Ngày 12/8, ba thanh niên Hồ Duy Thiện, Nguyễn Vĩnh Bảo, Huỳnh Ngọc Tú (cùng ngụ huyện Củ Chi) gửi đơn trình bày việc họ bị bắt tạm giam hơn 17 tháng rồi được cơ quan điều tra trả tự do. Nhưng 13 ngày sau, quyết định trả tự do bị hủy vì ban hành sai thẩm quyền. Từ đó đến nay sự việc rơi vào quên lãng.
Hơn 17 tháng bị giam
Ngày 18/3/2010, Công an xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM mời ba anh Thiện, Bảo, Tú đến làm việc. Tại đây, cả 3 cùng bị đánh đập, bắt phải nhận đã có hành vi giật đồ để lấy tiền hút chích.
Cả ba cùng bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày này về hành vi cướp giật tài sản. Quyết định khởi tố được VKSND huyện Củ Chi phê chuẩn.
Theo kết luận điều tra, ba anh Thiện, Bảo, Tú là con nghiện nên rủ nhau cướp giật lấy tiền hút chích ma túy. Ngày 8/12/2009, ba người giật được một túi xách bên trong có máy tính xách tay và các tài sản khác trị giá hơn 400.000 đồng của một phụ nữ đi đường.
Tiếp đó, nhóm này thực hiện thêm năm vụ cướp giật khác. Anh Thiện được xác định là chủ mưu, còn Tú và Bảo phạm tội với vai trò giúp sức tích cực. Về trách nhiệm dân sự, cơ quan điều tra xác định sáu người bị hại trong các vụ cướp giật yêu cầu Thiện, Bảo, Tú bồi thường tổng cộng 3,5 triệu đồng, tương đương giá trị tài sản mà họ bị chiếm đoạt.
Thế rồi hồ sơ được cơ quan điều tra Công an huyện Củ Chi chuyển sang VKS cùng cấp đề nghị ra cáo trạng truy tố. Nhưng với lý do chứng cứ kết tội nhiều mâu thuẫn, không đủ căn cứ để phê chuẩn nên VKS trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Trong thời gian điều tra, lực lượng chức năng còn cung cấp thông tin cho một tờ báo đăng công khai tên tuổi, hình ảnh của ba anh với tựa đề: “Nhóm quý tử ăn chơi nghiện ngập ma túy, chuyên cướp giật tài sản”...
Nguyễn Vĩnh Bảo trình bày sự việc. |
Không có hành vi phạm tội
Hai lần điều tra bổ sung nhưng công an vẫn không chứng minh được ba anh Thiện, Bảo, Tú có hành vi phạm tội. Vì thế, ngày 26/8/2011, sau hơn 17 tháng bị tạm giam, Phó trưởng Công an huyện Củ Chi, đồng thời là Phó thủ trưởng cơ quan điều tra ký quyết định trả tự do cho ba người với lý do hành vi không cấu thành tội phạm (theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Nhưng bất ngờ 13 ngày sau, Trưởng Công an huyện Củ Chi, đồng thời là Thủ trưởng cơ quan điều tra lại ký các quyết định hủy bỏ quyết định trả tự do vì trái quy định tại khoản 2 Điều 94 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, đối với những biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải do VKS quyết định. Nhưng từ đó đến nay cơ quan tiến hành tố tụng huyện Củ Chi không ban hành thêm bất cứ văn bản tố tụng nào khác xác định đã khởi tố, bắt giam oan người vô tội.
Anh Nguyễn Vĩnh Bảo bức xúc: “Sáu năm qua chúng tôi được trả tự do. Bước ra khỏi trại tạm giam nhưng trong tay không có bất kỳ lệnh hay quyết định trả tự do nào, quyết định đình chỉ bị can cũng không có. Ba người chúng tôi đã nhiều lần khiếu nại nhưng không nhận được câu trả lời từ cơ quan có thẩm quyền...”.
Theo anh Bảo, anh cùng anh Thiện và anh Tú đã yêu cầu được đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đúng quy định pháp luật vì công an đã kết luận không có hành vi phạm tội. Các anh cũng yêu cầu xử lý những người liên quan đến việc khởi tố, bắt tạm giam oan mình nhưng không kết quả...
“Do vẫn bị hoài nghi là tội phạm nên chúng tôi gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống bởi sự kỳ thị của người khác. Nộp đơn xin việc làm công nhân bình thường cũng không ai nhận vì từng ở tù ra và số phận pháp lý không rõ ràng. Sáu năm qua, chúng tôi phải làm thuê làm mướn, ai kêu gì làm nấy, bán sức kiếm miếng ăn…” - anh Bảo phân trần.
Trong khi đó, theo thông tin mà phóng viên nắm được thì vụ án này đã được cơ quan tố tụng huyện Củ Chi ban hành các quyết định đình chỉ. Để làm rõ những thông tin này, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với VKSND huyện Củ Chi. Tuy nhiên, ông Phan Trương Hiền, Viện trưởng VKSND huyện, trả lời còn bận họp, chưa thể trả lời ngay.
Ông Hiền cũng thông tin ngắn gọn rằng vụ án xảy ra ở nhiệm kỳ trước khi ông làm lãnh đạo VKSND huyện nên sẽ cho kiểm tra lại và trả lời cho báo sau.
Việc hủy quyết định trả tự do là sai
Thứ nhất, cơ quan điều tra cấp huyện có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm thuộc trường hợp rất nghiêm trọng trở xuống. Theo Điều 120 Bộ luật Tố tụng hình sự, đối với loại tội phạm này thì thời hạn tạm giam để điều tra không quá bốn tháng. Nếu vụ án phức tạp, cần phải gia hạn tạm giam thì phải được VKS cùng cấp phê chuẩn nhưng cũng không quá ba tháng đối với loại tội phạm nghiêm trọng. Như vậy, riêng về vấn đề tạm giam thì thấy rằng cơ quan điều tra đã vi phạm.
Thứ hai, cơ quan điều tra đã sai khi hủy quyết định trả tự do do mình ban hành. Bởi theo khoản 2 Điều 94 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu đây là quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn để phục vụ cho việc điều tra thì đúng là phải do VKS cùng cấp ban hành. Tuy nhiên, đây là quyết định trả tự do, khẳng định ba bị can không có hành vi phạm tội nên căn cứ vào khoản 2 Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự thì thẩm quyền ra quyết định trả tự do thuộc cơ quan điều tra.
Thứ ba, theo khoản 6 Điều 119 và khoản 2 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự thì khi đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì cơ quan điều tra phải đình chỉ vụ án. Vụ này, vụ án đang trong giai đoạn điều tra nên Công an huyện Củ Chi là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can. Sau khi ban hành các quyết định đình chỉ, cơ quan điều tra phải tống đạt trực tiếp các quyết định cho các bị can. Và chuyển qua VKS để kiểm sát. Việc bỏ lửng số phận pháp lý của ba bị can như trên là hoàn toàn trái luật.
Ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao