Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bi kịch của những nạn nhân mất cả tiền lẫn tình vì 'rich kid lừa đảo'

Nạn nhân bị chế giễu, thủ phạm được tung hô là kịch bản chung của những vụ thao túng tâm lý, lừa tình lẫn tiền. Phản ứng của công chúng với các vụ việc khét tiếng cho thấy điều đó.

rich kid lua dao anh 1

Bad Vegan: Fame. Fraud. Fugitives.The Tinder Swindler là những hit lớn của Netflix trong năm 2022. Đây đều là phim tài liệu khai thác chủ đề tội phạm, nói về những tay lừa đảo khét tiếng.

Đối với những nạn nhân xuất hiện trên phim, việc kể về hành trình bản thân bị thao túng tâm lý, lừa tình lẫn lừa tiền trước hàng triệu khán giả ban đầu mang đến hy vọng tìm kiếm công lý và được dư luận ủng hộ.

Tuy nhiên, khi những bộ phim mô tả hời hợt về hành vi gian lận, thêm thắt tình tiết drama hay thậm chí "thần tượng hóa" kẻ lừa đảo, nhiều nạn nhân lại trở thành đối tượng bị công kích, ném đá, trong khi thủ phạm được tung hô.

Bị cười nhạo vì "yêu đương ngu ngốc"

Cecilie Fjellhøy là nạn nhân của Simon Leviev (tên thật là Shimon Hayut), người được gọi "kẻ lừa đảo Tinder" trong phim The Tinder Swindler.

Leviev là một "người đàn ông nguy hiểm", chàng trai mà cô đã yêu và mất hết tiền sau nhiều tháng bị lạm dụng tài chính lẫn tình cảm, Fjellhøy kể.

Khi nhận ra kế hoạch giả mạo con trai tỷ phú để lừa đảo nhiều phụ nữ với số tiền lên đến hàng chục nghìn USD của Leviev, Fjellhøy đã đến gặp cảnh sát nhưng họ chỉ cười nhạo cô, nạn nhân nói với Insider.

Fjellhøy buộc phải chuyển sang giới truyền thông ở quê nhà Na Uy và câu chuyện của cô đã lan truyền mạnh mẽ. Raw Films, một công ty sản xuất phim ở London, đã chuyển thể câu chuyện thành bộ phim tài liệu ăn khách The Tinder Swindler, phim sau đó được Netflix phát sóng.

rich kid lua dao anh 2

Nhiều nạn nhân bị Simon Leviev lừa gạt hiện phải sống trong cảnh nợ nần.

Fjellhøy muốn một bộ phim tài liệu chân thực. "Tôi muốn biết tại sao việc bắt giữ thủ phạm lại khó đến vậy, tại sao cảnh sát không hành động, tại sao hắn lại thực hiện hành vi lừa đảo này quá đơn giản? Đó là những câu hỏi lớn mà tôi muốn bộ phim giải đáp", cô nói.

Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như vậy, Fjellhøy thực sự thất vọng. "Đó chỉ là một lời kể khác về việc tôi và các nạn nhân đã yêu đương ngu ngốc như thế nào. Bộ phim chỉ làm cho mọi chuyện bớt nghiêm trọng".

Netflix tập trung vào cách mà phụ nữ rơi vào lưới tình rồi bị lừa tiền hơn là những tội ác tàn nhẫn của Leviev, Fjellhøy nói.

"Nhiều người thậm chí không hiểu rằng đó là phim tài liệu. Có những người hỏi liệu chúng tôi có phải diễn viên và câu chuyện trên phim có thật hay không. Đôi khi phim tài liệu có thể được dàn dựng quá tốt và mọi người thậm chí không nhìn ra bạn là một con người có thật".

Fjellhøy cho biết cô đã khóc trong lần đầu tiên xem bộ phim. "Tôi chỉ cảm thấy mình thật ngu ngốc. Tôi phải thành thật về việc tôi đã có bao nhiêu lần 'match' trên Tinder, đã dùng nó bao lâu và bày tỏ quan niệm về tình yêu. Tôi thậm chí phải kể rằng mình đã ngủ với anh ấy vào buổi hẹn hò đầu tiên. Tôi phải nói những điều đó dù không muốn. Cảm giác không khác gì bị lợi dụng".

Sau khi phim lên sóng, trở nên nổi tiếng, Fjellhøy và các nạn nhân khác đối mặt với nhiều bình luận tiêu cực. Một số người không xem cô là nạn nhân mà nói rằng câu chuyện "thật đáng xấu hổ".

Khi được hỏi liệu Netflix có miêu tả chính xác vụ lừa đảo hay không, Fjellhøy nói: "Không, đó là lý do tôi muốn nó mang tính điều tra nhiều hơn và có thể có một nhà tâm lý học hoặc ai đó để giải thích bản chất của vụ lừa đảo này".

rich kid lua dao anh 3

Fjellhøy nói rằng bộ phim tài liệu "The Tinder Swindler" khiến cuộc sống của cô thêm tồi tệ.

Phim "nửa thật nửa giả" khiến nạn nhân khổ sở

Một ngôi sao phim tài liệu khác là Sarma Melngailis cũng chỉ trích Netflix vì mô tả cô một cách sai lệch trong Bad Vegan: Fame. Fraud. Fugitives.

Melngailis là nhân vật giúp thực phẩm thuần chay thô trở nên nổi tiếng. Nhà hàng Pure Food and Wine ở New York của cô mở cửa vào năm 2004, giúp việc ăn chay trở thành xu hướng được giới giàu có và nổi tiếng ưa chuộng.

Những người nổi tiếng đã đổ xô đến nhà hàng của cô để nếm thử các món ăn như salad xoài, rau húng quế Thái Lan, những món được New York Magazine đánh giá tích cực.

Công việc kinh doanh của Melngailis đã rất thành công cho đến khi cô gặp kẻ lừa đảo Anthony Strangis.

Các doanh nghiệp của Melngailis sụp đổ vào năm 2015 sau khi nhân viên không được trả lương và người chủ biến mất. Các nhân viên, bạn bè và cộng sự vô cùng bức xúc và không hiểu tại sao Melngailis lại phá hỏng mọi thứ mà cô đã dày công gây dựng.

Sau này, Melngailis trở lại và nói rằng cô đã bị lạm dụng tình dục, tinh thần và tài chính bởi chồng cũ Anthony Strangis, người đã ăn cắp 2 triệu USD từ các nhà đầu tư và nhân viên của Melngailis.

Strangis có quá khứ phạm tội, sử dụng vô số danh xưng để lừa đảo phụ nữ. Tháng 3/2017, Strangis đã thừa nhận 4 tội danh trộm cắp cấp độ 4, bị kết án một năm tù giam và 5 năm quản chế.

Netflix đã ghi lại sự nổi lên và sụp đổ của Melngailis trong Bad Vegan: Fame. Fraud. Fugitives., do Chris Smith đạo diễn.

rich kid lua dao anh 4

Melngailis kể mình bị chồng cũ thao túng tâm lý, bạo hành và lừa tiền.

Tuy nhiên, Melngailis cảm thấy Netflix chỉ đang sử dụng bộ phim "nửa thật nửa giả" để chế nhạo cô.

Netflix đã "nói đùa" về chấn thương mà cô phải chịu đựng dưới bàn tay của Strangis, Melngailis nói. Cô khẳng định rằng Bad Vegan: Fame. Fraud. Fugitives. bao gồm nhiều tình tiết không chính xác.

"Tôi đã bị lạm dụng về thể chất, tình cảm và tình dục nhưng họ đã chế nhạo toàn bộ câu chuyện. Về cơ bản, họ đang chế nhạo sự lạm dụng tâm lý. Theo những gì tôi biết, Strangis sử dụng kiểu thao túng - lạm dụng phổ biến hơn nhiều so với chúng ta nghĩ, rất nhiều nạn nhân đã bị lừa theo cách này. Nhưng bộ phim củng cố ý tưởng rằng anh ta có thể không sai và nạn nhân như chúng tôi là những kẻ điên rồ".

Trước đó, khi được The Guardian hỏi rằng liệu bộ phim có công bằng với Melngailis hay không, đạo diễn Chris Smith nói: "Mọi thứ đều là màu xám, không thể phân định được đúng sai. Chúng tôi đã cố gắng trình bày nó một cách chính xác nhất có thể từ thông tin có được thông qua các cuộc phỏng vấn".

Những trò lừa tình, lừa tiền và phim tài liệu về kẻ lừa đảo nói chung đã đem lại lợi ích cho Netflix. Bad Vegan: Fame. Fraud. Fugitives.The Tinder Swindler đều nằm trong top 10 bộ phim được xem nhiều nhất trong tuần đầu phát sóng.

Nhưng các nạn nhân nói rằng việc đưa câu chuyện lên nền tảng không giúp họ khắc phục được thiệt hại tài chính.

"Mọi người đều nghĩ rằng chúng tôi trở nên giàu có nhờ bộ phim. Tuy nhiên thực tế, nó chỉ khiến cuộc sống của tôi trở nên khó khăn, tồi tệ hơn. Tôi không thấy điều gì thành công cả. Chúng tôi vẫn nợ nần, ra tòa, nhưng điều đó thật tuyệt vời đối với Netflix", Fjellhøy nói.

Cú lừa từ những tiểu thư, rich kid giả mạo

Tạo dựng cuộc sống sang chảnh trên mạng, mạo danh con nhà giàu có, nhiều kẻ lừa đảo lên kế hoạch bài bản khiến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nạn nhân sập bẫy.

Lê Vy

Ảnh: Netflix

Bạn có thể quan tâm