Bí quyết săn việc cho SV mới tốt nghiệp
Đầy hoài bão và nhiệt huyết nhưng còn “non” kinh nghiệm, sinh viên mới tốt nghiệp phải hiểu rõ đâu là những điều nhà tuyển dụng cần nhất khi đi xin việc.
Sinh viên tìm việc tại hội chợ việc làm ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 2. (Ảnh: Xinhua) |
1. Kinh nghiệm liên quan
Nhiều giám đốc tuyển dụng cho biết kinh nghiệm có liên quan đến công việc sắp tới của ứng viên là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định tuyển người. Thật không may, sinh viên mới ra trường thường xem nhẹ những trải nghiệm mà họ thu lượm được qua các đợt thực tập, công việc bán thời gian cũng như hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, phần đông nhà tuyển dụng lại xem hoạt động tình nguyện cũng là dạng kinh nghiệm đáng ghi nhận.
2. Khả năng thích nghi
Chỉ vì profile của bạn trông tốt không có nghĩa bạn là người nhất định sẽ được nhận vào làm. Với không ít nhà tuyển dụng, điều mà họ muốn nhìn thấy nhất ở ứng viên là khả năng hòa nhập với công ty lẫn đồng nghiệp.
Đừng nhìn chằm chằm một cách vô hồn khi được đặt câu hỏi “Tại sao bạn là người thích hợp cho công việc này?”. Chỉ cần tỏ ra tự nhiên như chính bạn nhưng tuyệt đối không bao giờ xúc phạm, ngắt lời hoặc chọc tức người phỏng vấn. Câu trả lời cũng có thể được nhận thấy qua cuộc trò chuyện ngắn “không quan trọng” lúc bắt đầu buổi phỏng vấn, hoặc những câu hỏi không liên quan đến nghề nghiệp như “Cuốn sách gần đây bạn mới đọc là gì?”
3. Nền tảng học vấn
Nền tảng học vấn của ứng viên cũng là yếu tố “ghi điểm” được thể hiện ở nơi học, chuyên ngành và bằng cấp. Hãy đảm bảo phần này có đề cập đến cả các khóa học khác và những dự án hoàn chỉnh nếu chúng có liên quan đến công việc.
4. Lòng nhiệt tình
Đam mê là ưu điểm hàng đầu mà nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên. Những người hết lòng với công việc cho thấy họ là nhân viên hiệu quả tiềm năng. Để trả lời câu hỏi: “Tại sao anh/chị muốn làm ở đây?”, trong mọi trường hợp bạn nên nhấn mạnh đến thế mạnh của công ty cũng như các thách thức ở vị trí mới. Thái độ “nhiệt tình hay hờ hững” với công việc không qua mắt được ban tuyển dụng và họ cũng sẽ cảm thấy tương tự như thế về bạn.
5. Tâm thế sẵn sàng
Một số nhà tuyển dụng khẳng định những ý tưởng cùng các câu hỏi bạn nêu ra trong buổi phỏng vấn đặc biệt khiến họ ấn tượng. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để trình bày liệu năng lực của bạn có thể đóng góp thế nào cho thành công của công ty. Đừng quên đặt mình vào vai trò mới đồng thời giải thích bạn sẽ tiến hành và cải thiện công việc ra sao.
Ty
Theo Bưu điện Việt Nam