10 năm trước, He Shilong trở thành hiện tượng ở Trung Quốc vì có thể viết thư pháp từ lúc còn nhỏ.
9 tuổi, cậu bé đến từ Liêu Ninh sở hữu tài năng thiên bẩm, được truyền thông đất nước tỷ dân mệnh danh là “thần đồng thư pháp”.
Tuy nhiên, trải qua 10 năm sóng gió, He Shilong không còn là thiên tài trong mắt mọi người mà bị chê trách, phê phán vì cách hành xử thực dụng, đánh mất giá trị từng có.
He Shilong từng được mệnh danh là "thần đồng thư pháp". Ảnh: Sohu. |
Chữ viết đáng giá nghìn vàng
Thần đồng thư pháp He Shilong sinh năm 2000 ở Liêu Ninh, Trung Quốc. Từ năm 3 tuổi, cậu đã được học thư pháp. Nhờ sự chăm chỉ và tài năng vốn có, Shilong sớm thông thạo các kỹ thuật mà nhiều học sinh trưởng thành cũng khó lĩnh hội.
7 tuổi, Shilong vượt qua kỳ thi thư pháp cấp 5 của Trung Quốc. Sau đó, nhận thấy tài năng vượt trội của "thần đồng", ban tổ chức Hội nghị Đại biểu Nhân dân Quốc gia Trung Quốc mời Shilong biểu diễn thư pháp. Trong tiết mục này, cậu bé 8 tuổi viết thư pháp bằng hai tay, trở thành hiện tượng được quan tâm.
4 chữ của He Shilong được bán với giá 110.000 nhân dân tệ. Ảnh: Sohu. |
Truyền thông Trung Quốc tung hô Shilong với biệt danh “thần đồng thư pháp”, “thiên tài sở hữu nét chữ rồng bay”…
Theo KK News, cùng năm đó, He Shilong trở thành thành viên của Hiệp hội Sách Quốc gia. Cậu bé đến từ Liêu Ninh lập kỷ lục là thành viên nhỏ tuổi nhất của tổ chức này.
Giới nghiên cứu chấn động vì thần đồng nhí và không ngớt lời khen ngợi, phân tích khí chất của cậu bé 8 tuổi qua từng nét chữ. Nhiều người dự đoán, Shilong sẽ tiến xa hơn trên con đường này bởi tài năng thiên bẩm. Nhiều gia đình, phụ huynh lấy Shilong là mẫu hình cho con cái.
Khi đó, thiên tài nhí và gia đình suy nghĩ bồi đắp khả năng cho Shilong mà chưa từng đề cập việc kiếm tiền từ công việc này. Tuy nhiên, sự kiện năm 11 tuổi đã thay đổi cuộc đời của "thần đồng thư pháp".
Shilong bận rộn với các chương trình, sự kiện sau khi nổi tiếng. Cha mẹ cậu lợi dụng điều này để kiếm tiền. Ảnh: Sina. |
Trong một sự kiện, He Shilong ngẫu hứng viết 4 chữ. Sau đó, nó bất ngờ được đem ra đấu giá và giúp cậu bé 11 tuổi thu về 110.000 nhân dân tệ (tương đương 16.400 USD). Điều này càng làm tên tuổi của Shilong trở nên nổi tiếng. Em bắt đầu tham gia nhiều hoạt động thư pháp, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các học giả, chuyên gia.
Sự nổi tiếng kéo theo các hoạt động, lịch trình dày đặc. Hàng nghìn người tới cửa nhà Shilong xin chữ. Thậm chí, một số người thiếu kiên nhẫn còn chen lấn, xô đẩy, đánh nhau trước cửa nhà cậu bé.
Trong đó, nhiều người đến xin chữ là các phụ huynh. Họ muốn thông qua tài năng của Shilong để truyền động lực, may mắn cho con, hy vọng chúng sớm thành tài.
Nhưng điều đó cũng đi kèm với việc Shilong chính thức bán chữ viết của mình nhiều hơn và làm giàu từ nó. Dần dần, cậu bé quên mất niềm đam mê, thích thú ban đầu khi học viết chữ.
Cha mẹ Shilong lúc này nhận ra khả năng kiếm tiền của con. Người bố trở thành người đại diện cho cậu bé. Mẹ của Shilong phụ trách việc đàm phán, kinh doanh. Thậm chí, họ còn tự đặt mức cát-xê cho con trai.
Hình ảnh của He Shilong hiện tại. Ảnh: Sohu. |
"Sớm nổi chóng tàn"
Cuộc đời của "thần đồng thư pháp" Shilong “sớm nổi chóng tàn”. Nổi danh từ khi còn nhỏ nhưng cậu bé năm nào giờ đây trở thành tấm gương xấu.
Do chỉ tập trung thư pháp và nổi tiếng sớm, nam sinh không chú tâm các môn học khác. Kết quả, đến thời điểm này, ngoài thư pháp, Shilong không hiểu biết bất kỳ điều gì.
Chàng thanh niên 20 tuổi bị phê phán vì tính cách thực dụng, thiếu kỹ năng xã hội. Các môn như Toán, Văn cũng bị xem nhẹ nên Shilong là cậu bé thiếu hụt kiến thức trầm trọng.
Không còn giữ được nét bút được khen là “đầy khí chất và trí tuệ”, Shilong giờ đây theo đuổi phong cách “thư pháp giang hồ”, viết chữ không theo quy tắc.
Ở tuổi 20, Shilong bị lãng quên, không còn chương trình nào mời cậu biểu diễn tài kỹ thư pháp. Những tổ chức từng mời Shilong về cũng khai trừ "thiên tài năm xưa", bởi sự yếu kém trong các sản phẩm cậu thực hiện.
Theo Sohu, nhiều người cho rằng cuộc đời của Shilong vừa đáng thương vừa đáng trách. Bởi lẽ, khi đứng trước cám dỗ của tiền bạc, cậu bé không đủ tỉnh táo và đã sa vào con đường sai trái.
Họ cũng lên tiếng chỉ trích cha mẹ của cậu bé. Bởi theo những người này, nếu được giáo dục tốt, Shilong sẽ thành công như nhiều chuyên gia đã dự đoán.
Hiện tại, Shilong sống bằng cách bán chữ kiếm tiền trên mạng. Nhưng cậu cũng không có nhiều khách mua. Nhiều người đánh giá nét chữ nguệch ngoạc, không còn kỹ năng thư pháp truyền thống của Trung Quốc.