The World là một khu cư dân tư nhân độc quyền với 165 căn hộ siêu sang. Thông tin về nó được giữ bí mật và căn hộ chỉ được bán cho 1% người giàu nhất thế giới - những cá nhân có tài sản ròng trên 10 triệu USD.
Nhưng không phải cứ có tiền là mua được. Để trở thành cư dân mới, họ cũng phải thông qua giới thiệu và được những cư dân khác trên tàu đồng ý.
Peter Antonucci, một cựu cư dân và sở hữu nhiều hơn một căn hộ trên tàu The World, đã hé lộ trong bài phỏng vấn với CNN Travel về cuộc sống bên trong "thành phố nổi", đề cập rằng ở đó luôn tồn tại những "bê bối và bí mật".
"Có rất nhiều người giàu làm trò vui, đôi khi là những thứ nghịch ngợm, và cả những điều tai tiếng", Antonucci nói.
6 năm sống trên "thành phố nổi"
Antonucci là một luật sư về hưu và đã sống 6 năm với tư cách cư dân trên The World. Nhưng năm 2019, ông đã bán hết căn hộ của mình sau khi đi vòng quanh thế giới vài lần. "Tôi đã thấy những gì tôi muốn thấy và sẵn sàng làm điều gì đó mới mẻ hơn".
Antonucci và vợ biết đến The World qua một bài báo trên tờ Wall Street Journal vào khoảng năm 2012. Con tàu 12 tầng được hạ thủy vào năm 2002 và dài 200 m.
Lần đầu tiên nghe đến thành phố nổi này, Antonucci đã 52 tuổi và đang tận hưởng những quyền lợi khi nghỉ hưu sớm. Ông bị hấp dẫn bởi con tàu và vợ ông cũng rất hào hứng muốn tìm hiểu thêm.
Antonucci trở thành cư dân của The World từ năm 2014 và có 5 năm tham gia các hành trình vòng quanh thế giới. Ảnh: Peter Antonucci. |
Những người quan tâm có thể đặt chuyến hành trình thử nghiệm trên The World với tư cách là "cư dân tương lai". Vì vậy, Antonucci và vợ đã lên tàu ở Belize và đi thuyền qua Kênh đào Panama trong chuyến hành trình thử nghiệm.
"Lúc mới tham gia, tôi nghĩ nó đắt đến nực cười. Tôi không tin các căn hộ lại đắt đỏ như vậy. Phí bảo trì quá lớn và tôi không hiểu tại sao người ta lại bỏ tiền để làm điều này. Nhưng đến ngày thứ hai, tôi đã phải hỏi 'Các bạn có bao nhiêu căn hộ, làm cách nào để tôi có thể mua?", ông nhớ lại.
Antonucci cho biết ông bị quyến rũ bởi mọi khía cạnh của The World - từ thủy thủ đoàn mà ông gọi là "tài sản lớn nhất của con tàu" nhờ khả năng đoán trước mọi nhu cầu của cư dân, cho đến vô số trải nghiệm độc quyền trên tàu và khi cập bến, cũng như hành trình được lên kế hoạch chặt chẽ.
"Nó giống như một dàn nhạc với rất nhiều phần khác nhau. Mỗi người đều tuyệt vời. Khi cùng nhau, họ làm nên một bản giao hưởng", Antonucci nói.
Thêm vào đó, tất cả cư dân trên tàu đều rất niềm nở. Mãi sau này, Antonucci mới phát hiện ra rằng tất cả họ đã được thông báo trước về việc ông là ai và khuyến khích họ giúp ông cảm thấy thoải mái như ở nhà.
"Tất nhiên, tôi không biết chuyện đó. Tôi chỉ nghĩ thật ngẫu nhiên khi tất cả những người này đến và nói những điều tốt đẹp với mình. Nhưng tôi đã làm quen được một vài người và cảm thấy rất vui".
Ông cho biết nếu những cư dân của tàu cảm thấy thích người đăng ký trải nghiệm "cư dân tương lai" thì họ có thể đề xuất.
Sau chuyến trải nghiệm thành công, Antonucci và vợ đã ký hợp đồng mua một căn hộ trên The World với giá 1,6 triệu USD. Họ lên tàu 4 tháng sau đó, vào đầu năm 2014.
Antonucci nói rằng đáng ra đã làm việc đó sớm hơn, nhưng có một số thứ cần phải giải quyết trên đất liền. "Tôi có con ở New York, còn nhà cửa và nhiều vấn đề. Tôi không thể ôm mọi thứ và chạy ra biển được".
Các con của Antonucci đều ở độ tuổi ngoài 20 trong thời gian ông làm cư dân The World, thỉnh thoảng họ đến thăm cha mẹ trên tàu.
Thú vui của giới siêu giàu
Hầu hết cư dân trên tàu The World sử dụng căn hộ của họ như một loại nhà nghỉ mát. Họ là những cá nhân siêu giàu, có nhiều nhà ở khắp các quốc gia và có thể đi đến bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào với máy bay riêng.
Mỗi khi tàu cập bến ở các quốc gia và châu lục khác nhau, hành khách sẽ thoải mái bước xuống và có những trải nghiệm riêng. The World cũng sắp xếp thời gian đến một số cảng nhất định với các sự kiện quan trọng, như đến London cho giải quần vợt Wimbledon, hay đi Rio de Janeiro vào Lễ hội hóa trang.
Nhiều bữa tiệc xa xỉ, thú vui dành riêng cho giới siêu giàu trên "thành phố nổi". Ảnh: Peter Antonucci. |
Các hoạt động giải trí trên tàu cũng thay đổi hàng năm, bao gồm các bài giảng của chuyên gia, tiệc tùng xa xỉ, lặn biển, đi bộ đường dài.
Cư dân không bị ràng buộc với các sự kiện được tổ chức trước. Antonucci nhớ lại một lần khi con tàu "đi xuống phía nam kênh đào Panama", ông cùng những người bạn của mình "đi máy bay hoặc thuyền đi xuống Galapagos và lặn biển trong vài ngày.
Antonucci cho biết hành trình của con tàu được lên kế hoạch trước 2-3 năm. Việc lập kế hoạch đó là một quá trình "rất phức tạp". Ông nói rằng có một ủy ban hành trình, bao gồm những cư dân có vai trò quan trọng, tập trung vào những trải nghiệm có sẵn tại mỗi điểm đến.
Trong khi đó, giám đốc hành trình sẽ xem xét những yếu tố như giá nhiên liệu, thay đổi thủy thủ đoàn, nơi có sân bay lớn nhất, nơi cư dân có khả năng tiếp cận cao nhất, yêu cầu về thị thực, phí cập bến...
Bằng cách sử dụng thông tin được thu thập, 3 hành trình tiềm năng sẽ được đề xuất cho cư dân, sau đó họ sẽ bỏ phiếu về tuyến đường ưa thích. Việc làm vừa lòng tất cả cư dân không dễ dàng, khi họ đều giàu có và thích giữ quan điểm của riêng mình.
Mỗi căn hộ trên The World đều hơi khác nhau, một số căn sẽ lớn hơn những căn khác một chút.
Không giống như trên một con tàu du lịch thông thường, cư dân có thể cải tạo và trang trí căn hộ tại The World theo sở thích cá nhân. Điều đó có nghĩa là một số nhà được trang trí bằng đồ nội thất hiện đại, tuyệt vời.
Nhưng khi con tàu lênh đênh trên đại dương, việc sắm sửa nội thất không đơn giản. Người ta không thể chạy ra cửa hàng và mua mọi thứ mình cần. Mọi thứ phải được kiểm kê, kiểm duyệt và vận chuyển trước hàng tháng trời.
Trong những năm sống trên The World, Antonucci đã sở hữu 4 căn hộ riêng biệt, ở những khoảng thời gian khác nhau. Mỗi lần, ông nâng cấp căn hộ sang trọng hơn một chút, và những căn hộ sau được mua với giá khoảng 4 triệu USD.
Những lần ông cùng lúc sở hữu hai căn hộ trên tàu, ông sẽ dành một căn để mời bạn bè mình lên chơi.
Đã nhìn thấy những gì muốn thấy
Đối với nhiều cư dân, đời sống trên tàu The World cũng là một phần hấp dẫn trong cuộc đời. Antonucci gọi con tàu là "một cộng đồng rất, rất có tính xã hội".
Trẻ em được chào đón trên tàu The World, nhiều dịch vụ phục vụ cho người lớn như sân tennis cỡ lớn, trung tâm thể dục và spa hoành tráng. Ngoài ra còn có bộ sưu tập rượu vang phong phú trên tàu và đồ ăn thức uống của khách được bao gồm trong phí thay đổi dịch vụ hàng năm.
“Có rất nhiều đồ uống, rất nhiều buổi tiệc tùng. Đó là niềm vui trên tàu”, ông nói.
Antonucci đã rời khỏi The World nhưng ông nói rằng rất biết ơn vì đã được đi du lịch khắp thế giới bằng đường biển. Ảnh: Peter Antonucci. |
Khi Antonucci còn là cư dân, ông thường thấy các quý ông mặc áo khoác và đeo cà vạt. Lần cuối cùng lên tàu để thăm bạn bè là vào tháng 11/2023, ông nhận ra thời thế đã thay đổi, người ta mặc quần đùi và áo ba lỗ nhiều hơn.
Antonucci nói "có rất nhiều cuộc nhậu nhẹt và chè chén say sưa", điều này có thể dẫn đến "những vụ bê bối và bí mật".
Antonucci nhìn lại khoảng thời gian tham gia hành trình của The World một cách vui vẻ, nhưng nói rằng sẽ không mua căn hộ nào trên tàu nữa, bởi ông đã được "nhìn thấy những gì muốn thấy".
Bây giờ, ông đã mua bất động sản ở Florida và tận hưởng cuộc sống mới. "Đó là lúc tôi lật sang trang mới của cuộc đời, điều tôi cố gắng thực hiện vài thập kỷ một lần và thử một điều gì đó mới mẻ".
Trở lại đất liền, Antonucci đã xem lại những cuốn nhật ký mà ông lưu giữ suốt những năm sống trên tàu. Kể từ đó tới nay, ông đã viết 3 cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh trên một con tàu hư cấu, hứa hẹn kể về "những bí mật, tội lỗi và bê bối" trên biển cả.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.