Bị sếp gây khó dễ vì… xinh
"Khi cháu nói để lấy cớ xin nghỉ làm thì anh ấy bảo phải cho mấy lão dê già ấy một trận. Anh ấy khuyên cháu cứ ăn mặc khêu gợi, gọi điện à ơi, ghi âm để lấy bằng chứng", trích bức thư của cô gái bị sàm sỡ ở công sở.
Ảnh minh họa. |
Thưa bác sĩ Liêm,
Hai đứa chúng cháu học cùng lớp và cùng xin vào thử việc tại một doanh nghiệp theo thông báo tuyển dụng trên báo. Hai chúng cháu đều là “tay không bắt giặc”, tức là không quen biết ai trong công ty đang tuyển người. Khả năng chuyên môn của cháu tốt hơn của bạn cháu (ai cũng công nhận). Thế mà chỉ tại cháu… xinh hơn bạn cháu nên cháu bị “củ hành củ tỏi” lên bờ xuống ruộng. Trong khi bạn cháu thì đầu xuôi, đuôi lọt (nghe nói sắp được ký hợp đồng chính thức). Lúc tâm sự riêng với nhau, bạn cháu bảo trong công ty mấy ông có quyền quyết định (sắp về hưu) đều muốn ngủ với cháu, chưa làm được việc ấy thì họ còn gây khó dễ. Họ bắn tín hiệu qua bạn cháu như thế. Cháu nghe mà phát hãi bác sĩ ạ.
Khi cháu nói chuyện này với người yêu để lấy cớ xin nghỉ làm thì anh ấy bảo phải cho mấy lão dê già ấy một trận. Hơn nữa, đang lúc kinh tế khó khăn, tìm được một việc làm chắc chắn không phải dễ. Anh ấy khuyên cháu cứ ăn mặc khêu gợi, gọi điện à ơi, ghi âm lại rồi sau này lấy đó làm bằng chứng tố cáo. Lúc ấy thì một là các ông ấy bị mất việc, hai là phải nhận cháu vào làm. Mà doanh nghiệp đã vào được rồi thì yên tâm đến lúc về hưu. Cháu chẳng mất gì cả.
Tuy nhiên, cháu chưa kịp lấy đủ dữ liệu để tố cáo thì đã gặp sự cố. Hôm ấy cả phòng đã đi ăn cưới của một anh trong công ty, bác trưởng phòng tranh thủ mời cháu vào phòng nói chuyện về “tương lai nghề nghiệp”. Mọi thứ có vẻ như rất bình thường khi bác ấy mời cháu uống nước, hỏi cháu về kết quả học tập ở trường, kinh nghiệm nghề nghiệp, về môi trường làm việc… Thế rồi cháu thấy người cứ rạo rực, không kiểm soát được. Cháu thiếp đi lúc nào không biết, khi tỉnh dậy cháu thấy mình vẫn ngồi trong phòng bác trưởng phòng, quần áo xộc xệch, thấy đau ở ngực và vùng kín… Cháu hỏi: “Bác làm gì cháu?” Ông ấy tỉnh bơ: “Đừng có làm ầm lên thế, có muốn được ký hợp đồng vào công ty không?”. Lúc ấy đầu óc cháu như mụ mị, cháu nghĩ mình chẳng có bằng chứng gì để kết tội ông ta cả.
Cháu không dám kể với người yêu những gì đã xảy ra với ông trưởng phòng kia. Cháu sợ anh ấy không hiểu vấn đề lại nghi ngờ cháu. Nhưng bây giờ cháu cũng không muốn thu thập bằng chứng nữa. Cháu nghĩ nếu làm việc trong môi trường như thế thì chắc chắn các ông ấy không để cháu yên. Nhưng nếu bây giờ cháu bỏ tất cả thì cũng phí. Hay là cơ sự đã như thế này rồi thì cháu cứ vào công ty rồi sẽ tính tiếp?
Cháu hay đọc sách và vẫn cứ nghĩ người ở hiền sẽ gặp lành, ác giả ác báo. Tại sao một người như ông trưởng phòng kia vẫn tồn tại nhơn nhơn sau khi làm điều xấu xa? Nhiều lúc cháu nghĩ hay là đứng ra tố cáo ông ta, nhưng rồi cháu lại không đủ dũng cảm (cháu sẽ chẳng còn mặt mũi nào nhìn mọi người nếu mọi người biết chuyện ông trưởng phòng lạm dụng cháu) và bằng chứng rõ ràng.
Chuyện đã xảy ra được hơn một tuần nay rồi. Hiện cháu vẫn đến công ty bình thường, nhưng trong lòng cháu cứ như có giông bão bác sĩ ạ. Cháu không biết mình có thể chịu đựng được bao lâu nữa?
Theo bác sĩ cháu phải làm gì bây giờ?
T.M thân,
Tôi đọc thư của cháu vừa thấy đáng thương vừa đáng giận. Tôi thấy buồn vì không biết bao giờ sẽ hết những việc như thế này khi mà còn rất nhiều bạn đọc – giới trẻ cũng như không còn trẻ - vẫn xem chuyện này là quá bình thường. Nhà triết học Hannah Arendt (1906-1975) nói: Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác chống lại sự bình thường hóa cái xấu xa, bình thường hóa cái tệ hại, bình thường hóa cái dâm dục, không để những cái đó thành chuẩn mực trong cuộc sống hằng ngày.
Trước hết phải giải quyết ở góc độ tâm lý. Cháu phải có ý chí như thế này: Sắp tới, cháu sẽ có gia đình rồi sẽ có con (con trai và con gái). Hôm nay cháu “ra trận” đấu tranh là cho tương lai của các con mình, tức là nếu rủi ro chuyện ấy xảy ra với các con mình thì mình đã có kinh nghiệm chiến trường. Tuy nhiên, cháu phải có đồng minh (bạn trai mình có can đảm không?), có chiến thuật riêng và có chiến lược tập thể. Mình phải xác định mình là nạn nhân bị đánh thuốc ngủ, bị hiếp dâm chứ không phải mình là một phụ nữ yếu đuối bị lừa.
Mình phải dùng vũ khí của địch. Ông làm tôi mất danh dự thì ông phải biết là tôi cũng có thể dùng một đòn đánh tương tự, thậm chí ác hơn. Cháu nên mạnh dạn đến gặp thẳng ông ta với một tuyên bố duy nhất: “Ông làm tôi mất danh dự thì tôi cũng có thể làm như thế với ông. Tất cả tùy vào ông, không tùy vào tôi”. Có thể ông ta hứa hẹn cho cháu vào công ty, nhưng sẽ tìm cách khất lần rồi không có kết quả. Cháu tiếp tục đến gặp ông ta và bồi thêm một câu: “Ông sợ tôi chứ tôi không sợ ông. Tôi có những chứng cớ mà ông không ngờ”. Nói chung là phải gây áp lực tâm lý trên tinh thần trách nhiệm và cảm tính cái tội lỗi của ông ta. Kẻ gian, dù cáo già đến mấy, cũng luôn sợ người ngay.
Dưới góc độ đạo đức xã hội thì những chuyện như thế này chỉ có phụ nữ mới giúp được phụ nữ. Chỉ qua những áp lực như thế này thì pháp luật mới có ý nghĩa, những trừng phạt mới tác động đến kẻ xấu. Họ phải biết sợ, biết hành vi hiếp dâm là tội lỗi chứ chẳng vinh quang gì. Chuyện giờ chót ở Ấn Độ tháng Giêng 2013 phải làm bài học. Một cô sinh viên bị 6 người hiếp dâm trên xe buýt, rồi qua đời. Cả xã hội phản đối, Tổng thống nước này phải lên tiếng.
Bác sĩ Liêm
Theo Sinh viên Việt Nam