Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị bạn hẹn Tinder cưỡng bức, cô gái Anh mất 4 năm đòi lại công bằng

Kẻ phạm tội đã phải nhận hình phạt thích đáng, song với nạn nhân Kaitlin Hurley, những chấn thương cô phải chịu giống như một “bản án chung thân” chẳng thể xóa nhòa.

Zing.vn trích dịch bài viết trên CNN về hành trình đòi lại công bằng của Kaitlin Hurley - nạn nhân bị hiếp dâm bởi một cảnh sát. Trong bài phỏng vấn, cô gái quyết định công khai tên tuổi.

Kaitlin Hurley lắc đầu trầm mặc khi vị luật sư cố gắng hỏi về chấn thương cô phải chịu từ vụ hiếp dâm, dù trước đó, các kiểm tra của bác sĩ cho thấy cơ thể cô đã bị tổn thương nghiêm trọng.

Ngày 12/7, Hurley và gia đình tham dự phiên tòa xét xử qua màn hình cựu cảnh sát người Anh Lee Martin Cramp - kẻ chuốc thuốc và cưỡng bức cô 4 năm trước.

Sau bao nỗ lực, nạn nhân giờ đây có thể phần nào cảm thấy được an ủi khi kẻ gây án đã phải chịu sự trừng trị của pháp luật.

Thế nhưng, đối với Hurley, một “bản án chung thân” khác về tinh thần cũng được gán cho cô vào cùng thời điểm ấy.

Cuộc gặp kinh hoàng với người bạn trên Tinder

Với ước mơ trở thành y tá, được làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, sau khi tốt nghiệp Đại học Belmont, Kaitlin Hurley đến học tại Đại học Khoa học Y tế Antigua vào tháng 5/2014.

Gần một năm sau, khi sử dụng ứng dụng hẹn hò Tinder, cô “kết đôi” với Martin Cramp - một cảnh sát làm việc tại Sở cảnh sát Metropolitan (London, Anh) - khi anh ta đang ở Antigua để tham dự lễ cưới của một người họ hàng.

Cả hai bắt đầu trò chuyện trên WhatsApp và lên kế hoạch gặp gỡ. Tuy nhiên, trong các đoạn tin nhắn sau này được công bố, cô đã ngầm thông báo rằng cuộc hẹn sẽ không bao gồm yếu tố tình dục.

Không nói với người bạn mới quen mình vẫn còn trong trắng, nữ sinh coi việc giữ gìn cho tới ngày kết hôn như một phần trong đức tin tôn giáo của mình.

co gai bi canh sat cuong buc anh 1
Kaitlin Hurley bị cưỡng bức bởi một viên cảnh sát quen qua ứng dụng hẹn hò.

Martin Cramp đã đồng ý với yêu cầu này, thậm chí còn gửi cho cô 2 bức hình bản thân trong trang phục cảnh sát để “trấn an”.

“Nếu không tin tưởng cảnh sát thì mình còn có thể tin ai được chứ?”, nữ sinh khi đó nghĩ.

Hai người gặp nhau vào 23/5/2015, cùng uống rượu tại một bữa tiệc trên thuyền trước khi về căn hộ của cô gái trẻ để xem phim.

Khi Hurley đi thay đồ và trở lại, cô nhận thấy vị cốc rượu đã thay đổi.

Martin Cramp giải thích rằng mình đã bỏ thêm rượu vodka vào.

Uống thêm một ngụm, nữ sinh từ chối dùng thêm vì không thích vị rượu này.

“Sau đó, tôi bắt đầu thấy chóng mặt và không thể nhớ những gì đã xảy ra”, cô nói.

Sáng hôm sau, Hurley bị sốc khi thấy mình trần truồng bên nam cảnh sát. Sau khi tên cảnh sát rời đi, Hurley nhận thấy trên cổ mình có những vết bầm tím. Cô gửi những bức ảnh chụp vết bầm cho Martin Cramp nhưng rồi chỉ nhận lại lời xin lỗi thay vì giải thích.

3 ngày sau, những vết bầm tím và cơn đau trên cơ thể Hurley ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Sau khi cô gặng hỏi, Martin thừa nhận đã thực hiện hành vi đồi bại và không quên nói chính cô là người chủ động trước.

Hurley đáp lại rằng dù mơ hồ, cô nhớ bản thân không hề làm như vậy. Hoang mang, lo sợ, nữ sinh viên kể lại mọi chuyện cho mẹ, báo cảnh sát và tới bệnh viện khám. Các kết quả kiểm tra cho thấy cô đã bị cưỡng bức.

Cuộc tìm kiếm công lý

Cha mẹ Hurley nhanh chóng tới Antigua cùng con gái và tìm hiểu cách để đưa Martin Cramp ra hầu tòa.

Suốt 4 năm ròng rã, gia đình nữ sinh ngành Y gọi điện thoại và gửi đơn thư tới chính quyền Antigua và Vương quốc Anh với mong muốn nam cảnh sát biến chất phải đền tội.

“Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ muốn giết ai đó, nhưng sự việc này thực sự khiến tôi phẫn nộ”, Derrick, cha của Hurley, nói.

co gai bi canh sat cuong buc anh 2
Hurley và gia đình mất 4 năm để đòi lại công bằng.

Theo Anthony Armstrong - công tố viên tại Antigua - vì Martin Cramp khi đó đã trở về Anh, dẫn độ là lựa chọn duy nhất. Với sự hợp tác của hai chính quyền, Martin Cramp đã bị bắt vào tháng 6/2016 tại London sau khi cáo buộc cưỡng hiếp được đưa ra.

Sau khi hết thời hạn tạm giam, Martin Cramp bị quản thúc trong khi chờ kết quả của thủ tục dẫn độ.

Tới tháng 2/2017, Tòa án sơ thẩm Westminster đã bác bỏ yêu cầu dẫn độ.

Tháng 6/2018, yêu cầu dẫn độ thứ hai đưa ra và được chấp thuận.

Sau phiên tòa xét xử kéo dài 3 tiếng ngày 12/7 vừa qua, Martin Cramp bị tuyên phạt 15 năm cho hành vi của mình.

“Một phụ nữ trẻ, hoặc bất cứ ai, có thể mời ai đó đến nhà của họ vào bất cứ thời điểm nào. Dù vậy, họ không thể bị đổ lỗi nếu người khách đó biến thành quỷ dữ, đánh thuốc mê và cưỡng bức họ”, thẩm phán Morley phát biểu trong phiên tòa.

Nỗi đau để lại

Thời điểm Martin Cramp bị chuyển tới Antigua vào tháng 9/2018, Kaitlin Hurley đã trở về Mỹ. Sau sự kiện chấn động, cô quyết tâm không để sự nghiệp học tập bị ảnh hưởng. Nữ sinh viên đã hoàn thành chương trình học tại Antigua để tiếp tục giấc mơ y tá.

Tuy nhiên, sau khi vụ việc xảy ra, Hurley đã bị mất ăn mất ngủ và giảm tới hơn 13 kg trong vài tuần. Cô đã chuyển khỏi căn hộ cũ vì liên tục bị gợi lại ký ức kinh hoàng. Chúng khiến cô có cảm giác không an toàn.

Dù thỉnh thoảng về thăm gia đình, nữ sinh ngành Y vẫn cảm thấy rất cô đơn. Xấu hổ về những gì đã xảy ra, cô hầu như không kể với ai về vụ việc ngoài gia đình.

co gai bi canh sat cuong buc anh 3
Dù kẻ phạm tội đã phải chịu bản án thích đáng, những tổn thương về tinh thần sẽ đeo đẳng nữ sinh ngành Y suốt đời.

“May mắn là cuối cùng tôi đã vượt qua được bằng cách tiếp tục học tập và tìm kiếm sự động viên từ gia đình, dù đôi khi thật khó khăn”, Hurley nói.

Trong lần chuyển nhà thứ hai, Hurley chọn khu nhà được canh gác bởi nhân viên bảo vệ và luôn bật đèn sáng khi đi ngủ.

“Trong nhiều tháng, tôi cảm thấy tê liệt và trống rỗng. Tôi khóc mỗi khi đêm xuống và từng soạn thư tuyệt mệnh trên điện thoại, cứ xóa đi rồi viết lại cái khác”, Hurley nói.

Cuộc tấn công khiến Hurley trở nên thận trọng, cảnh giác với mọi thứ xung quanh. Từ một sinh viên hoạt bát, cô mất lòng tin vào mọi người, không còn hào hứng khám phá mọi thứ như trước.

Thay vào đó, cô chọn cách gần gũi hơn với gia đình và trở về Tennessee (Mỹ), nơi cô hiện làm y tá tại một bệnh viện ở thành phố Lenoir.

Hurley chưa có kế hoạch nào cho tương lai của mình. Dù bản thân sẽ không bao giờ có thể trở lại như ngày xưa, Hurley biết có một cuộc sống mới đang chờ cô ở phía trước và điều cô cần làm là học cách làm quen với nó.

'Bông hồng lai' Nhật Bản: Từ đứa trẻ bị kỳ thị đến nàng mẫu nổi tiếng

Rina Fukushi (20 tuổi) có bố là người Mỹ gốc Nhật và mẹ là người Philippines. Trước khi trở thành người mẫu nổi tiếng tại Nhật Bản, cô từng có tuổi thơ bị bắt nạt vì là con lai.




Mai An

Bạn có thể quan tâm