Ngụy Vĩnh Khang từng được gọi là "thần đồng phương Đông", nhưng sau đó lại chọn cuộc sống bình thường. Ảnh: The Paper. |
Năm 1996, truyền thông tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đưa tin về cậu bé mới 13 tuổi nhưng đã đậu vào khoa Vật lý của Đại học Tương Đàm với số điểm 602/700. Một bản tin còn ưu ái gọi cậu là "điều kỳ diệu của Hồ Nam".
Sau đó, tin tức về cậu bé này nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc. Dư luận nước này bắt đầu dành nhiều lời khen có cánh cho cậu bé như "phép lạ của Trung Quốc", "thần đồng phương Đông"...
Thông minh hơn người
Cậu bé được đề cập trong câu chuyện trên là Ngụy Vĩnh Khang, sinh ngày 17/6/1983, theo The Paper. Vĩnh Khang sinh ra trong một gia đình bình thường, lúc mới chào đời chỉ nặng 2,35 kg nên từng bị coi là một đứa trẻ "khó nuôi". Nhưng khi mới hơn một tuổi, cậu bé lại khiến mọi người sốc vì có khả năng hơn người.
Cụ thể, khi mới được 1,5 tuổi, Vĩnh Khang được mẹ đưa đến nhà máy để tiện chăm sóc. Vào giờ nghỉ trưa, một nhân viên nhà máy thấy cậu bé đang vẽ trên mặt đất nên đã hỏi "con có biết viết không".
Vĩnh Khang nhìn người đàn ông trước mặt rồi gật đầu. Người đàn ông đưa cho cậu bé một hạt đậu phộng rồi nói "con viết vài chữ đi, nếu viết đúng, ta sẽ cho thêm".
Ngụy Vĩnh Khang chỉ mất 2 năm để hoàn thành chương trình tiểu học. Ảnh: The Paper. |
Kết quả, Ngụy Vĩnh Khang 1,5 tuổi nhanh chóng viết 100 chữ Hán khác nhau trên nền xi măng của nhà máy. Điều bất ngờ hơn là cậu bé chưa từng được dạy cách viết những chữ này.
Sau lần đó, Vĩnh Khang được mọi người gọi là thiên tài nhỏ. Thậm chí, một số người cho rằng em là món quà trời ban, không phải một đứa trẻ bình thường.
Đến năm 1987, Ngụy Vĩnh Khang được mẹ đăng ký theo học một trường tiểu học tại địa phương. Giáo viên phụ trách tuyển sinh nhìn cậu bé 4 tuổi còn quá nhỏ, lại gầy gò, nên đã từ chối. Dù vậy, bà Tăng Học Mai - mẹ của Vĩnh Khang - vẫn cố gắn thuyết phục nhà trường, thậm chí chủ động đề nghị nhà trường kiểm tra khả năng của con trai.
Ngay trong ngày hôm đó, giáo viên tuyển sinh ra một số đề toán cộng, trừ, nhân, chia trong phạm vi 10. Vĩnh Khang đều trả lời đúng tất cả câu hỏi, một số câu thậm chí không cần suy nghĩ.
Kết quả, Vĩnh Khang được vào tiểu học khi mới 4 tuổi, không cần học lớp 1 mà "nhảy" thẳng lên lớp 2. Vài tháng sau, cậu bé được chuyển lên lớp 4 nhờ thành tích học tập xuất sắc.
Thời điểm đó, Ngụy Vĩnh Khang là học sinh nhỏ tuổi nhất ở trường tiểu học, chênh lệch với bạn cùng lớp 5 tuổi. Do khác biệt độ tuổi, cậu bé không thể kết bạn ở trường và chỉ có thể tự chơi một mình.
Mỗi khi tới lớp, cậu chỉ có thể tập trung tối đa 5 phút, rồi lại rời khỏi chỗ ngồi. Một giáo viên từng hỏi nguyên nhân, nhưng cậu bé chỉ có một câu trả lời duy nhất là: "Thầy dạy dễ quá, không cần học, em cũng hiểu".
"Trong khi các học sinh khác nhìn lên bảng và tập trung ghi chép, Vĩnh Khang lại đi lang thang. Nhưng khi tôi yêu cầu trả lời câu hỏi, em ấy vẫn có thể trả lời đúng. Lâu dần, chúng tôi không còn quan tâm em ấy nữa", một giáo viên chia sẻ.
Mẹ của Ngụy Vĩnh Khang đồng hành cùng con trên con đường học tập. Ảnh: The Paper. |
Mẹ chăm từng bữa cơm để có thời gian học
Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học chỉ trong 2 năm, Ngụy Vĩnh Khang tiếp tục được nhận vào một trường THCS tốp đầu tại địa phương.
Để được nhận vào trường này, cậu phải hoàn thành bộ đề thi gồm các kiến thức của bậc THCS và một số câu của đề thi đại học. Kết quả, cậu hoàn thành đề thi chỉ trong 20 phút, trong khi những người khác phải mất một giờ mới có thể trả lời hết.
3 năm sau, Vĩnh Khang 9 tuổi vào THPT và được người dân địa phương gọi là "thần đồng phương Đông".
Trở ngại của Vĩnh Khang bắt đầu từ những năm tháng học THPT. Do còn nhỏ tuổi, giáo viên thường sắp xếp một số bạn học hỗ trợ cậu bé, trong đó có bạn học nữ. Điều này vô tình khiến mẹ của Vĩnh Khang cảm thấy khó chịu, thậm chí thẳng thừng yêu cầu các bạn nữ không được tiếp xúc gần với con trai.
Cũng vì không chịu nổi chuyện "nam nữ đi thành cặp", bà Tăng gần như cắt đứt mọi liên lạc của con trai và bạn cùng lớp. Bà cũng đích thân đưa đón con trai tới trường.
Không muốn làm trì hoãn thời gian học của con trai, bà Tăng thậm chí tìm cách lẻn vào lớp, đút cơm cho con ăn để "con vừa ăn vừa có thời gian học bài".
Cũng vì để con trai được ăn uống đầy đủ, bà Tăng phải đi hơn 30 km mỗi ngày. Hành trình này dài và gian nan nhưng người mẹ vẫn kiên trì suốt 3 năm, bất kể mưa năng.
"Tôi chỉ muốn lo cho mọi việc của con trai, tôi hy vọng con không phải suy nghĩ gì khác ngoài việc học", bà Tăng nói.
Sóng gió khi vào đại học
Đến năm 13 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang hoàn thành kỳ thi tuyển sinh đại học và trúng tuyển khoa Vật lý của Đại học Tương Đàm. Mọi chuyện đang dần phát triển theo hướng mà bà Tăng Học Mai mong đợi.
"Số phận không cho tôi gặp được người chồng tốt, nhưng đã cho tôi có được một đứa con trai tốt. Vĩnh Khang là tất cả hy vọng của tôi. Nếu phải đánh đổi mạng sống vì tương lai của con, tôi sẵn sàng làm điều đó", người mẹ bày tỏ khi con trai đậu đại học.
Trong mắt nhiều người, bà Tăng là một người mẹ vĩ đại, nhưng thực tế, những điều bà làm lại đang cản trở sự phát triển của con trai.
Do Vĩnh Khang còn nhỏ tuổi, Đại học Tương Đàm đặc cách cho bà Tăng chuyển vào ký túc xá để chăm sóc con trai. Trong thời gian học đại học, Vĩnh Khang không tham gia hoạt động nhóm, thậm chí chưa bao giờ giao tiếp với bạn cùng lớp.
Học chuyên ngành liên quan khoa học kỹ thuật - ngành học đòi hỏi cần tính toán, thí nghiệm để làm bài tập, nhưng Vĩnh Khang không bao giờ tham gia các buổi thí nghiệm và thảo luận.
Hành vi bất thường của cậu khiến cả trường chú ý, giảng viên cũng nhiều lần trao đổi nhưng bất thành. "Thành tích của Vĩnh Khang vẫn rất tốt, chúng tôi không thể làm gì được", nhà trường nói.
Trường hợp của Vĩnh Khang khiến giảng viên rất đau đầu. Một lần, trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, giảng viên đến gặp nam sinh và giao cho cậu 2 nhiệm vụ là luyện viết thư pháp và đọc 4 tác phẩm kinh điển của Trung Quốc để thư giãn.
Sau kỳ nghỉ, giảng viên hỏi về bài tập đã giao. Vĩnh Khang cúi đầu, nói rất nhỏ: "Em chưa đọc những cuốn sách đó, mẹ em không cho. Bà nói những cuốn sách đó là vô dụng".
Ngụy Vĩnh Khang và con gái. Ảnh: The Paper. |
Trong ký ức của mình, Ngụy Vĩnh Khang hiếm khi làm trái ý mẹ, chỉ có 2 lần duy nhất, một lần khi học tiểu học và một lần vào năm 17 tuổi - khi cậu được nhận vào chương trình thạc sĩ và tiến sĩ của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Nhờ cơ hội này, Vĩnh Khang lần đầu tiên thoát khỏi vòng tay của mẹ để đến Bắc Kinh học tập.
Đến tháng 8/2003, sau khi trở thành nghiên cứu sinh 3 năm, Ngụy Vĩnh Khang được thuyết phục về nhà vì khả năng tự chăm sóc bản thân quá kém. Ngoài ra, viện cũng cảm thấy bất lực vì cậu chỉ giỏi kiến thức không sách vở và thiếu đi những kỹ năng cần thiết trong nghiên cứu.
Trở về quê hương, Vĩnh Khang nhiều lần bị hàng xóm chê cười vì thiếu kỹ năng sống. Một thời gian sau, cậu tiếp tục lên Bắc Kinh học cao học và trở thành nghiên cứu sinh tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh.
Sau khi tốt nghiệp, Vĩnh Khang làm việc ở Thâm Quyến, Nam Kinh rồi chuyển đến nơi khác. Thời gian này, anh cũng kết hôn và có 2 con gái, hoàn toàn rũ bỏ danh hiệu "thần đồng phương Đông" và trở thành người bình thường.
Đến tháng 11/2021, Ngụy Vĩnh Khang đột ngột qua đời ở tuổi 38 do nhồi máu cơ tim. Dù đã nhiều năm trôi qua, câu chuyện về "thần đồng phương Đông" vẫn được nhắc lại như một bài học về cách nuôi dạy những đứa trẻ có khả năng hơn người ở đất nước tỷ dân.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.