Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị cáo Đinh La Thăng cúi đầu xin lỗi Đảng, người dân

Nói lời sau cùng, ông Thăng một lần nữa cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, người dân, các thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí, giao thông vận tải... Tòa sẽ tuyên án ngày 22/1.

Sáng 17/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí - PVN) và 21 bị cáo bước sang ngày làm việc thứ 10. Lúc 11h cùng ngày, tòa kết thúc làm việc và nghị án. HĐXX sẽ tuyên án lúc 8h ngày 22/1.

Trước đó, ông Đinh La Thăng mặc áo khoác tối màu bước lên bục dành cho các bị cáo, lấy trong túi áo ra một tờ giấy đã viết trước để nói lời sau cùng.

Bị cáo Đinh La Thăng nói lời sau cùng Sáng 17/1, ông Đinh La Thăng nói lời sau cùng trước khi toà nghị án.

Bị cáo Thăng cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, người dân

Với 25 phút, cựu Chủ tịch PVN gửi lời cảm ơn HĐXX đã điều hành phiên tòa một cách dân chủ, công khai, khách quan, theo đúng tinh thần cải cách tư pháp và luật mới. Ông cũng gửi lời cảm ơn các luật sư đã tham gia phiên tòa với trách nhiệm cao.

Sau khi nhắc lại chuyện vào nghề hơn 30 năm trước, bị cáo Thăng nói không bao giờ nghĩ bản thân phải đứng trước tòa để nói lời sau cùng. Theo lời bị cáo, ông luôn làm việc hết trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi vợ sinh con ông cũng không có ở nhà mà phải đi đến các công trường.

Dinh La Thang noi loi sau cung anh 1
Ngày 17/1, bị cáo Đinh La Thăng nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Ảnh: TTXVN .

Bị cáo sinh năm 1960 cho biết bản thân luôn nỗ lực, cố gắng làm tròn trách nhiệm với cương vị người đứng đầu. Những người nguyên là lãnh đạo ở PVN phải đứng trước tòa hôm nay là trách nhiệm của ông.

Từng là người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải, bị cáo Thăng nói còn nợ người dân tuyến đường sắt Bắc Nam, một sân bay Long Thành, một đường cao tốc Bắc Nam... Ông cũng nói từng ấp ủ để TP.HCM trở thành TP đứng đầu Đông Nam Á, một TP không trộm cắp, cướp giật hay biến nơi đây thành Singapore mới nhưng đến nay cơ hội đã khép lại.

Hôm nay đứng trước tòa nói lời sau cùng và đối mặt án phạt nghiêm khắc, bị cáo Thăng một lần nữa cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, người dân, các thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí, giao thông vận tải...

Cựu Chủ tịch PVN mong HĐXX xem xét cho được ăn cái Tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân, sau đó chấp hành án phạt tù.

Một lần nữa ông Thăng mong HĐXX xem xét cho các bị cáo không có động cơ cá nhân, vi phạm vì sự quyết liệt với công việc. "Bị cáo xin nhận trách nhiệm cho tất cả các bị cáo đó", cựu Chủ tịch PVN nói.

Theo lời bị cáo, sau khi xử xong vụ án này, ông còn phải đối mặt với một án phạt khác cũng xảy ra tại PVN về tội Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian làm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN giai đoạn 2006-2011. Bị cáo cho rằng không thể lường trước được lời nói cuối cùng ngày hôm nay, lời nói cuối cùng trong trong phiên tòa sắp tới và có còn lời nói cuối cùng nào nữa không trong thời gian tới. Vì vậy, bị cáo mong HĐXX xem xét để có đường lối xử lý, đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước.

Trịnh Xuân Thanh ân hận vì đã tạo ra dư luận không tốt

Sau Đinh La Thăng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT PVC) cũng lên bục nói lời sau cùng. 

Về cáo buộc tội Tham ô tài sản, bị cáo mong HĐXX xem xét tuyên ông không có tội. Cựu Chủ tịch HĐQT PVC cho rằng không thể suy đoán bằng những chứng cứ không rõ ràng để xác định hành vi tham ô. "Bị cáo rất lo lắng", ông Trịnh Xuân Thanh bày tỏ, ngay sau đó HĐXX cắt lời vì nội dung này đã đề cập trong phần tranh luận.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo 52 tuổi cũng đề cập đến cách tính thiệt hại mà theo ông là thiếu căn cứ.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận hơn một năm qua, ông tạo ra dư luận không tốt nên rất ân hận. Giống Đinh La Thăng, bị cáo này cũng gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bày tỏ sự ân hận và day dứt khi thấy con trai có mặt từ sáng đến tối ở tòa.

Trịnh Xuân Thanh: 'Bị cáo rất hối hận' Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT PVC) nói rất hối hận vì đã tạo ra dư luận xấu. Bị cáo gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Phùng Đình Thực thừa nhận có sơ suất trong giám sát

Bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc PVN) là người thứ 3 nói lời sau cùng. “Chứng cứ tại CQĐT và phiên tòa đủ chứng minh bị cáo không làm trái. Bị cáo nhận thấy có sơ suất trong kiểm tra giám sát”, ông Thực nói và cho biết trong công việc luôn công khai, không lợi ích nhóm, không ưu ái riêng ai.

Giải thích việc đã xảy ra, bị cáo này nói khi triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông tin rằng dự án triển khai bình thường nên tập trung giải quyết vướng mắc trong thăm dò khai thác dầu khí - lĩnh vực nguyên Tổng giám đốc PVN có thế mạnh. Bị cáo đề nghị HĐXX đánh giá đầy đủ chứng cứ buộc tội và gỡ tội, cá thể hóa hành vi trách nhiệm, xét xử công minh cho bị cáo và những người khác.

Dinh La Thang noi loi sau cung anh 2
Bị cáo Phùng Đình Thực xuất hiện ở sân tòa Hà Nội sáng 17/1. Ông là một trong số những bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Ảnh: Việt Hùng.

Cùng giữ cương vị Phó tổng PVN, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh và Nguyễn Xuân Sơn tỏ ra ân hận sâu sắc.

Bị cáo Sơn cho rằng bản thân không làm trái các quy trình, quy chế nhưng do dây chuyền triển khai dự án có sai sót nên đến khâu của ông cũng có sai. Bị cáo đã thành khẩn nhận thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ của mình. 

"Bị cáo xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các cán bộ dưới quyền, đã thừa hành nhiệm vụ của bị cáo", bị cáo Sơn nói.

Bị cáo Phùng Đình Thực: 'Có sơ suất trong kiểm tra giám sát' Trong phần lời nói sau cùng, nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực cho rằng mình không cố ý làm trái, chỉ sơ suất trong kiểm tra giám sát.

'Bị cáo thấy rất đáng xấu hổ và nhục nhã'

Với trách nhiệm Tổng giám đốc PVC, bị cáo Vũ Đức Thuận xin nhận trách nhiệm toàn hộ hành vi sai phạm. Với sự ăn năn, hối lỗi, bị cáo này xin lỗi cán bộ công nhân viên Tổng công ty PVC vì hành vi sai phạm của ông đã ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị.

Nghẹn giọng và phải dừng lời khoảng một phút, Thuận xin HĐXX giảm nhẹ án cho bản thân và các bị cáo khác trong vụ án. 

Bị truy tố về tội Tham ô tài sản, bị cáo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó tổng PVC) nói bản thân thấy rất đáng xấu hổ và nhục nhã. Ông Minh ý thức rằng đã sai thì phải chịu trách nhiệm vì hành vi đó đã gây ra thiệt hại kinh tế cho Nhà nước. "Số tiền đó không sử dụng vào mục đích cá nhân, nhưng bị cáo thấy mình phải có trách nhiệm vì sự thất thoát này. Gia đình bị cáo cũng đã xin được khắc phục số tiền, mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật", bị cáo nói.  

Theo ghi nhận của Zing.vn, các bi cáo còn lại đều bày tỏ sự ân hận về sai phạm của bản thân, gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, nhân dân, gia đình và cán bộ, công nhân toàn ngành dầu khí. Họ nêu các tình tiết tình tiết giảm nhẹ và hoàn cảnh gia đình, mong nhận được sự khoan dung của pháp luật để chỉ phải chịu mức án thấp nhất.

Dinh La Thang noi loi sau cung anh 3
Bị cáo Nguyễn Anh Minh bị VKS đề nghị mức án 18-19 năm tù về tội Tham ô tài sản. Ảnh: Việt Hùng.

Cáo trạng xác định ông Đinh La Thăng chỉ định Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện, ký gói thầu EPC trái quy định. Sau đó, cựu Chủ tịch PVN tiếp tục chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng.

Nhóm cán bộ ngành dầu khí bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do tham gia vào việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng, tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai quy định. Riêng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản do cấu kết lập hồ sơ khống để rút 13 tỷ đồng chia nhau sử dụng.

Đại diện VKSND đề nghị mức án 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh án chung thân. Các bị cáo khác bị đề nghị 24 tháng tù treo đến 28 năm tù.

Dinh La Thang noi loi sau cung anh 4
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Trịnh Xuân Thanh về trại tạm giam sáng 17/1. Ảnh: Việt Hùng.

Trong phần tranh luận kết thúc chiều qua (16/1), luật sư bào chữa cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo của PVN đều cho rằng thân chủ của họ không cố ý làm trái quy định. Người bào chữa và các bị cáo này cho rằng cách tính thiệt hại của cơ quan giám định không có căn cứ.

9 trong số 10 bị cáo bị truy tố tội Tham ô tài sản thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc nhận 4 tỷ đồng tiêu Tết và cùng một số bị cáo sử dụng chung 1,5 tỷ. Ngoài ra, bị cáo Thanh và luật sư bào chữa nói ông không cố ý làm trái, đề nghị HĐXX tìm tội danh khác phù hợp với hành vi của cựu Chủ tịch HĐQT PVC.

Tại phiên tòa, cơ quan công tố xác định ông Đinh La Thăng giữ vai trò chủ mưu, các bị cáo ở PVN biết hợp đồng EPC thiếu cơ sở pháp lý vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết, tạm ứng tiền sai quy định nên phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan công tố cũng khẳng định qua tranh luận đủ cơ sở xác định hành vi Tham ô tài sản của Trịnh Xuân Thanh.

Tự bào chữa, ông Đinh La Thăng thừa nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu. Ông xin nhận trách nhiệm cho cấp dưới không có động cơ vụ lợi, vi phạm do sự chỉ đạo quyết liệt. Ngoài đề nghị xem xét lại tình tiết VKS cáo buộc ông là chủ mưu.

Bị cáo Thăng còn mong muốn HĐXX cho ông và các bị cáo tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được tại ngoại.

Ông Đinh La Thăng xin nhận tội thay cấp dưới "Bị cáo xin nhận trách nhiệm cho người khác, từ anh Thực trở xuống...", ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN nói tại tòa.

Ông Đinh La Thăng xin tại ngoại

Chiều 16/1, bị cáo Thăng đề nghị được thay đổi biện pháp ngăn chặn với bản thân và một số bị cáo. Cơ quan công tố cũng đang cân nhắc tình tiết giảm nhẹ cho người liên quan vụ án.

Lần thứ 2 tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng nói gì?

Lần thứ 2 lên bục tự bào chữa cho mình, bị cáo Thăng nói về sự công bằng khi PVPower và Ban quản lý dự án là người thực hiện trực tiếp mà không bị xử lý.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm