Theo cơ quan điều tra, thủ đoạn của hacker là thâm nhập vào email của các doanh nghiệp để nắm thông tin về giao dịch, hợp đồng, chuyển tiền thanh toán cho các đối tác. Sau đó, chúng tạo một địa chỉ email gần giống của đối tác để gửi thư điện tử cho doanh nghiệp, yêu cầu thay đổi tài khoản nhận tiền thanh toán.
Cơ quan điều tra từng nhận được đơn báo của ông Trương Thái Sơn (62 tuổi) giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ở quận Thủ Đức về việc bị hacker đánh cắp email, lừa chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.
Theo trình báo của nạn nhân, ông Sơn dùng địa chỉ email có tên thaisonco55 để giao dịch với đối tác bán tôm giống ở Thái Lan. Công ty ở nước ngoài cũng dùng email để giao dịch. Hai bên thỏa thuận mua bán hơn 1.000 con tôm giống.
Công an TP.HCM gửi tin nhắn cảnh báo đến người dân. Ảnh: Khánh Trung. |
Sau khi nhận được hàng, ông Sơn nhận được email yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản được mở tại BIDV và Vietcombank. Dù đã chuyển 3 tỷ đồng, nhưng đối tác báo lại chưa nhận được tiền.
Ông Sơn biết mình bị lừa nên đến công an trình báo. Giám đốc doanh nghiệp nghi có thể hacker đã xem tất cả nội dung trao đổi làm ăn, để lừa chuyển tiền.
Không chỉ ông Sơn bị sập bẫy của băng nhóm lừa đảo nói trên, chị Nguyễn Thị Ngọc Thu (42 tuổi, ở quận 6) cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Nữ giám đốc cho biết có giao dịch mua bán thiết bị y tế với một công ty ở Bỉ. Trong thời gian này chị nhận được email của đối tác ở nước ngoài nhờ chị thanh toán hơn 200 triệu đồng vào các tài khoản được mở tại BIDV và Vietcombank. Sau khi làm theo yêu cầu trong email, chị Thu liên hệ với đối tác thì biết họ không hề nhờ chuyển tiền.
Từ những thủ đoạn lừa đảo trên Công an TP.HCM khuyến cáo các doanh nghiệp, khi nhận được email thanh toán, tuyệt đối không chuyển tiền ngay mà cần liên lạc trực tiếp với đối tác để xác nhận. Nếu nghi ngờ bị lừa phải nhanh chóng đến công an trình báo.