Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị rắn hổ lửa cắn, bé gái chảy máu không ngừng

"Điều khiến chúng tôi đau xót nhất là bé nhập viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng máu từ vết cắn chảy liên tục, không tìm được huyết thanh kháng nọc độc", bác sĩ Phương nói.

Sáng 6/4, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thông tin về trường hợp bé N.T.N.T. (nữ, 15 tháng tuổi, quê Tiền Giang). Đây là nạn nhân bị rắn cắn và không thể qua khỏi do bệnh cảnh quá nặng.

Theo lời kể của gia đình, khoảng 16h ngày 29/3, khi đang chơi ngoài sân, bé T. bị một con rắn cắn khiến cẳng tay chảy máu. Người nhà đắp lá thuốc (không rõ loại) lên vết cắn cho bé nhưng sau 2 giờ, máu vẫn chảy không ngừng.

Sau đó, bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, truyền huyết tương tươi đông lạnh và 4 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục tre. Tuy nhiên, tình trạng bé không thuyên giảm. Các bác sĩ chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1.

Be trai bi ran hoa co dau do can anh 1

Bệnh nhi tử vong sau khoảng một ngày được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: H.H.

Bác sĩ Phương kể tối cùng ngày, bé T. được chuyển tới khoa Cấp cứu trong tình trạng tỉnh táo, không thở oxy. Khi bác sĩ mở băng dính, máu của trẻ tuôn xối xả. Các bác sĩ nhận định vết cắn trên tay bệnh nhi này rất khác thường.

"Ở Việt Nam, 2 loại rắn cắn có thể gây rối loạn đông máu là chàm quạp và lục đuôi đỏ. Song vết thương của bệnh nhi này lại không giống. Vết cắn không bầm hay hoại tử nhưng máu chảy liên tục", bác sĩ Phương nói.

Sau khi khai khác bệnh sử, các bác sĩ khoa Cấp cứu đưa hình con rắn cho gia đình nhận dạng và xác định được "hung thủ" là rắn hoa cỏ cổ đỏ. Tại khoa Hồi sức tích cực, bé được truyền rất nhiều máu và các chế phẩm khác, gần như thay toàn bộ máu. Ngoài ra, bệnh nhi còn bị chảy nhiều máu ở nhiều vị trí khác như chân răng, xuất huyết đường tiêu hóa.

"Tôi liên hệ các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như đồng nghiệp tại những nước trong khu vực. Nhưng loài này chưa có huyết thanh kháng nọc độc. Chúng tôi chỉ có thể điều trị hỗ trợ. Tiên lượng của bé lúc này rất xấu", bác sĩ Phương nói.

Khi tình trạng sức khỏe chuyển biến xấu hơn, bé T. được đặt nội khí quản, thở máy. Tuy nhiên, 18h50 ngày 1/4, bé tử vong trong bệnh cảnh suy hô hấp, nghi ngờ xuất huyết não.

Be trai bi ran hoa co dau do can anh 2

Rắn hoa cỏ cổ đỏ có nọc độc nguy hiểm, gây tình trạng xuất huyết nặng và chưa có huyết thanh kháng độc tố ở Việt Nam. Ảnh: Shutterstock.

Ngoài T., chị gái của bé (5 tuổi) cũng bị loài rắn này cắn. Bệnh nhi này xuất hiện rối loạn đông máu ít, triệu chứng rất nhẹ nên được cấp cứu ở bệnh viện địa phương. Bé đã ổn định sức khỏe.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương cho biết rắn hoa cỏ cổ đỏ còn được gọi là rắn hổ lửa, rắn hoa học trò. Chúng phân bố tại hầu hết khu vực, từ đồng bằng đến vùng cao. Điều đặc biệt là rắn hoa cỏ cổ đỏ không tự sản xuất chất độc. Chúng hấp thụ các độc tố từ thức ăn thành nọc độc.

Nạn nhân khi bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn sẽ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt là rối loạn đông máu. Thông thường, nọc độc của loài này không gây tử vong nhanh như rắn lục đuôi đỏ, chàm quạp hay cạp nong, cạp nia. Bệnh nhân sẽ trải qua giai đoạn xuất huyết, chảy máu đa cơ quan, xuất huyết dạ dày, tiêu hóa, đường tiết niệu và tử vong trong bệnh cảnh suy hô hấp rất nặng.

Khi phát hiện bị loài rắn này cắn, nạn nhân cần bình tĩnh, rửa sạch vết thương và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu. Người lớn cần hướng dẫn trẻ tránh xa khi thấy loài rắn này.

"Nọc độc của rắn hoa cỏ cổ đỏ nằm ở răng trong cùng. Do đó, khi chúng há họng và ngoạm vào con mồi, lượng nọc độc đưa vào cơ thể nhiều nhất. Nguyên nhân chị gái của bệnh nhi nói trên không bị nhiễm độc nặng có thể là lượng nọc độc đưa vào cơ thể không đáng kể. Bởi rắn cắn nhẹ hoặc chúng đã ăn con mồi trước đó", bác sĩ Phương giải thích thêm.

Bác sĩ này khuyến cáo trẻ nhỏ thường chưa ý thức được các mối nguy hiểm, do đó, phụ huynh không nên để bé rời khỏi tầm mắt. Các khu vực xung quanh nhà như chuồng gia cầm, đống gạch, bụi cây..., nên quét dọn sạch sẽ, tránh để rắn trú ngụ.

Loài rắn trên cạn có nọc độc nhất tại Việt Nam

Tổn thương thường gặp khi bị rắn hổ chúa cắn là hoại tử và sưng nề. Một số người có thể tử vong do liệt cơ gây suy hô hấp.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm