5h30, căn nhà tại huyện Nhà Bè của chị Trang Nhung đã sáng đèn. Chừng 10 phút sau, cánh cửa hé mở, người phụ nữ bước ra cùng chiếc xe máy. Chị vượt chặng đường hơn 10 km, dừng chân ở quán cơm xã hội mang tên “Nụ Cười” tại quận 4 (TP.HCM), nhưng đích đến giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bán vé số, hàng rong, vô gia cư, khuyết tật… Hơn 6 năm qua, hành trình ấy lặp đi lặp lại bất kể trời mưa hay nắng, ngày thường hay thời dịch.
Nhiều lần nhận câu hỏi “Không sợ thành F à?”, chị khẳng khái trả lời: “Sợ chứ. Chẳng ai dám nói không sợ Covid-19, nhưng mình còn sướng hơn nhiều người, có cơm để ăn, có nhà để về. Ngoài kia, còn bao người lang thang, không có nhà ở, chỗ ăn. Cứ nghĩ đến đây, tôi không dừng được”.
Thêm một hộp cơm, thêm một người đỡ đói
Không dưới 3 lần, chủ quán cơm thiện nguyện đề xuất tạm đóng quán bởi e ngại dịch bệnh nguy hiểm cho nhân viên. Cũng không dưới 3 lần, chị Trang Nhung thuyết phục chủ quán để được tiếp tục hoạt động, dù khó khăn gấp nhiều lần.
Trước dịch, quán cơm Nụ Cười số 4 do chị Nhung quản lý có bốn đầu bếp. Mỗi ngày, hàng chục lượt tình nguyện viên là sinh viên, người lớn tuổi về hưu đến phụ sơ chế, phục vụ khách. Thay vì miễn phí, quán thu mỗi suất 2.000 đồng để người đến ăn không có cảm giác mặc cảm, tự ti. Đôi khi có khó khăn trong việc tìm kinh phí mua nguyên vật liệu, nhưng đổi lại, quán lúc nào cũng râm ran tiếng cười nói. Cái mệt nhọc theo đó vơi bớt.
Thế nhưng từ khi dịch đến, hai đầu bếp phải cách ly, tình nguyện viên không thể đến nữa vì tuân thủ quy định giãn cách, chị Nhung và số ít người còn lại đảm đương mọi công việc. “Có lúc, bếp chỉ còn 2 người. Việc gì cũng xắn tay áo lên làm - bê gạo, chuẩn bị nguyên vật liệu, sơ chế, đứng bếp, khảo sát địa điểm, phát cơm…”, chị Nhung kể.
Khi quán cơm số 4 nằm trong khu vực phong tỏa, căn bếp khác ở quận 1 (TP.HCM) nhanh chóng được thay thế. Không gian yên ắng hơn, mọi người ít khi nói chuyện và luôn giữ khoảng cách. Họ giao tiếp bằng ánh mắt tràn đầy hứng khởi, niềm vui, bởi thêm một phần cơm là thêm một người đỡ đói.
Cứ thế, mỗi ngày, 300-400 suất ăn lại “cập bến” khu phong tỏa tại quận 8, quận 6, quận Phú Nhuận và quận 7 theo lời kêu gọi hỗ trợ; cũng như đến tay người vô gia cư, thất nghiệp, khuyết tật ở một góc bùng binh hay hẻm khuất nào đó giữa lòng thành phố.
Tấm lòng thiện nguyện và nỗi lo suất cơm vơi dần
Cũng làm quản lý tại quán cơm Nụ Cười số 9 ngót nghét 6 năm, chị Cao Thị Thu vẫn thường trực cảm giác “chỉ muốn nằm” mỗi khi buông tay lái, sau ngày dài chuẩn bị suất ăn, phục vụ và phát cho người khó khăn. Dù kết thúc ngày dài bằng cảm giác mệt mỏi, chị luôn tìm thấy niềm vui và cảm thấy cuộc sống giàu ý nghĩa, khi có thể giúp đỡ thêm nhiều người khác.
Công việc, thời gian hoạt động thời dịch không giảm, mối đe dọa nhiễm bệnh vẫn quẩn quanh, song nỗi sợ lớn nhất với chị là nguồn cung nguyên liệu ngày càng ít, suất cơm đến tay người nghèo có thể vơi dần. Địa chỉ cung ứng thịt heo uy tín với giá thành phải chăng cho quán cơm chưa biết phải dừng lúc nào trong bối cảnh không thể lường trước điều gì. Rau củ trở thành món xa xỉ khi vận chuyển khó khăn.
Hình ảnh những giọt nước mắt hạnh phúc, bàn tay run rẩy vì đói lúc nhận hộp cơm... luôn khiến chị Thu trăn trở.
“Mới hai ngày trước, tôi mang 3 hộp cơm cuối cùng đến khúc rạch bùng binh đường Ba Tháng Hai (quận 10, TP.HCM). Đôi bàn tay run rẩy của người đàn ông ngồi xe lăn nhận lấy một trong 3 suất đó. Mất một lúc khó nhọc mở cọng dây thun, chú vội và cơm vào miệng giữa cơn đói cồn cào. Những hạt cơm không trụ được trong bàn tay gầy guộc rơi ra ngoài, hòa vào hai dòng nước mắt tuôn dài. Sau vài phút, chú xin thêm hộp nữa cho người vợ không thấy đường đang ở nhà”, chị Thu kể lại, giọng nghẹn ngào.
Hình ảnh về những mảnh đời khó khăn đã gặp suốt 6 năm qua đưa chị Thu về thực tại cùng nỗi lo các điểm cung cấp hàng quen không còn, có thể phải trả giá cao nếu mua ở ngoài, rồi chi phí nấu nướng, mặt bằng, điện nước… tất cả dồn lại sẽ vượt khỏi khoản ngân sách eo hẹp hiện có.
Góp bữa ăn, góp nụ cười thời dịch
Mỗi ngày, chị Nhung, chị Thu và nhiều tình nguyện viên khác vẫn phải xoay đủ đường, hỏi đủ chỗ để duy trì, thậm chí tăng thêm suất cơm miễn phí. Mỗi cánh tay góp sức đều tiếp thêm động lực lớn lao để họ mang thêm nụ cười cho xã hội.
Những ngày cuối tháng 7, nụ cười của những tình nguyện viên nhiều thêm nhờ sự đồng hành của Grab Việt Nam trong chương trình “Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa”.
“Sáng nay, chúng tôi vừa thực hiện 410 suất ăn thịt kho tiêu, khoai tây chiên gia vị, bắp cải và cà rốt xào để khởi động chương trình ‘Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa’ do Grab Việt Nam hợp tác quỹ Bông Sen (đơn vị chủ quản quán cơm Nụ Cười). Đó là nguồn cổ vũ lớn giữa thời dịch, ấm lòng mảnh đời mưu sinh, không nơi cư ngụ. Hy vọng thời gian tới, quỹ và quán cơm vẫn nhận sự quan tâm của Grab Việt Nam, để nhiều suất ăn đến tay người khó khăn”, chị Thu không giấu nổi niềm vui.
Nhận suất cơm trong nước mắt, chị Nguyễn Thị Cẩm Hương nói không thành tiếng: “Con đói không biết xin ai, không dám gõ cửa ai. Suất cơm này giúp gia đình tôi rất nhiều”.
Cô Tuyết (hơn 60 tuổi) cũng nghẹn giọng khi nhận được suất cơm từ chương trình “Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa”. Công việc lương ít lại phải nuôi con nhỏ, khó khăn chồng khó khăn. Bữa cơm bình thường bỗng hóa điều xa xỉ giữa đại dịch.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, kỳ vọng chương trình “Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa” không chỉ giảm phần nào áp lực, mà còn tiếp thêm sức khoẻ và nụ cười cho người khó khăn vượt qua giai đoạn thử thách.
TP.HCM vẫn trong những ngày đối diện muôn vàn thách thức, không ai biết khi nào dịch bệnh chấm dứt, thời gian giãn cách cũng vì vậy dài hơn. Thế nhưng một điều có thể chắc chắn rằng, tấm lòng sẻ chia luôn hiện hữu, những cánh tay sẵn sàng đưa ra nâng đỡ mảnh đời đang chới với. Và sự đồng hành, giúp đỡ từ khắp mọi miền Tổ quốc, của các đơn vị như Grab cùng chương trình “Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa” sẽ tiếp thêm sức mạnh, lan tỏa yêu thương và xây đắp “thành trì” kiên cố trước đại dịch.
Nhiều hoàn cảnh khó khăn nhận hỗ trợ từ chương trình "Sài Gòn ơi, đừng bỏ bữa". |
Để thêm nhiều người như cô Tuyết, chị Hương được hỗ trợ, Grab Việt Nam tận dụng hệ sinh thái đa dạng với mạng lưới đối tác, người dùng, nhà hàng lớn, cùng nền tảng công nghệ để kết nối mọi người, đóng góp cho xã hội. Doanh nghiệp khuyến khích người dùng san sẻ khó khăn bằng cách đóng góp trực tiếp qua ví Moca trên ứng dụng Grab hoặc đổi điểm thưởng GrabRewards.
Người dùng cũng có thể nhập mã ưu đãi “DUNGBOBUA” khi sử dụng dịch vụ GrabMart. Với mỗi đơn dùng mã, Grab Việt Nam góp 10.000 đồng vào quỹ Bông Sen và khách hàng được giảm 12.000 đồng trên phí giao.
Bình luận