Chia sẻ với Zing, Phương Khanh cho biết cô đang trong giai đoạn nghỉ thai sản tại nhà. Vì vậy, Khanh nghĩ ngay đến việc kinh doanh online vì muốn có thêm thu nhập.
Phương Khanh thừa nhận chính cô cũng dành hàng giờ mỗi ngày để xem TikTok và mua hàng từ các livestream trên nền tảng này. Chính tâm lý đó đã khiến cô tin rằng việc bán hàng trên TikTok là cơ hội kiếm tiền mới.
"Tôi thấy rất nhiều người làm giàu từ TikTok Shop, họ đóng gói mỗi ngày lên đến cả nghìn đơn, nhìn phát ham", cô nói.
Quá nhiều thủ tục
Muốn đẩy nhanh quá trình, Phương Khanh lên một cộng đồng chuyên mua bán tài khoản TikTok để tìm mua một tài khoản có trên 10.000 người theo dõi.
"Nền tảng này bắt buộc để gắn được sản phẩm, tôi phải có tài khoản có đủ số lượng follower từ 10.000 trở lên. Chịu thôi, tôi không phải hot TikToker, nên đành mua".
Kết quả, cô bị lừa mất 600.000 đồng. Người này hứa với Khanh sau khi chuyển khoản đặt cọc sẽ gửi cho cô các thông tin đăng nhập, đổi lại địa chỉ email chính chủ của Khanh.
Sau khi thực hiện chuyển tiền như trao đổi, người này lẳng lặng gỡ tin nhắn khỏi phần chat và âm thầm chặn tin nhắn cô. Lúc này cô biết mình đã sai lầm.
Phương Khanh vẫn còn giữ lại tin nhắn sau khi giao dịch thất bại để mua tài khoản TikTok. |
Tương tự Phương Khanh, Thành Nhân (22 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nghĩ đến chuyện kinh doanh từ TikTok Shop. Tuy nhiên, các quy trình đăng ký rườm rà khiến anh bối rối.
Chia sẻ với Zing, anh cho biết mình tìm được một nguồn cung những sản phẩm công nghệ giá rẻ như tai nghe, chuột, bàn phím nên muốn kinh doanh trên TikTok.
Thành Nhân thừa nhận mình cũng là người có xu hướng muốn chi tiền khi xem những video review, trải nghiệm. Những video này tác động mạnh đến tâm lý, kích thích việc mua hàng của anh.
Để bắt đầu buôn bán trên nền tảng này, người bán phải có tài khoản với lượng người theo dõi nhất định. Chưa kể, Thành Nhân phải làm thêm các thủ tục điền thông tin cá nhân, liên kết tài khoản, đợi duyệt sản phẩm… Nhưng đó chưa phải là tất cả.
"TikTok Shop còn rất nhiều vấn đề phức tạp như việc thanh toán, vận chuyển, chi phí vận hành. Tôi khá mơ hồ. Trên website của ứng dụng cũng rất dài dòng. Điều này khiến tôi bối rối, muốn tìm mua hẳn một tài khoản TikTok nào đó đã có sẵn mọi thứ cho xong việc", anh kể lại.
Anh lên một hội nhóm bán tài khoản TikTok có gần 300.000 thành viên tương tác thường xuyên để tìm mua, sau đó "chốt hạ" với người giao dịch mua tài khoản có 20.000 người đăng ký với giá 1,5 triệu đồng.
Sau khi tìm hiểu, Vân Anh biết nhiều người bị lừa bằng hình thức này. |
Vân Anh (20 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) còn từng nhận được tin nhắn tuyển dụng từ TikTok. Lời mời gọi đến từ một số điện thoại lạ với nội dung “Tuyển người xử lý đơn hàng, làm việc qua ứng dụng TikTok".
Yêu cầu của người tuyển dụng là chỉ cần ứng viên có điện thoại. Nội dung công việc rất đơn giản là kích thích lượt mua sắm trên ứng dụng bằng cách tạo đơn hàng lên TikTok Shop.
Người này hứa hẹn hoa hồng đến vài trăm nghìn đồng/ngày, nhận ngay vào cuối ngày.
Vân Anh bối rối, nhưng vẫn có chút tin tưởng.
"Tôi nghĩ rằng chủ kênh có nhu cầu tăng tương tác bằng nhiều người xem, thả tim, bình luận, mua hàng cũng đúng thôi. Nghĩ vậy là hợp lý nên tôi đăng ký làm theo yêu cầu", cô kể.
Nữ sinh viên này nhẩm tính một tháng có thể kiếm được 9 triệu đồng từ công việc khá đơn giản kia.
Bị lừa, nhưng không biết tìm ai
Thế nhưng chưa kịp nhận tiền về tài khoản, Vân Anh đã được những đối tượng trên yêu cầu tham gia vào các gói đầu tư sinh lời từ TikTok.
"Họ yêu cầu tôi mua gói VIP để thực hiện nhiệm vụ, sau đó tiền hoa hồng và tiền gốc bỏ ra ban đầu sẽ được trả về cùng tài khoản", cô kể. Đến bước này, Vân Anh sinh nghi nên lên mạng tìm hiểu, cô giật mình nhận ra khi đã có hàng trăm người bị lừa bằng hình thức này.
"Tôi may mắn khi chưa mất đồng nào, chỉ tốn thời gian, nhưng có nhiều bài viết nạn nhân nói rằng họ đã bị lừa đến cả vài triệu đồng", Vân Anh nói.
Chia sẻ với Zing, cô cho biết hầu như những người bị lừa không có cách nào giải quyết được. Họ không biết liên lạc với ai, không thể liên lạc trung tâm hỗ trợ TikTok cũng không thể báo chính quyền vì số tiền không đáng bao nhiêu.
Cứ như vậy những hình thức lừa đảo gắn với cái danh TikTok Shop khiến nhiều người sập bẫy.
Thành Nhân bối rối với một loạt yêu cầu khi muốn bán hàng trên TikTok, do đó anh quyết định tìm mua tài khoản. |
Trong khi đó, cái kết mà Thành Nhân nhận được không khác gì Thanh Thảo. Vẫn những kịch bản cũ bao gồm trao đổi, thương lượng, chuyển khoản và sau đó biến mất.
Mặc dù trước khi giao dịch, Thành Nhân đã kỹ lưỡng kiểm tra độ uy tín qua mạng xã hội cá nhân, nhưng anh vẫn là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo trên.
"Tôi thấy việc phải có những điều kiện như đủ followers khiến câu chuyện trở nên rất phức tạp. Không phải ai cũng có thể buôn bán trên nền tảng này", anh nhận định.
Sau khi mất trắng 1,5 triệu đồng, anh chán nản muốn dừng lại việc kinh doanh. Nhưng ngậm ngùi nghĩ đến cảnh hàng tồn kho đã nhập về, anh chọn cách quay lại với các sàn thương mại điện tử khác.
"Tôi cũng không biết kêu ca với ai, chỉ có thể lên mạng viết bài đăng cảnh cáo cho nhiều người khác. Nếu TikTok vẫn duy trì yêu cầu nhà bán hàng phải đủ số lượng người theo dõi, tôi nghĩ nhiều người khác sẽ tiếp tục bị lừa", anh nói thêm.
Khác với Thành Nhân, Phương Khanh cố chấp hơn khi vẫn tiếp tục tìm mua tài khoản TikTok. Cô cho biết mình không còn cách nào khác, nên vẫn cố tìm người bán để mua, lần này cô muốn được giao dịch trực tiếp, không qua trung gian.
"Chưa thấy làm ra tiền đã thấy bị mất tiền vào những cái này tôi cũng xót lắm chứ. Nhưng nếu muốn xây dựng một kênh TikTok của mình thì tốn quá nhiều thời gian, tôi không kham nổi", cô nói.
Ngoài vấn đề tìm mua tài khoản sao cho nhanh, gọn, không bị lừa, Phương Khanh còn đối diện với các nỗi lo về tệp khách hàng.
Bên bán đảm bảo cho cô những con số thống kê tài khoản như lượng người truy cập thường xuyên, chỉ số livestream, tương tác, nhưng điều này vẫn khiến cô lo rằng họ sẽ không mặn mà với sản phẩm mẹ và bé - món hàng mà Khanh dự định kinh doanh trong tương lai.
Giữa tháng 4, TikTok ra mắt TikTok Shop, đánh dấu bước tham gia vào thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.
Giống các sàn TMĐT phổ biến khác, tính năng này cho phép người dùng mua hàng thông qua các gian hàng trên ứng dụng. Người bán có thể là doanh nghiệp hoặc người quảng cáo trung gian.
Dù đang thu hút người dùng nhờ mở rộng sang mô hình thương mại điện tử, một số chủ shop cho rằng cách thức quản lý doanh thu của nền tảng tương đối mập mờ.