra, nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng đau bất thường nào, đừng tự chẩn đoán hoặc uống thuốc mà hãy liên hệ bác sĩ.