Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bi kịch của người phụ nữ bị chẩn đoán nhầm kết quả ung thư

Ngày nhận tờ kết quả X-quang, Kim Johnson từng nghĩ đó là thời điểm hạnh phúc nhất đời mình. Nhưng bà không biết rằng đây mới là lúc bi kịch bắt đầu.

chan doan sai ket qua ung thu anh 1

Tháng 1/2015, Kim Johnson lo lắng khi ngồi vào bàn ăn, ôm chặt bức thư chưa mở. Ở trong chiếc phong bì này là kết quả X-quang của Bệnh viện quận Fleming, Flemingsburg, Kentucky, Mỹ.

Căn bệnh ung thư vú đã cướp đi sinh mạng của mẹ bà nhiều năm trước đó. Cả gia đình sống trong cảm giác đau đớn vì người thân yêu ra đi. Viễn cảnh đó khiến Kim hoảng sợ khi phát hiện khối u mềm ở ngực phải. Trực giác mách bảo có điều gì đó không ổn. Bà Kim quyết định chụp X-quang tuyến vú.

Nếu Kim bị ung thư, ai sẽ là người cho ngựa và gà ở trang trại? Ai sẽ chăm sóc 3 đứa trẻ bà và chồng vừa nhận nuôi sau khi đã có 5 đứa con nuôi khác? Hàng loạt câu hỏi xuất hiện trong đầu người phụ nữ 59 tuổi.

Khoảnh khắc quyết định đã đến. Bà xé toạc niêm phong, mở bức thư. Dòng chữ “không có bằng chứng cho thấy bệnh ung thư” đập vào mắt người phụ nữ. “Tạ ơn trời, mình đã tránh được một viên đạn”, Kim nhớ lại.

Bà nghẹn ngào gọi điện báo tin cho chồng, ông Delbert. Tối đó, gia đình 10 người lái xe và tới quán Tumbleweed Tex Mex Grill để ăn mừng.

Giữa niềm vui khôn xiết, họ không biết có một sai lầm khủng khiếp đã xảy ra. Cuộc đời bi kịch đi tìm sự thật và đấu tranh với bệnh hiểm nghèo của Kim bắt đầu từ ngày đó.

Kết quả nghiệt ngã

Khi cả gia đình của Kim dùng bữa tối, khối u ung thư đang âm thầm phát triển trong tuyến vú. Các bác sĩ đã xem xét hình ảnh X-quang và phát hiện điều bất thường. Nhưng ai đó ở bệnh viện đã gửi nhầm kết quả của người khác cho Kim, khiến bà không quay lại tái khám như hướng dẫn vốn có.

chan doan sai ket qua ung thu anh 4

Kết quả X-quang được gửi tới nhà Kim vào tháng 1/2015 khiến bà thở phào nhẹ nhõm nhưng lại là nguồn cơn bắt đầu cho chuỗi bi kịch. Ảnh: Luke Sharrett/NBC News.

Bức thư mà Kim nhận được vào đầu năm 2015 không làm bà vơi bớt cảm giác sợ hãi về nguy cơ mắc ung thư. Nó cũng không thể ngăn cơn đau ở ngực phải diễn biến nặng hơn. Tiến sĩ Amanda Applegate, bác sĩ riêng của bà Kim cho rằng đây có thể là bệnh nhiễm trùng tụ cầu, sẽ chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh. Sau này, tiến sĩ Applegate cũng thừa nhận bà sơ sót khi hoàn toàn tin tưởng vào kết quả X-quang mà đưa ra các phán đoán sai lầm.

Kim bắt đầu dành 9 tháng sau đó để thử hàng loạt thuốc giảm đau, điều trị nhiễm trùng. Tuy nhiên, khối u trong ngực của bà vẫn tiếp tục phát triển. Cuối cùng, tháng 9/2015, Applegate khuyên Kim nên tái khám.

Lúc này, cơ thể Kim đã có những khác biệt. Cơn đau ở ngực ngày càng tồi tệ hơn. Kim băn khoăn và cuối cùng quyết định tầm soát ung thư lại lần nữa.

Vào một ngày mùa thu u ám, Kim lái xe gần 130 km để đến Bệnh viện St. Elizabeth Fort Thomas ở miền bắc Kentucky, gần Cincinnati. Sau khi kiểm tra ngực của bà, bác sĩ Heidi Murley hoảng hốt và yêu cầu sinh thiết khẩn cấp. Vài ngày sau, bà quay lại viện để nhận kết quả. Tại đây, bác sĩ nói với Kim bà đã bị ung thư vú giai đoạn 4. Khối u di căn tới hạch bạch huyết và xương.

Tin tức ấy là thứ gì đó rất nghiệt ngã. Bởi dựa trên mức độ di căn của bệnh, bà chỉ có thể sống được 6 tháng, nhiều nhất là một năm.

Nghe lời chẩn đoán của bác sĩ, người phụ nữ 59 tuổi tựa như rơi xuống vực thẳm. Các bác sĩ cho biết bệnh tình của Kim đã trở nặng, có thể đã quá muộn để cứu người phụ nữ này. Từ giờ phút đó, Kim bước vào cuộc chiến nhiều năm với căn bệnh chết người, không rõ lúc nào mình sẽ trút hơi thở cuối cùng.

chan doan sai ket qua ung thu anh 5

Nhận được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn cuối, thế giới của Kim như sụp đổ. Ảnh: Luke Sharrett/NBC News.

Bác sĩ Murley, người xem xét các bản chụp X-quang trước đó của Kim từ Bệnh viện quận Fleming, hỏi tại sao bệnh nhân này không được sinh thiết sớm hơn. Bởi dựa trên kết quả này, bà phải được làm sinh thiết trong vòng 30 ngày kể từ lần chụp X-quang tuyến vú đầu tiên.

Theo hồ sơ điều tra, bác sĩ X-quang, tiến sĩ Linda Griska, là người ghi chẩn đoán vào kết quả X-quang ngực ban đầu của Kim. Ông đã viết kết luận “rất nghi ngờ về bệnh ác tính” và yêu cầu sinh thiết.

Kim vô cùng bối rối. Không ai nói với bà cần phải quay lại làm các xét nghiệm bổ sung. Nữ bệnh nhân run rẩy, mất phương hướng khi lái xe rời Bệnh viện St. Elizabeth. Bà không nhớ bằng cách nào đã lên đường cao tốc và tấp vào lề đường khóc nức nở.

“Tất cả là lỗi của mình sao? Là do mình đọc nhầm thư hay bỏ lỡ lá thư nào?”, bà tự hỏi trong lòng và không nguôi cảm giác đau khổ.

Về đến nhà, Kim ngay lập tức bổ đi tìm các tài liệu cũ được lưu trữ trong tủ. Sau vài phút điên cuồng đào bới, bà cầm trên tay lá thư được gửi đến vào tháng 1/2015. Trên đó vẫn còn rõ nét dòng chữ kết luận: “Không có bằng chứng về ung thư”.

“Tôi đã phát điên. Tại sao họ lại gửi cho tôi bức thư này?”, Kim không khỏi phẫn nộ.

chan doan sai ket qua ung thu anh 6

Nữ bệnh nhân 59 tuổi luôn tự hỏi tại sao điều tồi tệ này lại xảy đến với mình. Ảnh: Luke Sharrett/NBC News.

Đi tìm công lý

Không chịu nổi áp lực và sự tắc trách của Bệnh viện quận Fleming, Kim quyết định khởi kiện cơ sở y tế này vào tháng 9/2016. Đại diện bệnh viện phủ nhận, tuyên bố họ đã gửi cho bà Kim 2 lá thư khác về kết quả X-quang tuyến vú và hẹn bệnh nhân này quay lại kiểm tra theo dõi trong 4 tháng.

Kim cảm thấy bối rối. Bà khẳng định mình chưa từng nhìn thấy những bức thư mà họ đề cập. Sau đó, hai bên thống nhất khoản bồi thường 1,25 triệu USD vào tháng 4/2018, bù đắp cho thời gian, tiền bạc, sức khỏe mà bà Kim phải bỏ ra khi điều trị ung thư.

Phải mất 3 năm sau, luật sư của Kim mới lần theo được những manh mối của sự việc và ghép thành bức tranh hoàn chỉnh. Điều khủng khiếp đã được hé lộ. Đó là vài tuần sau khi Kim đệ đơn kiện y tế vào năm 2016, hai nhân viên bệnh viện đã mở hồ sơ của bà và chỉnh sửa, xóa bằng chứng về hành động sai sót.

Sau đó, bệnh viện tạo bức thư giả nhằm đánh lạc hướng điều tra. Chuyên gia pháp y Andrew Garrett, người thay mặt Kim xem xét hồ sơ y tế, tiết lộ thực trạng này không phải hiếm ở các bệnh viện. Ông miêu tả những trường hợp này tựa như khẩu súng được giấu trong hồ sơ. Bệnh viện quận Fleming phủ nhận trách nhiệm với tình trạng sức khỏe của Kim. Họ chỉ thừa nhận kết quả gửi sai là “lỗi của nhân viên”.

chan doan sai ket qua ung thu anh 7

Các luật sư của Kim Johnson, Dale Golden và Laraclay Parker. Ảnh: Luke Sharrett/NBC News.

Một số chuyên gia tiết lộ với NBC News tình trạng sai sót hồ sơ, kết quả y tế thậm chí phổ biến hơn mọi người vẫn nghĩ. Chuyên gia pháp y Garrett cho biết công ty của ông đã xử lý khoảng 500 sơ suất y tế trong hơn 7 năm. Họ tìm thấy những vụ sửa đổi, tẩy xóa hồ sơ trắng trợn. Garrett miêu tả nó là “sự che đậy hoàn hảo” cho lỗi sai khủng khiếp, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bệnh nhân.

Theo báo cáo của ông Garret, một tuần sau khi Kim đệ đơn kiện, ai đó đã đăng nhập dưới tên Hafer và truy cập hồ sơ bệnh án năm 2015 của bà Kim. Người này thay đổi mã chụp X-quang tuyến vú từ "NEG" sang "ABN" - có nghĩa là bất thường.

Một tháng sau, mã đó lại được thay đổi, nhưng dưới cái tên kỹ thuật viên X-quang khác - Kristal Humphries, với chẩn đoán yêu cầu bệnh nhân theo dõi trong 4 tháng. Lần thay đổi thứ 3 do tài khoản Hafer thực hiện, xóa nhận xét ban đầu của Kristal Humphries và để lại dòng kết luận yêu cầu sinh thiết, khuyến nghị theo dõi sức khỏe trong 4 tháng và đề tên Humphries ở phần người thực hiện.

Luật sư Parker lên án hành vi thay đổi này thực chất là để che đậy việc làm sai trái của bệnh viện và đổ trách nhiệm sang cho bà Kim. Phía bệnh viện đưa lý do lỗi hệ thống, trục trặc ban đầu nên cần phải có 3 lần sửa chữa ghi chú trong bệnh án và cho rằng Hafer đã nhầm lẫn kết quả với một bệnh nhân khác cùng họ. Nhưng Hafer phủ nhận mọi cáo buộc. Cả Hafer lẫn Humphries đều không trả lời tin nhắn của luật sư hay yêu cầu triệu tập liên quan.

Tự tìm đường sống từ số phận nghiệt ngã

Kim Johnson muốn theo đuổi vụ kiện đến cùng. Nhưng có những thứ không thể lấy lại hay bù đắp được đó là sức khỏe và mạng sống của người phụ nữ này.

Vài ngày sau khi nhận được chẩn đoán ung thư, bà Kim bước vào đợt hóa trị đầu tiên. Từ đó đến nay, nữ bệnh nhân này đã trải qua tổng cộng 50 đợt hóa trị và 40 lần xạ trị. Thuốc chữa ung thư khiến làn da của Kim trở nên xám xịt, móng tay - chân đen lại. Răng và những sợi tóc nâu sẫm bắt đầu rụng. Bà cảm thấy mình như "thây ma" lay lắt tìm đường sống.

Mùa xuân năm 2016, bà Kim nhờ chồng cạo những búi tóc cuối cùng còn sót lại trên đầu. "Đó là khoảnh khắc khó khăn nhất tôi từng làm", ông Delbert nói. Ở bên ngoài, cậu con trai Sam lắng nghe tiếng mẹ thổn thức, hòa trộn với tiếng rè rè của tông đơ.

chan doan sai ket qua ung thu anh 10

Những lần hóa trị, xạ trị và phẫu thuật bào mòn cơ thể của bà. Ảnh: Luke Sharrett/NBC News.

"Bà ấy bước ra, lau nước mắt và nói: 'Các con muốn ăn tối gì nào?', khoảnh khắc ấy tôi không thể quên được. Bà ấy quyết không để bệnh ung thư quái ác quật ngã", Sam, 21 tuổi, nhớ lại.

Và đúng như lời Sam nói, bà Kim sống sót một cách đáng kinh ngạc. Hơn 5 năm sau khi nhận được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn cuối, bà vẫn chiến đấu. Các bác sĩ cho rằng trường hợp của bà Kim là một phép màu.

Nhưng phép màu không xảy ra ở trên tòa. Tòa án không thể xử thắng kiện cho Kim vì thiếu nhiều chứng cứ. Bà không thể quên được nỗi đau đớn mà kết quả X-quang sai lầm đó đã gây ra. Nhưng thay vì lao vào cuộc chiến pháp lý, người phụ nữ 59 tuổi dành hết năng lượng còn lại để chăm sóc trang trại và 3 đứa con nhỏ. Với bà, thói quen bận rộn hàng ngày giúp bản thân quên đi áp lực và nỗi đau cơn bạo bệnh mang lại.

Thuốc trị ung thư khiến cơ thể của Kim yếu đi rất nhiều. Nhưng bà vẫn thức dậy lúc 5h30, cho ngựa, bò, gà ăn trước khi đánh thức 3 đứa trẻ 6, 11 và 12 tuổi. Bà cũng chuẩn bị bữa sáng, chăm sóc cho con trước khi chúng đến trường. Sau khi con đi học, Kim bắt đầu lên mạng đọc những nghiên cứu, phương pháp điều trị ung thư mới.

Mỗi ngày, bà uống 1,2 lít nước ép cà rốt, tắm hơi hồng ngoại 2 giờ đồng hồ và chạy bộ 3,2 km. "Cuộc sống của tôi khá bận rộn với căn bệnh này và lũ trẻ. Nhưng tôi vẫn ở đây để chăm sóc chúng. Bởi điều đó quan trọng hơn bất kỳ thứ gì", bà tâm sự.

Các khối u tiếp tục di căn nên bà phải phẫu thuật thường xuyên. Cuộc mổ gần nhất là vào tháng 1, nhưng các bác sĩ không thể bóc tách hết chúng vì nó quấn quanh tĩnh mạch và bó dây thần kinh ở cổ. Bà rất lo khối u sẽ di căn đến não. Kim không dám nghĩ tới viễn cảnh đó.

Bà luôn tự nhủ phải lạc quan hơn, để bớt cảm giác lo sợ khi kịch bản tồi tệ nhất có thể ập đến. "Điều tôi lo lắng nhất chính là lũ trẻ. Nếu họ gửi cho tôi kết quả đúng ngay từ đầu, có lẽ, tôi sẽ có nhiều thời gian cho các con", nữ bệnh nhân kết thúc cuộc phỏng vấn với NBC và không thể giấu nổi sự nghẹn ngào.

Mối nguy hiểm khi bệnh nhân bị bỏ quên gạc y tế trong cơ thể

Thống kê tại Mỹ cho thấy băng gạc chiếm tỷ lệ 70% trong số các dụng cụ y tế bị bỏ sót khi phẫu thuật.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm