Vaudeville (tạp kỹ) là hình thức giải trí phổ biến nhất ở Mỹ những năm 1880 đến 1930 và được coi là tiền thân của nền văn hóa đại chúng hiện đại. Theo History Daily, trong khi nhiều người dân tại Mỹ thời đó yêu thích và thường bị chọc cười bởi những màn tạp kỹ hài hước, một người phụ nữ bất ngờ nổi tiếng vì không bao giờ cười.
Từ nhân vật bí ẩn đến người phụ nữ không cười để tránh nếp nhăn
Nhà hát Victoria là nhà hát tạp kỹ nổi tiếng ở New York, Mỹ, do Oscar Hammerstein I mở cửa vào cuối thế kỷ XIX. Sau đó, Paradise Roof Garden được xây dựng bên trên và hai địa điểm được gọi chung là Hammerstein's.
Theo Boded Panda, mùa hè năm 1907, nhiều người cho rằng họ bị thu hút bởi một nhân vật có biệt danh “người phụ nữ không bao giờ cười”. Người này là nghệ sĩ biểu diễn có biệt danh Sober Sue, xuất hiện trên sân khấu của Paradise Roof Garden. Các nhà sản xuất của nhà hát đưa ra giải thưởng lên tới 1.000 USD cho bất kỳ ai có thể khiến Sue nở nụ cười.
Ban đầu, nhiều vị khách lên sân khấu và bắt đầu làm các hành động chọc cười như mặt mếu, hài hước hoặc kể chuyện. Nhưng tất cả đều thất bại, khuôn mặt của Sober Sue vẫn giữ nguyên vẻ nghiêm nghị. Ngay cả khi các nghệ sĩ hài nổi tiếng tham gia thử thách, người phụ nữ này không thay đổi nét mặt, dù chỉ nụ cười mỉm hay khúc khích. Điều này khiến Sue trở thành cái tên nổi tiếng.
Trong thế giới hiện đại, Tess Christian, 55 tuổi, ở Anh cũng được ví là “người phụ nữ không bao giờ cười”. Theo NY Post, bà đã không hề cười kể từ năm 10 tuổi đến nay. Đó là thời điểm em gái bà ra đời. Người phụ nữ chia sẻ bà rất vui nhưng cảm thấy không có lý do để mỉm cười.
Chân dung Tess Christian năm 23 tuổi và tại thời điểm 50 tuổi. Ảnh: NY Post. |
Nguyên nhân của hành động này là chiến lược làm đẹp bằng cách tránh cười. Nó giúp bà có vẻ đẹp tự nhiên hơn là nhờ đến các loại mỹ phẩm căng da đắt tiền. Theo Tess, vẻ mặt bình thản ít phải co giãn giúp duy trì vẻ trẻ trung của mình so với những người cùng độ tuổi, ít bị nếp nhăn ở quanh mắt và miệng, vốn là những vị trí nhiều nếp nhăn do cười.
“Tôi yêu cuộc sống và tận hưởng từng giây phút của mình mà chẳng cần cách đi dạo khắp mọi nơi với một nụ cười trên môi", người phụ nữ này tiết lộ và cho rằng việc không cười cũng không phải điều gì quá khó khăn, khổ cực.
Nhưng cách làm của Tess nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người khác lại cho rằng cười là liều thuốc tự nhiên giúp chúng ta ngăn ngừa lão hóa do hành động này giúp tiết ra hormone hạnh phúc. Tạp chí Prevention dẫn lời bác sĩ da liễu Michele Green từ New York, Mỹ, về mặt lý thuyết cười sẽ góp phần gây ra nếp nhăn. Những biểu cảm trên khuôn mặt, bao gồm mỉm cười, có thể phá vỡ collagen, gây hằn dấu vết trên da.
Song, theo bác sĩ Green, nếu bạn chọn cách không cười để giữ tuổi xuân là một sai lầm và đó là sự đánh đổi. Biểu lộ cảm xúc hạnh phúc là một phần của tự nhiên, nó khiến cuộc sống đẹp đẽ hơn, kéo dài sự tươi trẻ. Để hạn chế nếp nhăn, chúng nên hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời và duy trì thói quen bôi kem chống nắng đầy đủ khi ra ngoài.
Những giả thuyết
Nếu như Tess Christian không cười vì nguyên nhân muốn giữ khuôn mặt căng bóng, thì hiện tượng Sober Sue lại được lý giải bằng nhiều giả thuyết. Một số cho rằng bà bị mù hoặc điếc một phần.
Song, sự thật là Sue mắc chứng liệt cơ mặt nên không thể cười. Người quản lý của Paradise Roof Garden, Willie Hammerstein, là người đứng sau vụ lừa đảo này.
Mỗi tuần, Sue được trả 20 USD - con số không nhỏ thời điểm ấy - để xuất hiện trên sân khấu. Sự kỳ lạ của “người phụ nữ không bao giờ cười” đã thu hút lượng khán giả không nhỏ, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà hát. Sau khi sự thật được tiết lộ, Willie đã bị lên án và các diễn viên hài không bao giờ tha thứ cho vị quản lý này.
Các thông tin xoay quanh Sober Sue khá ít ỏi và không có bức ảnh nào về người phụ nữ này. Một số cho rằng tên thật của Sue là Susan Kelly và bà mắc hội chứng Möbius hay Moebius (liệt cơ mặt bẩm sinh). Mặc dù thông tin ít ỏi về Sober Sue, cái tên này vẫn được lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Nó được ví như phép ẩn dụ về những khán giả đặc biệt khó tính trong kinh doanh.
Theo Bệnh viện Johns Hopkins, hội chứng Moebius được nhà thần kinh học Paul Julius Mobius phát hiện và mô tả vào năm 1888. Đây là rối loạn thần kinh hiếm gặp xuất hiện từ khi bệnh nhân chào đời. Những người bị mắc hội chứng này sinh ra với khuôn mặt hoàn toàn tê liệt, không thể cười, nhăn mặt, nhấp nháy mắt.
Alex Barker và Erin Smith ở Bắc Carolina, Mỹ, mắc hội chứng liệt cơ mặt. Họ tình cờ gặp gỡ và kết hôn với nhau. Ảnh: Metro. |
Tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh chịu trách nhiệm nói, nhai và nuốt khiến bệnh nhân không thể ăn uống bình thường hay khép mí mắt.
Ngoài ra, nếu dây thần kinh số 6 bị ảnh hưởng, người bệnh không thể đảo mắt từ bên này sang bên kia. Các bất thường khác bao gồm sự kém phát triển của các cơ ngực và khuyết tật tứ chi. Hội chứng Moebius không tiến triển và nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được biết rõ.
Trẻ sơ sinh mắc hội chứng Moebius có thể chảy nhiều nước dãi và có biểu hiện mắt bắt chéo (lác). Vì mắt không di chuyển từ bên này sang bên kia (sang bên), trẻ buộc phải quay đầu để nhìn theo đồ vật. Trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng cũng có thể gặp khó khăn khi bú, nuốt. Ngoài ra, bệnh nhi dễ bị viêm loét giác mạc do mí mắt vẫn mở khi ngủ.
Bệnh dường như xảy ra ngẫu nhiên (không thường xuyên), một số trường hợp là di truyền từ gia đình. Nó ảnh hưởng nam và nữ với tỷ lệ tương đương, song con số chính xác là bao nhiêu vẫn chưa thể xác định. Một ước tính cho thấy tỷ lệ mắc bệnh này là 1/50.000 trẻ em ở Mỹ.