Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị cảnh sát khám người vì là con lai da đen ở Nhật Bản

Dù có quốc tịch và hộ chiếu Nhật Bản, Alonzo Omotegawa vẫn mang danh "người nước ngoài" trên chính quê hương và chịu nhiều định kiến xã hội.

Alonzo Omotegawa là công dân Nhật Bản. Suốt 24 năm sinh sống tại quê nhà, anh luôn bị hiểu lầm là người ngoại quốc. Đôi khi, ngay cả bạn bè cũng bật cười khi thấy anh có thói quen như một người bản xứ.

"Những lúc ấy, tôi thường đáp rằng: 'Đúng vậy, tôi là người Nhật mà!'", chàng trai lai 25 tuổi chia sẻ với VICE.

Tuy nhiên, ngày 27/1, anh buộc phải đấu tranh để bảo vệ danh tính khi được cảnh sát yêu cầu khám người giữa ga Tokyo vào giờ tan tầm.

"Tôi đang chờ tàu thì vài sĩ quan đột nhiên tiếp cận, yêu cầu kiểm tra túi xách. Họ nói tôi trông rất đáng ngờ, còn giật mình khi thấy cảnh sát", anh kể.

phan biet chung toc tai Nhat Ban anh 1

Omotegawa cho rằng anh bị cảnh sát giữ lại, yêu cầu khám người vì màu da và ngoại hình khác biệt. Ảnh: Alonzo Omotegawa.

Trong đoạn video được Omotegawa ghi lại, một sĩ quan nói rằng: "Những người để tóc bện, trông thời thượng nhiều khả năng tàng trữ thuốc cấm".

Sau khi thẩm vấn và soát người chàng trai lai suốt 30 phút, cảnh sát buộc phải rời đi vì không tìm thấy bất cứ vật nào khả nghi.

Chia sẻ với VICE, Omotegawa cho biết vụ việc diễn ra vào tháng trước không phải sự cố đầu tiên anh gặp phải. Anh quay clip và đăng tải lên mạng xã hội nhằm chứng minh tình trạng phân biệt đối xử với con lai ở Nhật Bản vẫn tiếp diễn.

Thực tế, tại xứ hoa anh đào, công dân mang hai dòng máu thường nhận về nhiều ánh nhìn dò xét, định kiến do ngoại hình, màu da hay phong cách khác biệt.

Năm 2017, một khảo sát do chính phủ thực hiện cho thấy khoảng 30% người nước ngoài, con lai ở xứ hoa anh đào từng bị phân biệt đối xử.

Ngay cả những cá nhân xuất chúng như Hoa hậu Hoàn vũ 2020 Aisha Harumi Tochigi, vận động viên bóng rổ Rui Hachimura hay ngôi sao quần vợt Naomi Osaka cũng không ngoại lệ.

phan biet chung toc tai Nhat Ban anh 2

Tay vợt Nhật Bản Naomi Osaka cũng vấp phải phản ứng tiêu cực vì là con lai da đen. Ảnh: Forbes.

Dù có quốc tịch và hộ chiếu như bao công dân Nhật Bản, Omotegawa luôn cảm thấy như "người ngoài" tại quê hương.

"Sau khi đăng tải đoạn clip, tôi nhận về một số bình luận chỉ trích: 'Vì bạn ăn mặc, để tóc giống người nước ngoài nên mới bị hiểu lầm'. Thực tế, tôi chưa bao giờ được đối xử như người bản xứ nếu không chứng minh bằng cách nói tiếng Nhật trong vòng 5 phút", anh giãi bày.

Sau khi sống tại Nhật Bản 15 năm, vũ công chuyên nghiệp người Mỹ Terry Wright chia sẻ cuộc sống của người da màu ở xứ hoa anh đào và Mỹ có vài điểm tương đồng.

"Cộng đồng người da màu thường chịu nhiều định kiến. Song tại Nhật Bản, bạn hoàn toàn có khả năng bị trục xuất khỏi đất nước. Bạn đối diện với nỗi lo mất đi nhà cửa, công việc, xa rời gia đình", Wright - hiện là cố vấn cho tổ chức Japan For Black Lives - nói.

Việc bị cảnh sát giữ lại khám người giữa nơi công cộng khiến Omotegawa chịu cú sốc lớn. "Năm 2021 rồi mà những chuyện như vậy vẫn diễn ra. Tôi không biết liệu tương lai sẽ thay đổi ra sao".

Con lai da đen bị phớt lờ, con lai da trắng được ưu ái ở Nhật

"Mặc dù được mang nửa dòng máu Nhật Bản, tôi vẫn không được coi là một trong số họ vì màu da và cái tên nước ngoài của mình", Sophie chia sẻ.

Trang Minh

Bạn có thể quan tâm