Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Vài tiếng livestream trên TikTok, bán được 2 đơn hàng

Số người xem ít hay nhiều, Thành Đạt (TP.HCM) vẫn phải vừa ăn, vừa livestream. Một số lần, anh phát trực tiếp nhiều tiếng, nhưng chỉ bán được 2 đơn hàng ẩm thực.

TikToker anh 1

Sở hữu kênh TikTok có 400.000 lượt theo dõi, Thành Đạt bắt đầu tập bán hàng thông qua hình thức livestream.

Anh hợp tác với một số nhà hàng, quán ăn, đồng thời đăng ký hoạt động trên TikTok Shop. Với mỗi sản phẩm bán được, anh sẽ được hệ thống và đối tác trích hoa hồng.

Tuy vậy, đến nay đã vài tháng, Đạt vẫn chưa kiếm được một đồng nhờ hình thức bán hàng này. Anh cho biết phải chờ đợi nền tảng và chủ quán xử lý đơn.

Tuy vậy, theo nhẩm tính, Đạt biết số tiền nhận về cũng chẳng đáng bao nhiêu bởi số lượng khách mua ít ỏi.

"Những người không ấn theo dõi kênh sẽ không biết tôi đang phát trực tiếp. Tôi sản xuất ra nhiều video đạt triệu view, nhưng đến khi bán hàng lại không ai xem", Đạt chia sẻ với Zing.

Chật vật

Giữa tháng 4, TikTok ra mắt TikTok Shop, đánh dấu bước tham gia vào thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.

Giống các sàn TMĐT phổ biến khác, tính năng này cho phép người dùng mua hàng thông qua các gian hàng của livestreamer trên ứng dụng. Người bán có thể là doanh nghiệp hoặc người quảng cáo trung gian.

Với những TikToker bán hàng, họ sẽ nhận được tiền hoa hồng từ chủ shop sau mỗi đơn hàng thanh toán thành công.

Ngoài tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) hoặc nhận hợp đồng quảng cáo từ nhãn hàng, TikTok Shop đang là cách kiếm tiền mới nhất đối với những nhà sáng tạo nội dung của nền tảng.

Tuy nhiên, quá trình bán hàng sẽ không đạt hiệu quả nếu như buổi livestream được ít người quan tâm hoặc gặp lỗi kỹ thuật từ hệ thống. Đây cũng là điều mà ngay cả những TikToker khá nổi tiếng vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết.

TikToker anh 4

Yên Đan liên hệ với các nhãn hàng để xin mã giảm giá cho livestream của mình.

Từ đầu tháng 8, Yên Đan (25 tuổi, TP.HCM) tập tành livestream bán mỹ phẩm trên TikTok.

Sở hữu đến 400.000 người theo dõi, cô khá tự tin sẽ bán được nhiều đơn hàng.

Tuy nhiên, quá trình phát trực tiếp, cô liên tiếp đối mặt những lỗi kỹ thuật không biết từ đâu và cũng không biết phải làm sao để xử lý.

"Lần livestream gần đây, tôi hợp tác với các cửa hàng để tổ chức chương trình mini game. Theo thể lệ, một khán giả may mắn sẽ được mua một sản phẩm 300.000-400.000 đồng với giá chỉ 1.000 đồng", cô kể.

Nhưng suốt buổi, có đến 50-70 khách mua được hàng giá rẻ như vậy. Điều này khiến Yên Đan và chủ cửa hàng hoang mang, phải chật vật làm việc với nhiều bên để giải quyết sự cố.

Trong khi đó, theo Trần Lâm (23 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM), việc livestream khó khăn hơn rất nhiều so với quay video lồng tiếng, chỉnh sửa thông thường. Anh phải lên kịch bản từ trước, luyện tập nhiều lần để không được nói vấp, ấp úng.

"Phát trực tiếp chỉ khoảng 30 phút, tôi đã khô cổ, mệt mỏi, cảm thấy không còn gì để nói. Nhưng nếu quay ngắn, doanh thu sẽ rất thấp", anh thở dài.

Nhưng điều khiến anh chán ngán nhất là thu nhập từ việc bán hàng này không hề hậu hĩnh như anh từng kỳ vọng.

Theo đó, nếu bán được khoảng 100 triệu tiền hàng, anh nhận về hoa hồng 10-15%, nhiều lần khác vỏn vẹn 2-5%. Một số sản phẩm, anh chỉ được thanh toán 4.000 đồng cho mỗi đơn hàng thành công. Những đơn hoàn hàng sẽ không được thanh toán.

"Sau buổi livestream, nhiều người bấm mua sản phẩm nhưng tỷ lệ hoàn cũng khá lớn. Tôi chỉ biết nín thở chờ hệ thống tính toán, trả tiền cho mình", Lâm nói.

Khách hàng chưa có lòng tin

Hiện nay, TikTok Shop chưa có hướng dẫn cụ thể nào về phân biệt mua hàng thật, giả. Người mua phải "chọn mặt gửi vàng", dành niềm tin vào các TikToker mà họ cảm thấy đủ tin tưởng.

Nhưng chính điều này cũng tạo áp lực cho những KOL, KOC trong việc kiểm tra, thẩm định chất lượng sản phẩm trước khi giới thiệu tới khán giả.

Yên Đan cho biết nhiều người xem livestream của cô thắc mắc về lý do giá bán rẻ, nghi ngờ hàng giả. Một số còn chỉ trích, trách móc cô nếu hàng về tay bị móp méo bao bì hoặc rách tem.

Cô cho biết mình không thể kiểm soát sự cố trong quá trình vận chuyển.

TikToker anh 5

Trần Lâm nhận được khoảng 2-15% tiền hoa hồng từ việc livestream bán hàng. Một số lần, anh chỉ nhận 4.000 đồng/đơn hàng thành công.

"Trong những buổi livestream, tôi vừa bán hàng, vừa phải giải thích cho khách hiểu về chế độ trợ giá của nền tảng cũng như cam kết giấy tờ sản phẩm chính hãng. Dù là người bán trung gian, nhưng nếu có sai sót, tôi cũng bị ảnh hưởng tới uy tín cũng như mất niềm tin với khán giả", Đan chia sẻ.

Trần Lâm cũng cho biết TikTok Shop đang có nhiều ưu đãi dành cho cả livestreamer và người tiêu dùng, tuy vậy khâu vận chuyển, xử lý đơn hàng vẫn còn nhiều bất cập.

"Nhiều người nghi ngại hàng giá rẻ sẽ không uy tín nên nhiều lần 'bóc phốt', mắng chửi tôi mà không nghe giải thích", Lâm tâm sự.

Với những khán giả đã theo dõi kênh từ lâu, họ sẽ tin tưởng và đặt hàng sau khi được Lâm tư vấn thêm.

Tuy nhiên, với những người mới, Lâm phải ngồi phân tích lại bảng thành phần, công dụng của sản phẩm trên da dù trước đó anh đã lên video review về sản phẩm này.

"TikTok đang có quá nhiều nhà sáng tạo cũng như doanh nghiệp bán mỹ phẩm. Điều này khiến người dùng có phần hoang mang khi lựa chọn. Có lần, tôi phải thử lên da liên tục nhiều sản phẩm ngay trong buổi phát sóng như: nước tẩy trang, sữa rửa mặt, kem chống nắng... để khán giả có thể thấy được hiệu quả, phân biệt hàng thật, giả", Lâm nói.

Sau những giờ livestream mệt nhoài, Lâm cho biết, anh tiếp tục phải xử lý những đơn hàng khiếu nại hay hỗ trợ giải đáp thắc cho khách hàng mua trên kênh của mình. Với Lâm, đây không đơn thuần là việc bán hàng mà còn là danh dự, uy tín mà anh đã gây dựng trong vài năm qua.

"Câu chuyện livestream tưởng màu hồng, thực chất không dễ ăn, dễ kiếm tiền như vậy, kể cả với TikTok Shop, nơi đang tự quảng cáo sẽ là nơi tạo ra thu nhập mới cho các KOL, KOC", TikToker này kết luận.

TikTok Shop nghiêm cấm hàng giả, yêu cầu tất cả sản phẩm bán trên nền tảng là hàng thật và bảo vệ chủ sở hữu khỏi tình trạng vi phạm bản quyền, thương hiệu.

Tuy nhiên, trên thực tế, các sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng vẫn có “đất sống”. Người bán có thể qua mặt ứng dụng dễ dàng nếu biết một số thủ thuật đơn giản.

Ví dụ, nếu kinh doanh hàng hóa nhái thương hiệu, người bán chỉ cần che logo nhận diện trên sản phẩm hoặc bao bì, vỏ hộp, không được lồng ghép tên thương hiệu khi tạo sản phẩm, thiết lập mô tả thông thường như áo nữ, giày nam, thắt lưng…

Trầy trật kiếm tiền từ TikTok

Thấy bạn bè kiếm được tiền từ TikTok, Thanh Huyền (22 tuổi, quận 5, TP.HCM) nghỉ việc văn phòng để quay video. 3 tháng qua, cô lo lắng vì không có thu nhập.

Thanh Nga

Bạn có thể quan tâm