Chiều 19/9, phiên xử đại án Oceanbank tiếp tục diễn ra. HĐXX mời Ngô Hoàng Long (cựu Giám đốc phòng giao dịch Âu Cơ) - bị cáo bị VKS đề nghị mức án 24-30 tháng tù cho hưởng án treo lên tự bào chữa.
Cáo trạng thể hiện Long làm giám đốc Ngân hàng Oceanbank phòng giao dịch Âu Cơ từ tháng 10/2012 đến 4/2016. Cơ quan công tố cáo buộc Long tiếp nhận chủ trương, chỉ đạo của Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu về việc chi trả lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho khách hàng gửi tiền. Trong thời gian bị cáo Long làm giám đốc, phòng giao dịch đã nhận và chi lãi ngoài cho khách hàng số tiền hơn 4 tỷ đồng.
"Bị cáo không trực tiếp nhận tiền từ hội sở và không trực tiếp chi tiền lãi ngoài cho khách hàng", Long nói.
Trình bày phần tự bào chữa cho mình, bị cáo sinh năm 1980 nói giai đoạn chi lãi ngoài cũng chính là thời khắc sinh tử của Oceanbank nên tác động đến tinh thần của cán bộ, trưởng các đơn vị.
“Hành động này để cứu, hỗ trợ ngân hàng. Hành động đó được xem như tự vệ chính đáng", bị cáo Long nêu quan điểm và nói rằng nhờ chi lãi ngoài Oceanbank đã tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 cán bộ.
Bị cáo Hà Văn Thắm đến tòa sáng 19/9. Ảnh: Việt Hùng. |
“Với hành động cứu giúp, bảo vệ chính đáng mà vẫn bị cho là có lỗi thì sau này những hành động như vậy để cứu giúp, bảo vệ ngôi nhà mà mình hưởng công ăn lương còn có ai nữa không", cựu giám đốc phòng giao dịch Âu Cơ bày tỏ và mong muốn HĐXX xem xét, ra phán quyết thấu tình đạt lý.
Bị cáo Long mong HĐXX nhìn nhận việc làm của mình thời điểm đó trong hoàn cảnh "tinh thần bị kích động". Cựu giám đốc phòng giao dịch nói hành động đó như “ngộ sát trong tâm tưởng” và mong tòa xem xét miễn trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính nghiêm khắc để thể hiện tính giáo dục và nhân ái.
Sau Long, bị cáo Trịnh Xuân Hà (cựu giám đốc Oceanbank Long Biên) cũng có thời gian bào chữa cho bản thân. Bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái, bị VKS đề nghị từ 24-30 tháng tù nhưng hưởng án treo.
Hà nói lần đầu đứng trước vành móng ngựa nên cảm thấy áp lực lớn. Bị cáo cho rằng bản thân đang phải gánh chịu một “hậu quả” khác khi đang đứng ở đây, đó là những áp lực từ xã hội, ánh mắt từ bạn bè, hàng xóm làng giềng.
"Hôm nay đứng ở phiên tòa này nhưng 5-10 năm sau, bị cáo sẽ phải đứng ở một phiên tòa khác, khi con cái bị cáo trưởng thành. Lúc đó các cháu sẽ nhìn người bố như thế nào", bị cáo xúc động. Nghe Hà nhắc tới con trong phần tự bào chữa, Thắm và Thu ngồi dưới rơm rớm nước mắt.
Cựu giám đốc Oceanbank Long Biên nói mình có ý định chụp những bài báo, lưu lại những đoạn video để sau này các con có hỏi bị cáo không trả lời được hết sẽ cho con xem. Kết thúc phần tự bào chữa, Hà mong HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho mình.
Đến 15h30, HĐXX đã gọi 11 bị cáo lên tự bào chữa. Nhiều bị cáo khóc, tất cả đều xin HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho bản thân và chỉ xử phạt hành chính để giáo dục.
Trước đó, cuối giờ sáng 19/9, sau khi các luật sư kết thúc phần bào chữa cho hơn 30 thân chủ của mình, HĐXX mời các bị cáo không có luật sư tự đứng lên bào chữa cho bản thân.
Những người đầu tiên được HĐXX gọi tên là Hoàng Thị Hồng Tứ (cựu Chủ tịch Công ty BSC Việt Nam) - bị cáo bị VKS đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù giam; Nguyễn Quốc Chiến (nguyên Giám đốc Oceanbank chi nhánh Sài Gòn) - bị cáo bị VKS đề nghị mức án từ 36-42 tháng.
Trong phần tự bào chữa của mình, Hồng Tứ và Chiến đều bật khóc xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Nói với người từng là cấp trên của mình (bị cáo Hà Văn Thắm), Chiến đề nghị sếp cũ hãy khiếu kiện về quyết định mua lại Oceanbank với giá 0 đồng để chứng minh với dư luận rằng ngân hàng này không lỗ. "Xin anh hãy nói với HĐXX đôi lời về trách nhiệm của các bị cáo vì anh, vì ngân hàng”, Chiến nói.
Nghe những lời ấy, bị cáo Thắm và Thu ngồi phía sau lấy khăn lau nước mắt.