Khi tiếng trống báo hiệu giờ làm bài của môn thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia 2015 kết thúc, cũng là lúc 20 cán bộ thuộc bộ phận in sao đề thi Cụm thi 27 do ĐH Đà Nẵng (ĐHĐN) chủ trì mới được "giải phóng", được "tự do" trở về nhà. Họ đã trải qua 15 ngày cách ly với thế giới bên ngoài, không điện thoại, không Internet, không được gặp mặt, giao tiếp với người thân, bạn bè; bật đèn lên thì biết sáng, tắt đèn đi biết tối...
Có sống trong hoàn cảnh bức bối, tù túng đến khó chịu ấy mới cảm nhận sâu sắc cảm giác khi được ngồi trên xe trở về nhà tuyệt vời biết nhường nào; bỗng cảm thấy những con người xa lạ đang nối đuôi nhau chạy trên đường phố sao mà đáng yêu lạ! Đấy là cảm giác của PGS.TS Ngô Văn Dưỡng - Phó giám đốc ĐHĐN, Trưởng ban in sao đề thi Cụm thi 27, khi rời khỏi hội đồng in sao đề thi đóng tại ĐH Ngoại ngữ lúc 16h ngày 4/7. Và đấy cũng là cảm giác chung của tất cả các thành viên trong Ban in sao đề thi trong chiều 4/7, khi được "giải phóng tự do"!
PGS.TS Ngô Văn Dưỡng cho biết, dù là lần thứ hai được chọn làm Trưởng ban in sao đề thi, vậy nhưng, với thầy, những ngày "cắm trại" không nhìn thấy ánh mặt trời, không biết thế giới bên ngoài ấy vẫn như là lần đầu tiên.
"Ngoài tivi, báo chí được lực lượng CA làm công tác bảo vệ 2 vòng ngoài đem vào, chúng tôi không còn biết gì khác nữa. Tất cả những gì liên quan thế giới bên ngoài gần như bị tuyệt giao. Bật đèn lên thì biết là ngày, tắt đèn đi thì biết đó đã khuya... Ban đầu cũng cảm thấy bức bối, khó chịu lắm, nhưng rồi cảm giác đó cũng qua đi rất nhanh bởi áp lực công việc không cho phép chúng tôi có thời gian nghĩ đến việc bị mất 'quyền tự do'. Tất cả lao vào công việc với cường độ làm việc căng thẳng từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới nghỉ...", thầy Ngô Văn Dưỡng chia sẻ.
Không chỉ bị cách biệt với thế giới bên ngoài, mọi sinh hoạt khác cũng đều bất tiện. Trong 20 cán bộ làm nhiệm vụ in sao đề thi, có 14 nam, 6 nữ. Ngoài phòng làm việc, hội đồng in sao đề thi, họ được bố trí 3 phòng để ngủ, trong đó, 1 phòng ngủ dành cho Trưởng ban, cũng là nơi đựng đề thi (đã được khóa kín trong các thùng sắt đã niêm phong), 1 phòng dành cho cán bộ nữ, một phòng dành cho cán bộ nam.
Gọi là phòng ngủ, nhưng thực tế, việc ngủ nghỉ được bố trí trên những chiếc giường xếp bằng vải bố, nằm một đêm đau lưng không chịu được. Thế nên, chỉ sau một ngày, tất cả các thành viên đều quyết định trải chiếu xuống đất nằm cho đỡ mỏi lưng.
Nụ cười của thầy Huỳnh Tấn Phúc khi được "giải phóng" tại nơi "cấm cung" sau 12 ngày tham gia công tác ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2013 để trở về nhà. Ảnh: Báo CAND. |
Là một trong những thành viên thường xuyên có mặt trong đội ngũ được tín nhiệm, chọn lựa để ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thầy Huỳnh Tấn Phúc- Trưởng phòng THPT Sở GD&ĐT, bật cười khi nhớ lại những ngày "bị nhốt" trong "cấm cung" này.
Thầy tâm sự, có lúc thèm nhìn thấy bầu trời quá, anh em trong phòng đã dùng bút chọc thủng lớp giấy dán để được nhìn thấy ánh sáng tự nhiên qua lỗ bút bi nhỏ ti ti. Nhưng ngay lập tức, việc này bị lực lượng bảo vệ phía bên ngoài phát hiện. Ngay sau đó, đã có một lớp dán khác được dán kín lên...
Để tránh hiện tượng lộ lọt đề thi ra ngoài, ngoại trừ Trưởng ban ra đề thi, in sao đề thi được phép đi ra vòng hai để liên hệ về "Đại bản doanh chỉ huy" kỳ thi, nhưng cũng chỉ được phép ra khi có việc cần hỏi, cần trao đổi với lãnh đạo. Cuộc trao đổi này cũng được lực lượng CA ở vòng ngoài giám sát rất chặt chẽ. Theo đó, điện thoại cố định được bật loa ngoài để người giám sát biết nội dung cuộc gọi; đồng thời thời gian của từng cuộc gọi được lưu lại rất chi tiết...
Thế vẫn còn chưa đủ. Đến cả những việc như mang cơm vào, mang cơm ra hay như sọt rác trước khi được đội ngũ dọn vệ sinh đưa ra ngoài cũng được lực lượng bảo vệ kiểm tra kỹ lưỡng từng tí một, không bỏ sót bất kỳ một thứ nào.Có lẽ, điều an ủi lớn nhất của những con người bị "cấm cung" trong những ngày ra đề thi, in sao đề thi chính là thời khắc ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Bởi đây là thời điểm họ được sống trong không khí tập thể của thời SV ngày nào, được đùa vui, tếu táo để giải tỏa căng thẳng do công việc và sự "giam cầm bắt đắc dĩ" mang lại...
Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc- Trưởng ban Đào tạo ĐHĐN, người có nhiều năm được chọn vào đội ngũ in sao đề thi tuyển sinh, ví von những ngày đi sao in đề thi là những ngày đi cắm trại trong môi trường đặc biệt!
Một nhà giáo có thâm niên lâu năm trong nghề đùa vui rằng, nhẩm tính trong cuộc đời đi dạy và làm công tác quản lý giáo dục, ông có khoảng 1 năm "tự nguyện" sống trong cảnh như "ở tù" như vậy!