Chia sẻ với Zing, anh Lương Văn Cường (quê Tương Dương, Nghệ An) cho biết hai vợ chồng vào Bình Dương từ tháng 5. Anh làm việc ở một xưởng sản xuất đế giày tại thị xã Bến Cát. Vợ anh, chị Lương Thị Vân, có thời gian làm nhân viên bán hàng rồi nghỉ hẳn ở nhà.
Khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, từ tháng 6, anh Cường phải nghỉ việc ở xưởng, nguồn thu duy nhất này cũng không còn.
"Lương của tôi 3 cọc 3 đồng, chỉ vừa đủ trả tiền thuê nhà trọ, điện, nước và phí sinh hoạt. Vì vậy, chúng tôi chẳng dành dụm được là bao. Khi tôi mất việc, hai vợ chồng gặp nhiều khó khăn".
Ban đầu, anh Cường tính đưa vợ về quê bằng xe máy. Tuy nhiên, Bình Dương đang thực hiện siết chặt việc đi lại của người dân để kiểm soát dịch nên phương án này không thể thực hiện.
Vợ chồng chị Vân, anh Cường đã được một số nhà hảo tâm hỗ trợ. Ảnh: NVCC, V. |
Ngày 24/8, tình cảnh của cặp vợ chồng trẻ được chia sẻ lên mạng xã hội, một số nhà hảo tâm ủng hộ hai người chút chi phí để xoay xở. Tại khu phố ở trọ, đôi trẻ cũng nhận được gạo, rau củ từ các mạnh thường quân.
Sáng 25/5, anh Vượng, thành viên hội đồng hương Nghệ An tại Bình Dương, hỗ trợ hai vợ chồng thêm một số nhu yếu phẩm và sữa.
Thời gian qua, anh Vượng thường xuyên giúp đỡ một số công việc cho Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh Bình Dương, được cấp giấy thông hành, có thể di chuyển ở một số khu vực tại Bến Cát.
Anh Vượng cho biết trừ một số trường hợp đặc biệt, lao động ngoại tỉnh tại Bình Dương hiện khó có thể về quê.
Đối với trường hợp chị Vân, anh cho biết vì sống ở vùng xanh, khi đến ngày sinh, chị có thể gọi xe cấp cứu hoặc các hội nhóm thiện nguyện đưa tới bệnh viện. Nếu cần kíp, anh Vượng sẵn sàng chở chị đi sinh hoặc khám chữa.