Anne Hathaway thừa nhận không rõ lý do bị thù hằn. Ảnh: Harper's Bazaar. |
“Nếu trẻ, đẹp và thành công trong sự nghiệp, phụ nữ thường sẽ bị woman’d”, Rayne Fisher-Quann, nhà văn người Canada chia sẻ trên tạp chí i-D.
“Woman’d” là thuật ngữ do cô tạo ra nhằm nói về tình huống đám đông bỗng ngừng yêu thích, chuyển sang chỉ trích một người phụ nữ trên môi trường Internet, El Pais đưa tin.
Sau nhiều năm quan sát, nghiên cứu, Fisher-Quann nhận thấy sự nổi tiếng trực tuyến của các nữ minh tinh Hollywood thường có diễn biến tương đồng nhau: được nâng lên, hâm mộ trên diện rộng và cuối cùng trở thành tâm điểm của sự ghét bỏ.
“Những cô gái khốn khổ thường không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thậm chí, một số còn chẳng làm gì ngoài tập trung xây dựng thành tựu riêng. Thực tế, thái độ thù ghét dành cho nữ giới không cần lý do cụ thể nào cả”, nữ nhà văn khẳng định.
Làn sóng thù hằn
Sau thành công của Nhật ký công chúa và Yêu nữ thích hàng hiệu, Anne Hathaway nhanh chóng trở thành một trong những nữ diễn viên được yêu thích nhất Hollywood giai đoạn đầu 2000.
Tuy nhiên, khi được trao tượng vàng Oscar nhờ tác phẩm Les Miserables, cô lại bắt đầu hứng chịu hàng loạt chỉ trích từ người hâm mộ. Thái độ xúc động, rơi nước mắt trong bài phát biểu nhận giải khiến Hathaway bị chê giả tạo. Từ đó, hashtag #HathaHate ra đời, khiến cô nhanh chóng trở thành “người phụ nữ bị ghét nhất nước Mỹ”.
Hồi 2013, New York Times gây xôn xao khi xuất bản bài viết lý giải về làn sóng thù ghét Anne Hathaway. Trong bài viết, nhóm anti-fan thừa nhận “không thể chịu nổi sự hoàn hảo” của cô.
“Một diễn viên bình thường sao có thể hấp dẫn, thành công và được yêu mến đến vậy? Tất cả chỉ là toan tính tồi tệ”, một người ghét Hathaway khẳng định.
Millie Bobby Brown trở thành nạn nhân của nhiều trò bắt nạt online từ năm 14 tuổi. Ảnh: Jeff Kravitz/FilmMagic. |
Tương tự, Millie Bobby Brown, nữ diễn viên thành công với series Stranger Things từ năm 12 tuổi, cũng là nạn nhân của trào lưu “woman’d”. Nhiều người chỉ trích cô vì “xuất hiện quá nhiều trên bìa tạp chí”. Họ gán cho cô thái độ kỳ thị cộng đồng LGBT, làm nhiều video Youtube bày tỏ mong muốn hạ bệ Brown.
Trong cuộc phỏng vấn với Allure Magazine, diễn viên sinh năm 2004 thừa nhận không rõ bị mọi người ghét vì điều gì. Những lúc áp lực, cô thường đến sân golf gần nhà cùng bạn trai nhằm chạy trốn sự soi mói, dù không hề biết chơi golf.
Brown cũng ngầm thừa nhận đã tiếp nhận trị liệu tâm lý sau thời gian dài là nạn nhân của hàng loạt trò bắt nạt online.
Rayne Fisher-Quann cho rằng mọi chuyện bắt đầu từ thành công của nữ giới. Họ có thể làm diễn viên, ca sĩ hoặc bất kỳ nghề nghiệp nào. Giai đoạn đầu, các cô gái dường như thu hút toàn bộ sự chú ý từ công chúng, được gọi là thế hệ kế nhiệm của các minh tinh hàng đầu. Hình ảnh, đoạn cắt video về họ phủ sóng Facebook, Instagram hay TikTok.
Khi họ chạm đến đỉnh cao sự nghiệp, khán giả bắt đầu thay đổi. Những người từng ca tụng đột nhiên chuyển sang bắt lỗi, chê bai những lỗi ăn mặc, trang điểm nhỏ nhặt. Dần dần, nhóm này công khai bày tỏ thái độ thù ghét nặng nề.
“Mọi chuyện sẽ vẫn ổn thỏa, nếu cô ấy không nổi tiếng đến thế”, nhiều anti-fan bình luận.
Theo Rayne Fisher-Quann, ngôi sao nữ thường bị công chúng bó buộc trong ảo tưởng hoàn hảo. Ảnh: Fashion Magazine. |
Khó phản kháng triệt để
“Trào lưu tồi tệ này xuất phát từ kỳ vọng hoàn hảo mà công chúng áp đặt lên các nữ diễn viên. Chỉ cần làm gì đó bị xem là lệch chuẩn, họ sẽ trở thành con mồi của nạn bắt nạt trên mạng xã hội. ‘Woman’d’ là cái bẫy khó tránh”, Fisher-Quann nói.
Đáng nói hơn, các nền tảng này cũng chưa có động thái bảo vệ người nổi tiếng là nữ giới. Theo nghiên cứu từ trung tâm chống lại sự căm ghét kỹ thuật số tại Mỹ, Amber Heard và MC truyền hình Rachel Riley thuộc nhóm thường nhận được tin nhắn thù ghét, kỳ thị, bạo lực trên Instagram.
Trước vụ kiện với chồng cũ, Amber Heard đã hứng chịu làn sóng thù ghét vô cớ trên mạng xã hội. Ảnh: People. |
Cứ 15 người nhắn tin lại có 1 trường hợp chửi rủa, đe dọa tấn công nghiêm trọng. Trong 90% trường hợp đã xảy ra, mạng xã hội này không làm gì nhằm bảo vệ nạn nhân.
Theo El Pais, sự nữ hóa đã biến nữ giới thành miếng mồi ngon cho nền công nghiệp Hollywood. Hàng loạt pha “thất sủng” trở thành đề tài nóng hổi, thúc đẩy sự phát triển của báo lá cải và các show truyền hình.
Trong thời đại Internet, câu chuyện thù ghét ngôi sao cũng mang lợi nhuận về cho nhiều kênh thông tin, công nghệ. Cho đến khi ai đó hành động, những phụ nữ trẻ, đẹp và thành công sẽ luôn bị cầm tù trong ảo tưởng hoàn hảo của công chúng.
“Họ chỉ có thể chịu đựng trong im lặng, hoặc từ bỏ sự nghiệp này. Thực tế, họ không có lối thoát tuyệt đối nào”, Fisher-Quann nói thêm.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.