Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông chồng Nhật tự hào vì đổi sang họ vợ

Tại một đất nước mà 96% số phụ nữ đổi sang họ chồng sau khi kết hôn, quyết định đổi sang họ vợ của Shu Matsuo Post (Nhật Bản) được coi là hiếm gặp, đi ngược số đông.

Shu Matsuo Post (Nhật Bản) tự gọi mình là một nhà nữ quyền, nhưng tinh thần ấy không tự dưng đến. Trong 28 năm đầu, anh thừa nhận mình chưa bao giờ cố gắng hiểu cảm giác của một cô gái sống trong xã hội nặng tính gia trưởng.

Cho đến khi gặp Tina Post (Mỹ), người vợ hiện tại, quan điểm của anh dần thay đổi. Từ đó, Shu không do dự khi đổi sang họ vợ sau khi kết hôn.

nguoi dan ong Nhat doi sang ho vo anh 1

Shu Matsuo Post (Nhật Bản) và vợ Tina Post (Mỹ).

Khi cả hai quyết định kết hôn vào năm 2017, không một ai muốn từ bỏ họ của mình. Trong khi đó, luật pháp Nhật Bản yêu cầu các đôi muốn kết hôn phải lấy họ của một trong hai, của vợ hoặc của chồng.

Để công bằng, cả hai đều đổi theo họ của người kia.

Tina mất 15 phút để đổi tên khai sinh của mình từ Tina Post thành Tina Matsuo Post ở Mỹ. Nhưng Shu mất đến 8 tháng để đổi tên hợp pháp từ Shuhei Matsuo thành Shuhei Matsuo Post ở Nhật Bản, bao gồm cập nhật hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ tín dụng, thẻ đi máy bay, tài khoản email, danh thiếp...

“Hầu hết đàn ông không bao giờ phải trải qua điều này. Tại sao người ta cho rằng một người phụ nữ nên mang danh người đàn ông khi kết hôn? Nếu đó là sự lựa chọn của cô ấy, thật tuyệt, nhưng nếu không, tại sao chúng ta phải mong đợi người vợ đánh mất bản sắc của mình để ủng hộ chồng”, Shu đặt câu hỏi.

"Càng tìm hiểu về định kiến giới, tôi càng thấy rõ điều đó trong cuộc sống hàng ngày. Sự phân biệt đối xử ở khắp mọi nơi và gây hại cho tất cả", doanh nhân 35 tuổi đến từ Tokyo, nói.

nguoi dan ong Nhat doi sang ho vo anh 2

Người đàn ông quyết định đổi theo họ vợ sau khi kết hôn.

Mặc dù đàn ông có quyền lấy họ của vợ, 96% số phụ nữ Nhật Bản lấy họ của chồng.

Giờ đây, Shu nói rằng những người đàn ông cần phải thừa nhận những đặc quyền mà họ mặc nhiên được hưởng trước giờ, dù anh thừa nhận không dễ để đàn ông Nhật thay đổi tính gia trưởng, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi.

"Không thể ngăn chặn hết mọi hành vi phân biệt giới tính mà bạn thấy. Ở xã hội Nhật Bản, sự phân biệt đối xử với phụ nữ được dung thứ và chấp nhận như một phần của cuộc sống hàng ngày. Tôi đôi khi không có cơ hội chỉ ra cho họ thấy họ sai ở đâu", anh bày tỏ.

Với việc thay đổi tên trong hôn nhân chỉ là một trong nhiều khía cạnh của cuộc sống Nhật Bản gây bất lợi cho phụ nữ, Shu cho rằng bình đẳng giới cần bắt đầu từ gia đình.

“Tôi thực sự tin tưởng vào việc làm gương. Gần đây, khi nghe nói người đồng nghiệp, người sắp lên chức bố vào tháng tới đã thấy những gì tôi làm và quyết định nghỉ việc để chăm sóc con mới sinh, tôi thấy rất vui. Hai điều đàn ông có thể làm để giúp khắc phục là làm nhiều việc nhà hơn và nghỉ phép chăm sóc con cái", Shu nói.

Đang trong thời gian 7 tháng nghỉ phép để chăm con nhỏ, Shu hiện sử dụng mạng xã hội để kể câu chuyện đổi sang họ vợ của mình với tư cách là một nhà nam nữ bình quyền.

Nhưng người vợ Tina vẫn không nghĩ điều đó có nghĩa là chồng mình đang đại diện cho phụ nữ hay nói thay cho họ. “Tôi thấy anh ấy đại diện cho nam giới, chỉ ra nhiều suy nghĩ sai lầm mà anh ấy là một phần của nó", cô nói.

Khách sạn, sân bay thành nơi xét nghiệm Covid-19

Trước yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi đến Mỹ, các khách sạn, sân bay, hãng hàng không ở các nước lân cận đang cạnh tranh dịch vụ xét nghiệm cho du khách.

Hiền Thy

Ảnh: Japan Times.

Bạn có thể quan tâm