Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí quyết mới giúp đàn ông Mỹ cải thiện đời sống tình dục

Ngày càng nhiều đàn ông Mỹ tìm đến bài tập cơ sàn chậu để cải thiện tiểu tiện, giảm đau vùng chậu và cải thiện sinh lý thay vì chỉ tập trung tăng cường sức mạnh.

Một sàn chậu tăng trương lực (hypertonic pelvic floor) có thể gây ra tiểu nhiều, rối loạn cương dương và táo bón. Và ngày càng có nhiều nam giới nhận ra họ đang gặp tình trạng này, dù không phải ai cũng dễ dàng nói ra.

Nếu bạn là phụ nữ, có lẽ bạn đã từng nghe về bài tập Kegel - phương pháp tăng cường cơ sàn chậu để cải thiện khả năng tiểu tiện, tiêu hóa và đời sống tình dục. Nhưng nhiều nam giới đang phát hiện ra họ gặp vấn đề ngược lại: cơ sàn chậu co thắt quá mức, gần như không bao giờ được thư giãn.

Tất cả chúng ta, bất kể giới tính, đều có một nhóm cơ như “chiếc võng” nâng đỡ các cơ quan vùng chậu, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tiểu tiện, đại tiện và quan hệ tình dục. Khi nhóm cơ này hoạt động đúng cách, nó vận hành âm thầm. Nhưng khi quá căng hoặc quá lỏng lẻo, nhiều rắc rối có thể xảy ra.

Đó là điều đã xảy ra với Adam Gvili khi anh còn ở độ tuổi đôi mươi. “Tôi đi tiểu đến 20 lần một ngày”, Gvili, hiện là chuyên gia vật lý trị liệu chuyên về sàn chậu và là người sáng lập phòng khám Pelvis NYC, chia sẻ với Business Insider.

kha nang tinh duc anh 1

Nhiều nam giới trẻ tìm đến vật lý trị liệu sàn chậu sau khi gặp tình trạng tiểu nhiều, đau vùng chậu hoặc rối loạn cương. Ảnh: riderfoot.

Theo Mạng lưới Rối loạn Sàn chậu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), khoảng 1/5 phụ nữ sẽ phải phẫu thuật vì rối loạn sàn chậu trong đời, và khoảng 32% được chẩn đoán mắc một dạng rối loạn nào đó. Với nam giới, con số thấp hơn - khoảng 16% bị đau vùng chậu mạn tính - nhưng họ lại thường phải chịu đựng trong im lặng.

Các chuyên gia cho biết tình trạng này ở nam giới vẫn còn bị bỏ ngỏ do sự xấu hổ, thiếu nhận thức và quá trình chẩn đoán thường kéo dài, phải loại trừ nhiều nguyên nhân. “Nhiều bệnh nhân tìm đến tôi qua Reddit hoặc Google, hoặc nghe podcast, hoặc được bác sĩ tiết niệu giới thiệu”, Gvili nói.

Dấu hiệu sàn chậu quá căng ở nam giới

Ngoài việc đi tiểu nhiều, các dấu hiệu phổ biến khác của sàn chậu tăng trương lực gồm có: Đau nhói ở vùng hậu môn, rối loạn cương dương (ED), xuất tinh sớm, táo bón, đau vùng háng, đau tinh hoàn.

“Không phải cơ sàn chậu sẽ tự nói với bạn: ‘Tôi là vấn đề đây!’”, bác sĩ vật lý trị liệu Karen Brandon, Chủ tịch Hiệp hội Đau vùng chậu quốc tế, chia sẻ. "Thường thì nam giới cảm thấy tiểu khó, tiểu gấp và những cơn đau khó hiểu".

Không chỉ do stress

Có nhiều nguyên nhân khiến cơ sàn chậu trở nên quá căng. Một trong số đó là căng thẳng tâm lý. “Khi gặp stress, một số người có phản xạ co chặt cơ sàn chậu”, Gvili nói. Căng thẳng, lo âu hay thậm chí là sang chấn tình dục đều có thể khiến cơ vùng này hoạt động quá mức.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng do stress. “Tôi gặp không ít anh chàng rất thư giãn, chill nhưng vẫn gặp vấn đề”, Gvili chia sẻ. Những người từng phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt cũng có thể gặp hiện tượng này.

Nguyên nhân khác có thể là thủ dâm quá mức, tập tạ sai kỹ thuật (squat, deadlift), chấn thương hoặc nhiễm trùng vùng chậu, thậm chí là sau một lần đi vệ sinh quá khó khăn. “Cơ sàn chậu có xu hướng phản xạ bảo vệ, co cứng lại”, Brandon giải thích.

Tập luyện hợp lý và tránh ngồi toilet quá lâu

Không có cách nào hoàn toàn phòng tránh việc sàn chậu bị kích hoạt quá mức. Tuy nhiên, duy trì thói quen tập thể dục điều độ, tăng độ dẻo dai, kiểm soát căng thẳng và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp ích.

Mục tiêu của Gvili trong trị liệu là giúp bệnh nhân dần ít chú ý đến vùng cơ này, để cơ thể tự vận hành một cách tự nhiên. “Những cơ này cần học cách thư giãn trở lại. Không đơn giản là tập Kegel là xong”, anh nói.

kha nang tinh duc anh 2

Bài tập sàn chậu không chỉ giúp cải thiện chức năng tình dục mà còn hỗ trợ tiêu hóa, kiểm soát tiểu tiện và giảm căng thẳng. Ảnh: Pranto Podder.

Brandon ví sàn chậu như cánh cửa saloon - phải có khả năng vừa co lại (như bài tập Kegel), vừa thả lỏng (mở rộng, như động tác chuẩn bị xì hơi). Cân bằng giữa hai trạng thái là điều cốt lõi.

Gvili đặc biệt khuyến khích nam giới tập luyện sức mạnh. “Hãy nâng tạ nặng như squat, deadlift = nhưng phải đúng kỹ thuật”, anh nhấn mạnh.

Brandon bổ sung: “Phải đảm bảo tư thế đúng, tránh lệch cơ khiến một nhóm cơ bị làm việc quá tải”. Nhiều nam giới có phần hông cứng, không giãn cơ sau khi tập thể dục, cũng rất dễ gặp vấn đề sàn chậu căng cứng.

“Tôi luôn khuyên nam giới đừng ngại chuyện tăng độ dẻo dai. Vấn đề tôi gặp ở bệnh nhân nam chủ yếu nằm ở đó”.

Một số tư thế yoga như “frog pose” (tư thế con ếch) giúp thư giãn vùng sàn chậu nếu thực hiện đúng. “Chúng tôi giúp họ vừa biết sử dụng cơ, vừa biết khi nào cần buông lỏng”, Gvili nói.

Lời khuyên cuối cùng từ cả hai chuyên gia: đừng dành quá nhiều thời gian trên bồn cầu. Nếu bạn bị táo bón, hãy đầu tư một chiếc “ghế kê chân” (squatty potty) để hỗ trợ tư thế ngồi và giảm áp lực vùng sàn chậu.

“Tôi hiểu việc mang điện thoại vào toilet. Muốn có không gian riêng cũng được, nhưng đừng ngồi quá lâu”, Gvili nói.

Nếu chưa đi được, hãy đứng dậy, thả lỏng, thở sâu và thử lại sau. Việc ngồi quá lâu sẽ chỉ khiến cơ càng thêm căng thẳng, khó hồi phục.

Mẫu ngoại cỡ gốc Á đầu tiên lên bìa tạp chí áo tắm

Trở thành người mẫu ngoại cỡ đầu tiên lên trang bìa Sports Illustrated, Yumi Nu ngày càng có sự nghiệp rực rỡ và sức ảnh hưởng.

Tự chữa lành nhờ sách tâm lý

Sau chuỗi ngày rối loạn lo âu, mất ngủ, sợ hãi, Đặng Phước Thắng (TP.HCM) tìm đến sách và ngành tâm lý học để chữa lành. Nếu cuốn Sang chấn tâm lý - Hiểu để chữa lành giúp anh hiểu về những tổn thương và chọn cách sống hạnh phúc hơn, Bạn không thông minh lắm đâuBạn đã đỡ ngu ngơ hơn rồi đấy là cách tiếp cận tâm lý học hài hước nhưng sâu sắc trong các mối quan hệ thường ngày.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm