Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Japan Times, phản ánh tình trạng người lao động tại Nhật Bản đối diện với nhiều tổn thương tâm lý, xuất phát từ các rắc rối nơi công sở.
Hơn một phần ba số nữ giới Nhật Bản đang đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần cho biết quấy rối tình dục là nguyên nhân chính, theo báo cáo chính thức của chính phủ nước này.
Cuộc khảo sát được Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản thực hiện trên gần 3.000 người mắc các vấn đề về tâm lý trong giai đoạn 2010 – 2017.
Kết quả khảo sát được công bố là một phần trong Sách Trắng của chính phủ nước này về các biện pháp ngăn chặn tình trạng tử vong do làm việc quá sức tại xứ sở hoa anh đào.
Có đến 36,3% số phụ nữ tham gia khảo sát thú nhận họ từng bị bắt nạt, quấy rối, tấn công tình dục tại nơi làm việc.
Ngoài ra, 22% nữ giới cho biết việc phải chứng kiến, trải qua tai nạn hay thảm họa tự nhiên là nguyên nhân khiến họ mắc chứng rối loạn tâm thần.
Cả hai giới ở Nhật Bản đều đối mặt với tình trạng bị cấp trên chèn ép, bắt nạt, quấy rối, tấn công tình dục. Ảnh: Japan Times, |
Trong số hơn 1.500 đàn ông Nhật tham gia trả lời, các vấn đề liên quan tới công việc cũng đứng đầu danh sách những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý.
23% số người chia sẻ áp lực công sở, khối lượng công việc quá tải khiến họ cảm thấy chán nản với cuộc sống, thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực. 32% nam giới thừa nhận họ từng gặp rắc rối với cấp trên, từ chèn ép đến quấy rối tình dục.
13% số khác cho biết họ phải làm việc liên tục trong hai tuần không được nghỉ ngơi, khiến hệ thần kinh suy yếu.
Cuộc khảo sát cũng phân tích các điều kiện làm việc trong ngành xây dựng và truyền thông, hai lĩnh vực nổi tiếng với lượng công việc lớn, nhân viên thường xuyên làm việc "bạt mạng".
Nhân viên văn phòng cũng đứng đầu danh sách tự tử, với 41 trường hợp. Tiếp theo là nhân viên bán hàng, tài xế với lần lượt với 38 và 35 trường hợp.
Thủ tướng Shinzo Abe từng cam kết trao thêm nhiều quyền hạn và đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ Nhật Bản thông qua các chính sách ưu tiên nữ quyền.
Tuy nhiên, tư tưởng nam giới thống trị vẫn ăn sâu vào văn hóa xứ phù tang và tình trạng phụ nữ bị phân biệt đối xử vẫn diễn ra thường xuyên.
Đất nước này cũng đứng cuối trong danh sách các nước G7 và chỉ xếp hạng 110/149 quốc gia về bình đẳng giới, theo công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Mặt khác, Nhật Bản cũng nổi tiếng với văn hóa làm việc “vắt kiệt sức lực”. Nhiều năm qua, chính phủ nước này buộc phải nỗ lực nhiều cách để giảm thiểu tình trạng karoshi - thuật ngữ chỉ tình trạng chết do làm việc quá sức.