Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí kíp đưa Ấn Độ dần trở thành trung tâm điện ảnh châu Á

Khám phá những "bí kíp" để các sản phẩm điện ảnh của đất nước này ngày trở nên phổ biến trên khắp thế giới và được nhiều người yêu thích.

Bí kíp đưa Ấn Độ dần trở thành trung tâm điện ảnh châu Á

Khám phá những "bí kíp" để các sản phẩm điện ảnh của đất nước này ngày trở nên phổ biến trên khắp thế giới và được nhiều người yêu thích.

Ấn Độ mỗi năm cho xuất xưởng trên dưới 1.000 bộ phim thuộc đủ các thể loại khác nhau, nhiều hơn Hollywood và ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của điện ảnh Ấn Độ. Vậy điều gì đã làm nền bộ mặt của điện ảnh Ấn Độ như hiện nay?

Đầu tư lớn cho điện ảnh

Nếu khán giả từng xem các bộ phim của Ấn Độ và Bollywood,  có thể nhận ra, việc đầu tư cho hình ảnh, phim trường, diễn viên, kỹ xảo… cho những bộ phim này không kém bất cứ một nền điện ảnh lớn nào trên thế giới. Để tạo ra sức hấp dẫn cho những bộ phim đối với khán giả, các nhà sản xuất phim sẵn sàng "rót" hàng triệu USD cho bộ phim riêng.

Bộ phim Asoka (2001) nói về vị vua nổi tiếng của điện ảnh Ấn Độ có ngân sách 130 triệu Rupee (hơn 476 tỷ đồng) với những khung cảnh hoành tráng, lung linh. Thêm vào đó, những nhà làm phim đã làm cho bối cảnh, phim trường cho giống với Ấn Độ những năm 200 trước công nguyên nhất. Trang phục của các diễn viên trong phim cũng được đầu tư kỹ càng, ngoài ra là cảnh quay rộng, chiến trận cũng đều được thực hiện hoành tráng để đem lại hiệu ứng tốt.

Có thể kể đến một bộ phim khác là Veer (Chiến binh dũng cảm - 2009), nói về cuộc chiến chống lại thực dân anh của chàng chiến binh Veer Pratap Singh, có vốn đầu tư khoảng 46 triệu Rupee (174 tỷ đồng). Trong những năm 1920, Ấn Độ bị thực dân Anh đô hộ, để giành lại độc lập cho tổ quốc, cha của Veer đã cho anh đi du học để tìm hiểu về kẻ địch. Sau khi trở về nước, anh cùng những chiến binh của mình đã đứng lên chống lại thực dân Anh và ông vua bù nhìn đang tại vị. Bộ phim có kinh phí lớn như thế là do ngoài những cảnh quay tại Ấn Độ, đoàn đã sang tận nước Anh để quay phim. Trong phim, khán giả sẽ nhận ra một số địa điểm nổi tiếng của Anh như cung điện Buckingham, bệnh viện Greenwich, London, cung điện Westminster…

Một bộ phim khác được biết đến là một trong những bộ phim có vốn đầu tư lớn nhất châu Á là Endhiran (Người máy - 2010) có vốn đầu tư lên đến 140 triệu Rupee (gần 515 tỷ đồng). Bộ phim có chất lượng kỹ xảo không thua kém bất cứ phim viễn tưởng nào của Hollywood có cùng đề tài về người máy. Endhiran nói về nhà khoa học Vassegaran, người chuyên nghiên cứu về người máy đã phát minh ra những chú robot thông minh nhưng lại không kiểm soát được chúng. Do đó, cuối cùng ông phải tự tay phá hủy những con Robot này để bảo vệ sự an toàn cho người dân.

Những bộ phim của Bollywood đầu tư là thế, nhưng doanh thu của chúng không phải là ít. Phim Veer đạt doanh thu phòng vé hơn 58 triệu Rupee hay Endhiran cũng đạt mức 210 triệu Rupee trên toàn cầu.

Quảng bá và tiếp thị cho phim và nền điện ảnh

Điện ảnh Ấn Độ và Bollywood luôn biết cách để tạo ra sự nổi bật cho những sản phầm của mình. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách, các nhà làm phim cũng không tiếc tiền khi "vung tay" để quảng bá hình ảnh cho mỗi bộ phim tại một loạt các quốc gia trên thế giới để nâng cao vị thế điện ảnh của mình.

Hàng năm, Ấn Độ tổ chức liên hoan phim tại nhiều quốc gia khác nhau để khán giả ngoài nước biết đến sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà. Có thể kể đến những liên hoan phim thường niên: LHP Ấn Độ tại Los Angeles được tổ chức vào tháng 4 dành cho phim tài liệu và phim ngắn, LHP Ấn Độ tại London tổ chức vào tháng 7, LHP Ấn Độ tại Newyork được tổ chức vào tháng 4 và 5, LHP River to River được tổ chức tại Florence, Ý hay LHP quốc tế Ấn Độ (liên hoan phim lớn nhất tại đất nước này) được tổ chức mỗi năm cũng ký kết được nhiều hợp đồng sản xuất phim với nhiều quốc gia khác. Đây cũng là cách để nhiều nước biết đến quy trình sản xuất phim của quốc gia này.

Ấn Độ cũng tích cực tham gia vào các LHP nổi tiếng thế giới. Mới đây nhất tại LHP Cannes, Ấn Độ đã tổ chức một chương trình chiếu phim của họ song song với những bộ phim trong khuôn khổ tham gia Cannes. Đây cũng là một trong những cách làm tốt để quảng bá cho nền điện ảnh của Ấn Độ.

Không chỉ vậy, tại LHP Cannes 2013, việc nữ diễn viên Vidya Balana "đảm nhận" vai trò thành viên ban giám khảo cũng là một điểm nhấn khiến nhiều người quan tâm hơn đến các bộ phim của quốc gia này. Chính Tổng giám đốc LHP Cannes - Thierry Frémaux cũng phát biểu: "Lịch sử và truyền thống đáng ngưỡng mộ, những động lực sáng tạo mạnh mẽ của các nhà làm phim Ấn Độ là ví dụ điển hình cho sức sống bất diệt".

Chính vì sự quảng bá tốt và chất lượng của những bộ phim mà nhiều phim của Ấn Độ đã được mua bản quyền tại các quốc gia trên thế giới. Ví như phim Endhiran được công chiếu tại 300 rạp phim trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Bắc Mĩ, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản.

Sự khác biệt trong các bộ phim

Nếu ai từng xem các bộ phim Ấn Độ sẽ nhận thấy, những bộ phim của điện ảnh của nước này đều để lại ấn tượng sâu đậm. Chính hai yếu tố âm nhạc và vũ đạo đã tạo nên nét riêng biệt của phim.

Thông thường, âm nhạc và vũ đạo chỉ thấy trong các bộ phim ca nhạc nhưng với Ấn Độ, hai yếu tố này có mặt trong tất cả các bộ phim. Thông thường, một bộ phim sẽ xuất hiện những bài hát và điệu nhảy từ 3 đến 4 lần. Âm nhạc được chọn lựa kỹ về phần giai điệu, ngoài ra vũ đạo cũng được thực hiện hoành tráng với sự tham gia của nhiều người.

Với sự khác biệt này làm cho những bộ phim của Ấn Độ không thể nhầm lẫn với bất cứ phim của nền điện ảnh nào khác. Thêm vào đó, khán giả cũng thích thú khi xem những bộ phim khi có sự xen lẫn âm nhạc và vũ đạo trên phim. Đây có thể coi là một trong những yếu tố tạo nên sức hút mạnh mẽ của phim Ấn Độ.

Có những sự đầu tư lớn và quảng bá rộng rãi nhưng điện ảnh Ấn Độ vẫn chưa gặt hái được nhiều thành công như mong đợi. Các bộ phim của điện ảnh nước này và Bollywood so với các nền điện ảnh lớn như Trung Quốc, Mỹ vẫn chưa tham gia nhiều vào các LHP lớn của thế giới như Cannes hay Oscar. Số lượng phim giành giải ở những LHP uy tín này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những bộ phim bom tấn có mức đầu tư lớn và chất lượng vẫn chưa đạt được doanh thu như "khủng" như các phim bom tấn nước ngoài. Ấn Độ vẫn cần thêm những bước đột phá để đưa nền điện ảnh lên một tầm cao mới.

Theo Đất Việt

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm