Mới đây, một học sinh lớp 4 tại Hà Nội bị bạn cùng lớp chơi trò chơi “thông trĩ” bằng cách đặt bút chì dựng thẳng ở ghế. Học sinh ngồi vào và không may bị bút chì xuyên vào mông 16 cm, phải nhập viện. Các bác sĩ thông tin, bàng quang, đường tiết niệu của em đều bị ảnh hưởng.
Cần nhắc nhở trẻ về trò chơi an toàn
Sự việc được người nhà của học sinh chia sẻ trên một số diễn đàn của phụ huynh với mong muốn cha mẹ hãy quan tâm hơn đến trò chơi của con. Đồng thời, thầy cô nên nhắc nhở các con về những rủi ro, tai nạn có thể xảy ra.
Độc giả Nguyễn Huy Thanh bày tỏ đây là trò chơi rất nguy hiểm, có từ 20 năm trước, thời anh đi học. Giáo viên có biết trò chơi này và đã dặn dò rất kỹ lưỡng, cũng như sẽ xử phạt nghiêm nếu học sinh trêu đùa bạn.
![]() |
Bé trai bị bạn "nghịch dại", bút chì cắm vào mông, phải nhập viện. |
Cô Nguyễn Trần Hải, giáo viên cấp 2 tại Hà Nội, cho rằng lứa tuổi học trò luôn nghịch ngợm. Hiểu được điều này, thầy cô cần nghiêm khắc hơn nữa, đồng thời cần dạy trẻ về các tai nạn có thể xảy ra để biết phòng tránh.
Cô Hải cho hay giáo viên phải "thuộc như lòng bàn tay" những trò nghịch nguy hiểm để nhắc nhở, cảnh báo cho học sinh.
"Khi học sinh nghịch ngợm trò này, bạn bè ngồi xung quanh có thể biết. Vì vậy, nếu được nhắc nhở từ trước, học sinh sẽ lên tiếng ngăn chặn hoặc kịp thời báo giáo viên", cô Hải chia sẻ.
Cô Hồng Hà, giáo viên tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến trẻ đùa nghịch những trò nguy hiểm vì hiện tại không gian chơi của trẻ rất hạn chế. Ngoài việc học trong sách vở, nhà trường nên đẩy mạnh trò chơi mang tính chất cộng đồng, ngoại khóa để thu hút các em.
“Học sinh luôn có rất nhiều năng lượng, nếu nhà trường chỉ dạy kiến thức mà ít chú ý hoạt động khác, sẽ khiến các em nghĩ ra những trò nghịch dại, ảnh hưởng sức khỏe của trẻ”, cô Hà nói.
Cần dạy trẻ không làm phiền người khác
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Đại học, ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ học sinh hầu hết đều không lường trước được hậu quả nghiêm trọng của các trò chơi. Hơn 20 năm giảng dạy, nữ tiến sĩ kể học trò thường có nhiều trò nguy hiểm như kéo ghế ngồi để bạn bị ngã. Thậm chí, có trường hợp bị tụ máu não.
Bắn thun vào mắt, bắn súng nhựa... cũng là những trò chơi nguy hiểm của tuổi "nhất quỷ nhì ma". Khi bạn ngủ, trẻ thường nhét giấy vào mũi, miệng, tai để trêu đùa.
![]() |
"Làm xiếc" trên ghế là một trong những trò chơi nguy hiểm của học trò. |
Trước đó, mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh đùa nghịch của học sinh khá nguy hiểm, dễ gây hậu quả nghiêm trọng. Trào lưu ngồi trên ghế nhựa cao tầng từng có thời gian lan truyền chóng mặt. Những chồng ghế nhựa được xếp cao, học sinh ngồi lên và xem như trò tiêu khiển giữa giờ học. Thậm chí, mạng xã hội còn có những hình ảnh học sinh này bị ngã khi đùa nghịch.
Dùng bột phấn nghiền để ném nhau, thổi bột phấn vào mắt bạn... cũng là những trò chơi được nhiều phụ huynh cảnh cáo học trò. Bột phấn bụi có thể gây nhiều bệnh về tai, mũi, họng làm ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.
TS Vũ Thu Hương cho rằng để hạn chế những trò chơi nguy hiểm này, ngay trong gia đình, cha mẹ cần giáo dục con thói quen không được làm phiền người khác. Bố mẹ và con cái cần có thời gian và không gian cho riêng mình và phải tôn trọng điều đó.
Ở lớp, khi học sinh tùy tiện xâm phạm bạn bè như lấy đồ không mượn, nói chuyện riêng, giáo viên phải chỉ rõ như vậy là đang gây ảnh hưởng đến bạn bè, thầy cô và các lớp xung quanh. Giáo viên cũng cần có chế tài phạt phù hợp với các trường hợp mắc lỗi.
Ngoài ra, thầy cô cần dạy trẻ về những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra để không làm bạn bị đau, cần cảnh báo về các trò chơi vi phạm pháp luật, nguy hiểm.
"Các trường học thường không cho trẻ mang đồ chơi đến trường, vì vậy trẻ sẽ kiếm trò nghịch ngợm từ các vật xung quanh. Chúng ta cần xem lại điều này, có thể cho trẻ mang đồ chơi gì và giờ chơi được quy định ra sao", TS Vũ Thu Hương nói.
Theo nữ tiến sĩ, trẻ thường ngịch ngợm vào các giờ nghỉ ngơi hoặc khi bạn đứng lên phát biểu. Với nghiệp vụ sư phạm của mình, giáo viên sẽ biết cách để trẻ tập chung vào câu trả lời của bạn hay tạo các trò chơi, không gian để trẻ không "nhàn cư vi bất thiện".
Đồng thời, các trường học phải tổ chức hiệu quả giáo dục thể chất để trẻ có sức khỏe và không bị dư thừa năng lượng dẫn đến quậy phá.