Mai Tuấn Anh, thủ khoa đầu ra ngành Sư phạm Văn, chia sẻ chiến thuật để đạt điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC. |
Mai Tuấn Anh (sinh năm 2001), thủ khoa đầu ra ngành Sư phạm Văn, Đại học Giáo dục, đưa ra một số lưu ý đặc biệt khi làm bài thi môn Ngữ văn.
Chiến thuật khi làm bài thi
Theo nam sinh, không bí quyết nào “thần thánh” để giúp các em đạt điểm cao trong bài thi môn Ngữ văn. Đây không phải thời gian các em tích lũy thêm kiến thức mới mà là lúc các em cần hệ thống hóa lại các kiến thức mà mình đã tích lũy được trong năm học lớp 12 nói riêng và trong 3 năm THPT nói chung.
Tuấn Anh khuyên học sinh hãy thử hình dung các kiến thức hàn lâm của môn học được cụ thể hóa thành sơ đồ tư duy - Mindmap với những hình ảnh sinh động, bắt mắt cũng những từ khóa chứa những kiến thức trọng tâm được trình bày gọn ghẽ, mạch lạc và sáng rõ trên một mặt giấy A4, nó sẽ đem lại cho các em thêm cảm hứng học tập.
Đối với phần Đọc hiểu, học sinh cần đọc kỹ bốn câu hỏi sau ngữ liệu được trích dẫn, gạch chân vào những từ khóa quan trọng trong câu hỏi.
Trong quá trình đọc, thí sinh dùng chính những từ khóa đã xác định được trong mỗi câu hỏi như là những “mỏ neo” để thả vào đoạn ngữ liệu được trích dẫn.
Điều này hiểu một cách đơn giản là các em đang khai thác ngữ liệu một cách có định hướng trong quá trình tìm kiếm thông tin cho câu trả lời, không nên thả trôi dòng suy nghĩ trong quá trình đọc ngữ liệu vì như vậy, các em sẽ phải đọc ngữ liệu thêm một lần nữa khi đọc câu hỏi và lẽ đương nhiên đây là một thao tác thừa trong quá trình làm bài thi.
Đối với câu hỏi trong phần Làm văn, câu hỏi viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ, học sinh cần xác định rõ kiểu bài nghị luận xã hội mà đề bài yêu cầu là kiểu bài gì, từ đó xác định được các bước để giải quyết vấn đề đặt ra trong yêu cầu đề bài.
Ngoài ra, các em cũng cần lưu ý quá trình viết cần đảm bảo yêu cầu về mặt dung lượng cho phép 200 chữ để triển khai các nội dung của đoạn văn thật cân đối, hợp lý và thuyết phục.
Một đoạn văn nghị luận xã hội tốt sẽ có kết hợp hài hòa giữa lý lẽ và dẫn chứng, bởi lẽ đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp đoạn văn ghi điểm trong mắt giám khảo khi chấm bài.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần lưu tâm đề bài chỉ yêu cầu viết một đoạn văn, điều đó có nghĩa các em không cần phải triển khai hết mọi khía cạnh của vấn đề mà nên chọn một phương diện nào đó mà các em cho rằng quan trọng và cần thiết hơn cả khi nhắc đến vấn đề này để bàn luận mở rộng và làm cho đoạn văn sâu sắc thêm.
Đối với câu yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học về một tác phẩm trong chương trình lớp 12, nếu muốn đạt điểm cao, các em cần nắm vững kiến thức cơ bản của các tác phẩm cần ôn tập trong chương trình môn Ngữ văn lớp 12.
Đây sẽ là điều kiện cần để các em có một tâm thế tốt trong quá trình viết bài. Tuy nhiên, đạt điểm cao trong quá trình trả lời câu hỏi này còn đòi hỏi thêm điều kiện đủ, đó chính là nắm chắc kỹ năng trả lời các dạng câu hỏi thuộc kiểu bài nghị luận văn học.
“Đặc biệt, các em chú ý một số dạng câu hỏi thường xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây như dạng đề phân tích đoạn thơ; phân tích nhân vật trong các tác phẩm truyện; nêu cảm nhận về đoạn thơ; nêu cảm nhận về một hình ảnh; chi tiết trong đoạn thơ; đoạn trích văn xuôi…”, Tuấn Anh nói.
Theo Tuấn Anh, sĩ tử cần xác định rõ đề và phân bổ thời gian làm bài hợp lý để đạt điểm cao môn Ngữ văn. Ảnh: NVCC. |
Tuấn Anh nói rằng đối với thơ, học sinh không nên diễn xuôi thơ, chỉ trình bày một cách “sống sượng” ý của các câu thơ mà tước hết giá trị thẩm mĩ của tác phẩm trên cả hai phương diện nghệ thuật và nội dung.
Đối với các tác phẩm truyện, các em cũng cần tránh việc đi tóm tắt lại tác phẩm đó trong toàn bộ quá trình làm bài thi mà không quan tâm đến tư tưởng chủ đạo/thông điệp nhân văn/bài học ý nghĩa mà tác giả đã “cài cắm” vào trong tác phẩm.
“Không có thang đo cố định cho một bài văn hoàn hảo nhưng chí ít, bài nghị luận văn học tốt là bài viết mà ở đó, các em biết cách vận dụng các kiến thức đã được trang bị một cách khéo léo, các em biết cách triển khai các kiến thức đó bằng các thao tác lập luận sáng rõ và tư duy giải quyết yêu cầu của đề bài một cách mạch lạc”, Tuấn Anh nói.
Những lưu ý khi làm bài
Tuấn Anh khuyên thí sinh song song với việc ôn luyện kiến thức, các sĩ tử cần luyện đề thật nhiều. Các em nên tham khảo đề trên hệ thống các diễn đàn, lựa chọn đề thi thử của các trung tâm, các trường lớn có uy tín, đặc biệt nên tham khảo các đề thi của Bộ GD&ĐT.
Trong quá trình luyện đề, các sĩ tử nên cố gắng rèn luyện kỹ năng xử lý câu hỏi; hãy dành thời gian để đọc kĩ đề, vạch ý ra nháp trước khi viết vào bài thi để định hình cấu trúc bài làm của mình; làm đến phần nào gạch ý ra nháp phần đó.
Trong quá trình viết, nếu nảy ra những ý hay, học sinh hãy tốc ký ngắn gọn vào nháp, đồng thời dựa vào số điểm từng phần của đề thi và phân bố thời gian hợp lý. Các em cũng cần viết đúng trọng tâm yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng. Sau khi viết xong, học sinh hãy đọc lại bài làm của mình để có thể chỉnh sửa kịp thời nếu cần thiết.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.