Mới đây, TAND huyện Đông Hòa (Phú Yên) đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm hại giữa ông DMT và ông CVH.
Không có căn cứ để khởi tố
Theo đơn khởi kiện của ông T., ông bị ông H. tố cáo ra công an là đã có hành vi hiếp dâm em gái của ông H. (bị bệnh tâm thần) vào tối 12/7/2012. Tuy nhiên, vụ việc được Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hòa kết luận là không có căn cứ để khởi tố ông về tội danh trên.
Sau đó, ông T. đã yêu cầu Công an huyện Đông Hòa khởi tố ông H. về hành vi vu khống, đồng thời buộc xin lỗi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cơ quan điều tra cũng kết luận không có căn cứ để khởi tố ông H.
Ông T. cho rằng ông H. đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình nên khởi kiện yêu cầu TAND huyện Đông Hòa buộc ông H. phải bồi thường tổng cộng hơn 85 triệu đồng gồm các khoản tổn thất tinh thần 41 triệu đồng, tiền mất thu nhập 24 triệu đồng, tiền thuê luật sư 20 triệu đồng, chi phí đi lại từ nhà đến công an huyện 300.000 đồng… Ngoài ra, ông T. còn yêu cầu ông H. phải xin lỗi công khai tại nơi cư trú và trên đài truyền thanh huyện.
Làm việc với tòa, ông H. trình bày rằng nghe em gái kể lại chuyện tối 12/7/2012 bị ông T. dụ dỗ và lợi dụng tình dục nên ông đã bức xúc đưa em gái đến công an xã trình báo sự việc. Công an xã có lập biên bản ghi lời khai, sau đó chuyển đến công an huyện giải quyết theo thẩm quyền. Ông H. khẳng định việc làm của mình là tố giác tội phạm, không có hành vi vu khống hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông T. nên ông không chấp nhận các yêu cầu của ông T.
Tại phiên xử sơ thẩm vừa qua, TAND huyện Đông Hòa nhận định: Theo quy định của pháp luật, mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ tố giác tội phạm. Việc chứng minh có tội phạm hay không thuộc về các cơ quan tố tụng. Trường hợp của ông H. là tố giác tội phạm. Giữa hai bên gia đình ông H. và ông T. không có mâu thuẫn gì. Do em ruột bị tâm thần mà ông H. là người đại diện hợp pháp nên sau khi nghe em kể chuyện bị dụ dỗ, việc ông đưa em đến công an xã báo cáo và viết đơn tố giác sự việc là không có gì sai trái.
Mặt khác, sau khi ông T. gửi đơn đến cơ quan điều tra yêu cầu khởi tố ông H. về hành vi vu khống và buộc ông H. phải xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan điều tra đã có văn bản nêu rõ hành vi của ông H. không phải là cố ý bịa đặt để loan truyền, xuyên tạc, xúc phạm đến danh dự của ông T. nên không khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông H. Ngoài ra, ông T. cũng không có chứng cứ nào khác để chứng minh ngoài việc tố giác tội phạm, ông H. còn đi rêu rao, bêu xấu ông tại nơi cư trú hay bất cứ nơi nào khác.
Về các yêu cầu bồi thường của ông T., tòa xét thấy việc thuê luật sư (20 triệu đồng) và chi phí đi lại từ nhà đến công an huyện (300.000 đồng) là không có chứng cứ chứng minh. Đối với yêu cầu bồi thường mất thu nhập 24 triệu đồng với chứng cứ là hợp tác xã (nơi ông T. làm việc) xác nhận ông T. nghỉ việc là do ông tự viết đơn xin nghỉ chứ không phải do HTX buộc thôi việc, đuổi việc vì lý do tố cáo của ông H. Đối với khoản bù đắp tổn thất tinh thần 41 triệu đồng cũng không đúng quy định của pháp luật.
Từ các phân tích trên, TAND huyện Đông Hòa đã bác yêu cầu của ông T.
Tố giác khác với vu khống
Vụ kiện trên khá hi hữu trong thực tiễn tố tụng. Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia đều đồng tình với hướng giải quyết của TAND huyện Đông Hòa bởi theo họ, hành vi tố giác tội phạm hoàn toàn khác với hành vi vu khống.
Luật sư Tạ Quang Tòng (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) nói theo quy định hiện hành thì mọi công dân đều có nghĩa vụ phòng, chống tội phạm, trong đó có cả việc tố giác tội phạm. Trong trường hợp cụ thể này, ông H. nghe em gái mình (bị bệnh tâm thần) kể lại rằng đã bị ông T. xâm hại tình dục. Sau đó, ông H. đã đưa em đến công an xã trình báo sự việc. Đây là một hành động đúng của ông H., được quy định tại Điều 101 BLTTHS (công dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan điều tra, VKS, tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức).
Như vậy, thay vì hành xử không đúng mực như rêu rao, loan truyền, uy hiếp, có thể là đánh người thì ông H. đã chủ động đi trình báo để cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ sự việc. Việc ông H. làm là bảo vệ em gái mình và giúp cơ quan chức năng làm rõ hành vi phạm tội nếu có. Còn việc chứng minh có hay không có hành vi phạm tội của ông T. sau khi ông H. tố giác là thuộc về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng.
Đồng quan điểm, kiểm sát viên Phạm Xuân Hiến (Viện trưởng VKSND quận 2, TP.HCM) phân tích thêm: Theo Điều 122 BLHS thì hành vi được coi là vu khống khi “bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác là phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan thẩm quyền”. Trong vụ việc này, thông tin mà ông H. đi tố giác là thông tin ông nghe được từ em gái, không phải ông tự bịa đặt và ông cũng không đi loan truyền những thông tin đó nhằm xúc phạm danh dự ông T., gây thiệt hại cho ông T.
Hợp tình, hợp lý
Em gái ông H. là người bị khiếm khuyết về thể chất nên ông H. với tư cách là người đại diện hợp pháp có quyền tố giác tội phạm nếu thấy có cơ sở. Việc ông H. làm là để bảo vệ em gái, được pháp luật cho phép và bảo vệ. Dù sau này cơ quan điều tra có kết luận không đủ căn cứ để khởi tố ông T. cũng không có nghĩa là việc tố giác là sai. Bởi Nhà nước ta đang khuyến khích mọi công dân tố giác tội phạm với cơ quan, tổ chức. Khi chứng minh được ông H. không hề rêu rao, loan truyền việc này một cách có hệ thống, kéo dài, thường xuyên nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ông T. thì việc tòa bác đơn khởi kiện là hợp tình, hợp lý.
TS Nguyễn Duy Hưng, Trưởng khoa Luật Trường ĐH, Thủ Dầu Một, Bình Dương