Trao đổi với Zing.vn, luật sư Phương Văn Thêm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết tại phiên tòa xét xử Trần Hoàng Anh (40 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) sáng 15/3, ông đã đề nghị HĐXX khởi tố các vụ án liên quan đến dấu hiệu làm oan sai bị cáo.
Đó là các vụ: Vu khống, Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, Ra bản án trái pháp luật và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại xã Ngọc Chánh; TAND huyện, Công an huyện và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Đầm Dơi.
Trần Hoàng Anh tại tòa. Ảnh: Việt Tường. |
"Những cán bộ ấp, xã nhận tiền chế độ 290 của đối tượng chính sách có dấu hiệu phạm tội nhưng cơ quan điều tra không khởi tố mà khởi tố, điều tra người không phạm tội là Hoàng Anh. Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH thì thiếu trách nhiệm, còn thẩm phán TAND huyện Đầm Dơi thì tuyên án oan sai cho Hoàng Anh", luật sư Thêm chia sẻ.
Nhập nhằng hồ sơ chính sách
Ngoài các vụ án mà luật sư Thêm đề nghị HĐXX xem xét khởi tố ngay tại tòa, bị cáo Hoàng Anh còn yêu cầu tòa án khởi tố thêm vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với nhóm cán bộ nhận tiền của người có công rồi chiếm đoạt và vụ Truy cứu trách nhiệm hình sự người không phạm tội đối với cán bộ cơ quan tố tụng gây oan sai cho ông.
Ông Hoàng Anh: "Bà nội tôi có 3 người chồng. Trước khi gặp ông nội ruột tôi, bà là vợ ông Phạm Hồng Sơn, bí danh Tư Sơn. Sau khi ông nội ruột của tôi qua đời, bà nội đi bước nữa với người cũng tên Sơn, đó là Phạm Văn Sơn, bí danh Năm Thắm".
Theo cáo trạng của VKSND huyện Đầm Dơi, từ năm 2006-2011, ông Hoàng Anh lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao và việc quản lý lỏng lẻo của quy trình thiết lập hồ sơ chính sách (theo quyết định 290 năm 2005 của Thủ tướng) để lừa đảo, chiếm đoạt 58,3 triệu đồng. Cụ thể là nhiều lần viết giấy giới thiệu cho người không có mối quan hệ với đối tượng thụ hưởng tiền chính sách, để họ đi nhận tiền tại Phòng LĐ-TB&XH Đầm Dơi rồi đưa cho Hoàng Anh.
Cơ quan công tố liệt kê danh sách 9 trường hợp liên quan đến việc tiền không đến tay vì "Hoàng Anh chiếm đoạt". Trong đó bị cáo xác định 2 người là họ hàng, 7 người còn lại có hộ khẩu tại xã Ngọc Chánh.
"Cáo trạng ghi không có người nào tên Khởi nhận tiền cho cha là Phạm Văn Sơn nhưng thực tế có, bởi ông Sơn bí danh Năm Thắm là chồng sau của bà nội tôi. VKS quy kết tôi nhận tiền của ông Trần Văn Sỏi và ông này không có thật là sai, vì thực tế ông Sỏi này có bí danh Hai Sóc, là con nuôi của bà nội tôi", ông Hoàng Anh khẳng định.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh Lê Minh Vui nói về việc địa phương "ghi nhầm" tên liệt sĩ trên bia. Ảnh: Việt Tường. |
Đối với 7 trường hợp còn lại thì có một người là Lê Thị Mừng đã đến tòa khai với HĐXX là bà có đến hai lần trực tiếp nhận tiền tại Phòng LĐ-TB&XH nhưng cáo trạng ghi Hoàng Anh đi nhận. "Sáu người còn lại do cán bộ xã, ấp nhận thay và không có chứng cứ cho thấy họ đưa tiền cho tôi nhưng tôi bị truy cứu. Những người nhận tiền và chiếm đoạt mới thật sự lừa đảo chứ không phải tôi", ông Hoàng Anh nói với Zing.vn.
'Kỳ án' ở Cà Mau
Trần Hoàng Anh kể tháng 11/2013 ông bị bắt từ việc nhà chức trách cho rằng ở xã Ngọc Chánh không có liệt sĩ nào tên Phạm Hồng Sơn sinh năm 1932, nhưng bị cáo đã nhận tiền chính sách của ông này rồi chiếm đoạt. Trong lúc ông ngồi tù thì bia ghi danh liệt sĩ có người phá bỏ tên Phạm Hồng Sơn để thay tên Phạm Văn Sơn sinh năm 1928.
"Cơ quan tố tụng lấy cớ không có Phạm Hồng Sơn để bắt tôi rồi thay tên bia liệt sĩ nhằm hợp thức hóa việc này. Thực tế ở địa phương không có liệt sĩ nào tên Phạm Văn Sơn mà chỉ có Phạm Hồng Sơn là chồng trước của bà nội tôi, bí danh ông ấy là Tư Sơn", Hoàng Anh nói và chỉ vào hồ sơ liệt sĩ trích lục từ Trung ương.
Quyết định đình chỉ điều tra bị can liên quan đến vụ ông Hoàng Anh bị bắt gần 5 năm trước. |
Ông Hoàng Anh còn nói rằng khi sự thật được đưa ra ánh sáng thì chính quyền xã Ngọc Chánh trả lại tên cho liệt sĩ Phạm Hồng Sơn, nhưng người này năm sinh lại ghi 1924 chứ không phải 1932 như thực tế.
"Xã Ngọc Chánh không có liệt sĩ nào tên Phạm Hồng Sơn sinh năm 1924 mà chỉ có 1932. Không biết cơ quan chức năng có tiếp tục cố ý ghi sai năm sinh chồng trước của bà nội tôi để tiếp buộc tội tôi", người đàn ông vướng lao lý bày tỏ nghi vấn.
Trong lần ra tòa thứ 9 (14-15/3), Hoàng Anh có 7 luật sư từ TP.HCM đến Đầm Dơi bào chữa miễn phí cho ông. Đại diện cơ quan công tố đề nghị mức án của bị cáo từ 3-4 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi bị cáo kêu oan và đề nghị tòa khởi tố hàng loạt vụ án khi nói lời sau cùng, HĐXX cho rằng vụ này có nhiều tình tiết phức tạp, cần nghị án kéo dài, dự kiến tuyên án ngày 20/3.
Nửa năm trước, TAND tỉnh Cà Mau hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Đầm Dơi về việc tuyên Hoàng Anh 8 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Theo cấp phúc thẩm, bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, còn nhiều vấn đề chưa được cơ quan điều tra làm rõ nên phải điều tra lại. Sau khi điều tra lại thì VKSND huyện Đầm Dơi ra cáo trạng truy tố Hoàng Anh tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước khi có vụ án này, TAND huyện Đầm Dơi từng tuyên Hoàng Anh 7 năm 6 tháng tù về tội Tham ô tài sản và 3 năm 6 tháng tù tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản án sau đó bị cấp phúc thẩm hủy để điều tra lại và Hoàng Anh được đình chỉ điều tra tội Tham ô tài sản vào tháng 8/2015.
Tháng 11/2017, Hoàng Anh tiếp tục được Cơ quan điều tra hình sự khu vực 6 (Quân khu 9) đình chỉ điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Công an Đầm Dơi khởi tố, bắt giam bị can vào tháng 11/2013. Theo cơ quan điều tra của quân đội thì việc ông Hoàng Anh viết hộ hồ sơ thụ hưởng tiền chính sách theo chế độ 290 của liệt sĩ Phạm Hồng Sơn là đúng quy định, không cấu thành tội phạm.
Xã Ngọc Chánh (màu đỏ) ở Cà Mau. Ảnh: Google Maps. |