Nhóm máu là chỉ dấu giúp con người xác định về mặt di truyền. Nó chủ yếu được phân loại dựa trên sự hiện diện có hoặc không các kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu (RBCs). Kháng nguyên là những phân tử độc lập có khả năng kích hoạt sản xuất protetin chuyên biệt - kháng thể.
Bề mặt của mỗi tế bào hồng cầu có tới 342 kháng nguyên, trong đó, khoảng 160 loại là phổ biến. Sự hiện diện hay thiếu khuyết của một số kháng nguyên nào đó sẽ quyết định nhóm máu. Thông thường, các kháng nguyên được phân chia, nằm trong 35 hệ thống nhóm máu. Hệ thống Rhesus được xem là đa dạng nhất, với 61 kháng nguyên. Trong đó, 5 kháng nguyên D, C, c, E và e đóng vai trò quan trọng.
Trên thế giới, Rh-null được ví là nhóm máu hiếm số một. Bởi đây là nhóm máu duy nhất không chứa bất kỳ kháng nguyên nào trong hệ Rh. Chính vì thế, nhân loại thường ví nó là “máu vàng” hay "dòng máu quý hơn vàng".
Rh-null thường được mệnh danh là "nhóm máu quý hơn vàng". Trên thế giới, chỉ 43 người được phát hiện mang dòng máu hiếm này. Ảnh: Freepik. |
Người đầu tiên được xác định có nhóm máu quý là thổ dân
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Pakistan, nhóm máu Rh-null lần đầu được phát hiện vào năm 1961.
Trước khi phát hiện dòng máu quý hiếm nhất thế giới, các bác sĩ từng cho rằng một đứa trẻ thiếu tất cả kháng nguyên Rh sẽ không bao giờ sống sót ra khỏi bụng mẹ. Tuy nhiên, sự kiện năm 1961 đã khiến cả nhân loại kinh ngạc.
Theo Mosaic Science, trong một lần tình cờ, các nhà khoa học phát hiện nhóm máu mới mà họ nghĩ là không thể tồn tại. Nhóm máu này thiếu toàn bộ 61 kháng nguyên trong hệ thống Rh. Tác giả tìm ra nhóm máu này là bác sĩ huyết học G.H. Voz của Bệnh viện King Edward Memorial ở Perth, Australia và cộng sự. Tuy nhiên, cái tên Rh-null do bác sĩ R.Ceppenllini đặt ra vào 3 năm sau.
Người đầu tiên được xác định có nhóm máu Rh-null là một phụ nữ thuộc tộc người thổ dân Aboriginal ở Australia. Thời điểm đó, người này sống một mình nên các bác sĩ không thể tìm ra dấu vết huyết hệ của bà.
Trường hợp thứ 2 được nhà khoa học khác là Levine và cộng sự mô tả vào năm 1965. Nhóm đã phát hiện mã gene amorph độc lập (thường gọi là X°r) đã ngăn chặn 61 kháng nguyên Rh hiện diện trên bề mặt hồng cầu.
Trải qua hơn 50 năm, thế giới ghi nhận tổng cộng 43 người mang nhóm máu Rh-null. Tuy nhiên, chỉ 9 người đồng ý hiến tặng. Họ sống rải rác ở Brazil, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Ireland.
Kiểu hình Rh-null được hình thành do ít nhất 2 cơ chế di truyền khác nhau. Nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Pakistan cũng cho thấy trên thế giới, chỉ 14 gia đình mang trong mình kiểu hình máu Rh-null được y văn ghi nhận. Tỷ lệ người có nhóm “máu vàng” là một trên 6 triệu.
Tỷ lệ người mang dòng máu quý hơn vàng là 1/6.000.000. Ảnh: iStock. |
Chỉ được cho, khó nhận lại
Do thiếu kháng nguyên Rh, các tế bào hồng cầu Rh-null cũng khuyết loại LW, Fy5. Dòng máu này có nồng độ thấp các kháng nguyên S, s và U. Theo tài liệu của Đại học Melbourne, Australia, hồng cầu của những người người mang nhóm máu Rh-null không bình thường. Chúng bị dị dạng, rò rỉ màng và tuổi thọ cũng ngắn hơn.
Các tế bào máu đỏ thiếu protein Rh/RhAG có bất thường về cấu trúc (như stomatocytosis) và bị khuyết tật màng tế bào, dẫn đến thiếu máu tán huyết. Đó là lý do khiến nhiều trường hợp có nhóm Rh-null thường xuyên phải đối mặt tình trạng thiếu máu nhẹ, không nên hiến tặng quá 2 lần/năm.
Sự vắng mặt của 100% kháng nguyên trong hệ Rh khiến nó trở thành một di sản quý giá với y học và nhân loại. Theo bác Thierry Peyrard, Giám đốc phòng Thí nghiệm lâm sàng và Miễn dịch học quốc gia tại Paris (Pháp), máu của những người thuộc nhóm Rh-null rất giá trị. Máu của họ không có bất kỳ kháng nguyên nào đồng nghĩa nó được phép truyền cho mọi nhóm máu trên thế giới, ngay cả những người thuộc dòng cực hiếm Rh-.
Người mang nhóm máu Rh-null có thể truyền huyết thanh cho bất kỳ ai. Ảnh: Telegraph. |
Bởi vậy, những người mang dòng máu quý hơn vàng là trường hợp có thể cho bất kỳ ai nhưng nếu cần, khó tìm được huyết thanh tương thích. Họ có thể rơi vào tình trạng nguy kịch nếu xảy ra tai nạn hoặc cần đến truyền máu. Trong trường hợp bệnh nhân có dòng máu Rh-null bị truyền nhóm huyết thanh không đúng, phản ứng tán huyết cấp sẽ xảy ra trong vòng 24 giờ. Bệnh nhân có thể cảm nhận được những phản ứng này.
Các triệu chứng có thể xảy ra bao gồm cảm giác nóng tại chỗ truyền, ớn lạnh, sốt, đau ở lưng và hai bên sườn... Những phản ứng liên quan hầu hết tán huyết nội mạch; hồng cầu của máu truyền vào bị phá hủy bởi các kháng thể của người nhận ngay trong lòng mạch máu. Những phản ứng đồng loạt xảy ra có thể gây sốc và dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Chính vì vậy, những người mang dòng máu quý hơn vàng cần đặc biệt cẩn trọng trong cuộc sống hàng ngày. Họ không thể liều lĩnh mạng sống khi tham gia các hoạt động hàng ngày dễ gây thương tích hoặc mất máu. Những người này cũng khó đi du lịch, nhất là đến những vùng đất không có ngân hàng máu hiếm. Bởi họ không thể lưu trữ huyết thanh trong ngân hàng máu vì thời hạn sử dụng của nó chỉ kéo dài 35-42 ngày.
Nhiều trường hợp được khuyên không nên sinh con bởi có thể gây ảnh hưởng tính mạng đứa trẻ. Đa phần người mang nhóm máu Rh-null đều luôn mang theo bên mình chiếc thẻ tên, chứng nhận về nhóm máu và địa chỉ ngân hàng chứa nó.