'Bí ẩn' sau hẻm phố Tây giữa Sài Gòn
Ngược vẻ sinh động phía ngoài, bên trong các con hẻm của khu phố Tây là cuộc sống lặng lẽ, dân dã của những lao động nghèo, tìm kế sinh nhai bên mái nhà lụp xụp, tạm bợ.
Ở Bùi Viện, luôn có hai thế giới tồn tại song song, giữa hào nhoáng và bình dân, giàu và nghèo, chơi bời và vật lộn mưu sinh. Khi Bùi Viện – phố Tây rực rỡ ánh đèn, hàng chục quán bar không ngủ, huyên náo với rượu, bia, khói thuốc... thì phía bên kia bức tường, những gia đình 4-5 người chen chúc trong những căn nhà ọp ẹp, nhỏ xíu không đầy 2 m2 đang cố đưa mình vào giấc ngủ. Có ai ngờ ở đó, nhiều bữa ăn chỉ có cơm chan xì dầu, những người già 70-80 tuổi vẫn cặm cụi bán từng tờ vé số.
Trong những con hẻm nhỏ hun hút ở Bùi Viện, người mưu sinh bằng nghề buôn bán rau củ, kẻ phục vụ các món ăn bình dân, cũng có người sống nhờ vào tiền trợ cấp của phường. Nhiều gia đình sinh sống ở đây từ trước năm 1975, chủ yếu là người lao động nghèo.
Buồn vui tuổi già
Chẳng liên quan đến những “ông Tây” tóc vàng, mắt xanh đang ồn ào ngoài kia, ông Nguyễn Văn Ba (82 tuổi) kê ghế trước nhà, ngồi tận hưởng không khí của con hẻm nhỏ. Ông Ba sống ở Bùi Viện đã lâu lắm rồi, đã chứng kiến sự trở mình để trở thành con phố dành cho người nước ngoài như bây giờ. Buồn vui trong cái hẻm này cũng là buồn vui của đời ông.
Nhà ông Ba chỉ vỏn vẹn 6 m2, đủ chỗ cho hai vợ chồng nằm co ro. Ông nói trước đây nhà rộng hơn, nhưng do hiến đất làm lối đi nên giờ nhà bé xíu. Chín đứa con đã lập gia đình và chuyển ra khỏi, chỉ còn hai vợ chồng ông sống ở đây.
Cũng như ông Ba, những người già khác trên phố Bùi Viện nói rằng không dễ gì để bỏ lại nơi họ đã gắn bó hơn nửa đời người. Kể cả khi tiếng chèo kéo khách du lịch của những cô gái “ăn sương”, tiếng ồn ào của các quán bar lúc 2h sáng phá hỏng giấc ngủ tuổi già.
Lam lũ
Hẻm 241 Phạm Ngũ Lão có hàng tạp hoá của bà Trương Kim Hoa. Người đàn bà này bán hàng ở đây từ khi Bùi Viện chưa thành phố Tây. Gọi là hàng tạp hoá cho sang vậy thôi, thực ra đó chỉ là cái kệ, cái ghế và vài tấm bạt che chắn. Khách hàng của bà Hoa cũng là những người lao động nghèo trong hẻm.
Vậy mà suốt 30 năm nay, hàng tạp hoá nghèo này là nguồn kiếm sống duy nhất để nuôi người chồng mắc bệnh hiểm nghèo đang chạy chữa ở bệnh viện Chợ Rẫy. Bản thân bà Hoa cũng mắc đủ loại bệnh nhưng vẫn phải cố kiếm sống hàng ngày. Tiệm tạp hoá mở từ 6h sáng đến 7h tối. Thu nhập mỗi ngày vài trăm nghìn đồng, vừa lo bệnh cho chồng, vừa trả tiền thuê nhà nên thiếu trước hụt sau.
Những căn nhà lụp xụp
Ông tên là Núi, căn nhà ông ở chất đầy đồ đồng nát cao như cái núi. Từ quần áo, bao tải, sách báo tạp chí đến bìa hộp. Khó có thể tưởng tượng rằng căn nhà lụp xụp này nằm ngay cạnh phố Tây.
Ông Núi (65 tuổi) từng là công nhân. Ông sống nhờ vào tiền chu cấp của hai người con. Từ khi thành phố quy hoạch Bùi Viện thành phố đi bộ, mỗi đêm nhà ông phải chi tới 10 nghìn đồng để gửi xe bên ngoài. Đó là số tiền lớn đối với cả gia đình ông Núi.
Ngoài những cư dân lâu đời, Bùi Viện cũng đón không ít những lao động từ các tỉnh miền Tây. Chị Nguyễn Thị Thu Hương quê tận An Giang lên Sài Gòn bán bánh mì chiên. Chồng chị Hương lái xe du dịch đưa đón khách nhưng hai vợ chồng chỉ dám thuê một phòng trọ chừng 2 m2 với giá 3 triệu đồng/tháng.
Không ngủ
Những hẻm nhỏ ẩm thấp, tối tăm, chằng chịt dây điện là hình ảnh thường thấy ở Bùi Viện. Đó là nơi trú ngụ của những người lao động nghèo. Nó có một nhịp sống khác biệt với thế giới bên kia bức tường. Phố Tây náo nhiệt từ 16h chiều, ồn ào, cãi cọ, say xỉn và đi ngủ lúc 4h sáng. 4h sáng, cũng là lúc những cư dân khu ổ chuột tỉnh giấc, tiếp tục mưu sinh với chiếc xe thồ, gánh hàng chợ. Phần đời sống của một phố Tây lam lũ bắt đầu.
Cuộc sống trong những con hẻm ở phố Tây của Sài Gòn là vậy, cứ quay vòng, không có điểm bắt đầu và kết thúc như những nơi khác. Những con hẻm như ôm ấp, chở che, bảo bọc những thân phận nghèo khó mưu sinh và là nơi luôn “bí ẩn” để kẻ tò mò khám phá.