Ngày 8/9, TAND cấp cao tại TP HCM mở phiên tòa phúc thẩm vụ án Cưỡng đoạt tài sản với bị cáo Võ Văn Minh (36 tuổi, ngụ Tiền Giang), tuyên y án sơ thẩm với mức 7 năm tù.
Đại diện VKS cho rằng hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, có đầy đủ chứng cứ kết luận người này phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. Lời bào chữa của các luật sư chưa hợp lý với vật chứng, nhân chứng tại tòa.
HĐXX khẳng định bị cáo giao dịch với công ty Tân Hiệp Phát không phải là giao dịch dân sự mà là hình sự vì có thủ đoạn uy hiếp tinh thần. Do đó, tòa án sơ thẩm xét xử bị cáo Võ Văn Minh tội Cưỡng đoạt tài sản là có cơ sở.
'Tôi bán sự im lặng, không bán chai nước'
Theo ghi nhận của Zing.vn tại phiên xử, bị cáo Minh thay đổi từ kháng cáo sang kêu oan. "Bị cáo không hiểu tại sao Tân Hiệp Phát đã thỏa thuận trả tiền cho bị cáo mà lại báo công an bắt", Minh nói.
Minh khai, khi phát hiện ra chai nước có ruồi, anh ta không tin đây là sản phẩm của Tân Hiệp Phát nên gọi điện thoại lên công ty để kiểm tra. Sau khi gặp gỡ, phía Tân Hiệp Phát cho rằng mức giá 1 tỷ anh Minh đưa ra quá cao nên thống nhất giảm xuống còn 500 triệu đồng.
Trả lời câu hỏi của luật sư, Minh nói rằng, số tiền 500 triệu đó là anh "bán sự im lặng của mình chứ không phải bán chai nước".
Theo Minh, trong những lần giao dịch với nhân viên của Tân Hiệp Phát, chưa khi nào họ nói việc làm của anh là vi phạm pháp luật.
Trước sự thay đổi sang việc kêu oan của bị cáo, đại diện VKSND nói nếu bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt thì có thể áp dụng Bộ luật hình sự mới để đề nghị giảm nhẹ xuống 2- 3 năm tù. Tuy nhiên do bị cáo kêu oan nên VKS đề nghị HĐXX y án sơ thẩm.
Luật sư Phạm Công Hùng - một trong 5 luật sư bào chữa cho bị cáo chia sẻ rằng ông cảm thấy buồn khi phải nghe lời trên của vị đại diện VKS. Ông khẳng định ý kiến trên của đại diện VKS là bất hợp pháp.
Các luật sư trao đổi với Võ Văn Minh trước lúc phiên tòa khai mạc sáng 8/9. Ảnh: Phước Tuần. |
Luật sư nghi vấn chai nước có sự tráo đổi
Trong phần tranh luận, luật sư Phạm Công Hùng đưa ra những nghi vấn liên quan đến chai nước ngọt.
Vị luật sư công bố bút lục cho thấy biên bản phạm tội quả tang và niêm phong chai nước cho thấy chai nước còn nguyên. Nhưng trong biên bản nhập kho vật chứng (gồm 500 triệu, xe máy, điện thoại..) thì không có chai nước ngọt. "Tôi không biết chai nước ngọt này từ đâu ra, có hay không việc tráo đổi", ông Hùng đặt câu hỏi.
Theo luật sư, hành trình thu, giữ, niêm phong, bảo quản chai nước ngọt có ruồi xuất hiện dấu hiệu ẩn khuất. Tại lệnh nhập kho số 01 ngày 27/1/2015, chỉ nhập số tiền, xe máy, điện thoại mà không nhập kho chai nước ngọt có ruồi. Đến ngày 2/2/2015, vật cần giám định là chai nước ngọt có chữ ký Võ Văn Minh mới được đưa vào kho, mang đi giám định. Như vậy, có nghĩa là 6 ngày sau chai nước ngọt mới được nhập vào kho.
"Sự khác biệt rất lớn giữa biên bản niêm phong chai nước ngọt do hai điều tra viên và bị cáo Minh ký với tình trạng: chai nước ngọt còn nguyên vẹn. Nhưng khi giao vật chứng vào kho chỉ là một gói có riêng chữ ký của bị cáo Minh, không có chữ ký của hai điều tra viên còn lại", luật sư bào chữa cho bị cáo Minh phân vân và cho rằng, nếu còn nghi vấn thì không được xử vì dễ dẫn đến oan sai.
Tại phiên phúc thẩm hôm nay, luật sư Nguyễn Tấn Thi cũng làm rõ nội dung đơn tố cáo của bà Trần Ngọc Bích gửi đến công an Tiền Giang không hề có chữ nào mô tả về việc Võ Văn Minh làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự của doanh nghiệp này.
Theo nội dung vụ án, Minh có quán bún riêu và nước giải khát tại ngã ba An Cư (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Ngày 3/12/2014, bị cáo này lấy chai Number 1 bán cho khách thì phát hiện bên trong có con ruồi. Anh ta nảy sinh ý định dùng chai nước để tống tiền doanh nghiệp sản xuất là Công ty Tân Hiệp Phát. Ngày 5/12/2014, Minh gọi điện cho Tân Hiệp Phát thông báo sự việc và yêu cầu giao 1 tỷ đồng để đổi lấy sự im lặng.
Nếu không đưa tiền, Minh dọa sẽ nộp chai nước cho Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương (nơi Tân Hiệp Phát đặt trụ sở), cung cấp thông tin cho báo chí và in 5.000 tờ rơi để hạ uy tín doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Sau đó, Tân Hiệp Phát đã cử nhân viên xuống Tiền Giang làm việc với anh Minh 3 lần và đều được lập biên bản.
Hai bên thỏa thuận giảm mức tiền từ 1 tỷ xuống 500 triệu đồng. Ngày 27/1/2015, đại diện Tân Hiệp Phát đưa tiền cho Minh tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè và làm biên nhận. Khi người đàn ông này mang tiền bỏ vào cốp xe máy để ra về thì bị công an ập vào bắt quả tang. Tại phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên Minh 7 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Bị cáo này kháng cáo kêu oan và cho rằng đây chỉ là giao dịch dân sự giữa 2 bên chứ không cưỡng đoạt tài sản.