Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Nhân: 'Không đi đầu về giáo dục, không thể dẫn đầu về kinh tế'

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá giáo dục có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì và tạo ra những đột phá về mặt kinh tế cho TP.HCM.

Tại hội thảo đào tạo nhân lực trình độ quốc tế do UBND TP.HCM tổ chức sáng 15/8, nhiều đại biểu cùng chỉ ra tình trạng yếu kém của nguồn nhân lực và đề xuất giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Lao động còn yếu kém 

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, ĐH Kinh tế TP.HCM, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay bộc lộ nhiều điểm yếu kém cả về trình độ chuyên môn, năng suất lao động và kỹ năng nghề nghiệp. 

Cụ thể, theo ông Nhựt, thống kê từ năm 2013 cho thấy số lượng lao động có trình độ chuyên môn còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam là 18,2%. Con số này ở Singapore là 61,5%, Hàn Quốc 62%. Nếu tính cả lao động được đào tạo dưới 3 tháng, tỷ lệ ở nước ta là 49%, thấp hơn cả Malaysia (62%) và Philippines (67%).

Năm 2017, năng suất lao động của nước ta là 93,2 triệu đồng/lao động. Dù tăng qua hàng năm, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực.

Năm 2016, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia và 56,7% của Philippines. Đáng chú ý là mức độ chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trên vẫn đang gia tăng. 

Một vấn đề khác cũng được ông Nhựt dẫn ra tại hội thảo là kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp và tư duy phản biện trong giáo dục đại học Việt Nam được đánh giá thấp hơn đáng kể so với các nước trong Đông Nam Á. Theo Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, đứng thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng.

Chính vì những lý do trên, đại diện ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang là vấn đề cấp thiết trong quá trình phát triển kinh tế của nước ta hiện nay. 

ong Nguyen Thien Nhan anh 1
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP.HCM phải có cơ chế tài chính để hỗ trợ người học và trường học hướng đến chất lượng cao. Ảnh: M.N.

Hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng quốc tế

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng đi đầu về nhân lực sẽ là động lực để TP.HCM đi đầu về kinh tế.

"Năng suất lao động của TP.HCM gấp 3 lần cả nước và đất nước đòi hỏi TP.HCM phải tiếp tục đi đầu về kinh tế, năng suất lao động phải giữ ở mức này hoặc tăng nữa trong tương lai. TP.HCM đang đóng góp ¼ kinh tế quốc dân, trong khi dân số chỉ chiếm 10%. Vì vậy, muốn đi đầu về kinh tế phải đi đầu về chất lượng dạy học, không đi đầu chất lượng giáo dục thì không thể dẫn đầu về kinh tế", ông Nhân nói.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, cứ 5 năm, thành phố lại tăng thêm một triệu dân, tức là có thêm nửa triệu lao động. Đây là nguồn vốn quý của thành phố. Do đó, TP.HCM phải có chương trình đồng bộ để hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng quốc tế.

Vấn đề đầu tiên trong chương trình đồng bộ này, ông Nhân cho rằng thành phố nên cân nhắc việc thành lập hội đồng tư vấn về việc đào tạo nhân lực chất lượng quốc tế. Hội đồng có thể gồm 20 người, 10 chuyên gia trong nước, 10 chuyên gia nước ngoài.

Vấn đề thứ hai, theo ông Nhân, TP.HCM phải có cơ chế tài chính để hỗ trợ người học và trường học hướng đến chất lượng cao.

"Học trường chất lượng cao thì học phí cao. Từ năm 2008, chính phủ đã có chương trình cho vay học đại học đối với sinh viên nghèo. Tôi thấy thành phố nên có chương trình cho vay để học chương trình chất lượng cao. Không để học phí trở thành bài toán đối với người học giỏi. Tôi nghĩ sau khi ra trường các em đủ sức để trả nợ.

Mặt khác, các trường học phấn đấu theo chuẩn quốc tế đều phải có đầu tư gia tăng, bên cạnh đầu tư cho phòng ốc thì còn đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Nên chăng thành phố cũng có chương trình cho vay kích cầu để hình thành các trường đại học theo chuẩn quốc tế", ông Nhân nói.

Bên cạnh đó, Bí thư TP.HCM cũng đề xuất các trường đại học phát triển mạnh mẽ hợp tác công - tư theo từng nhóm chuyên đề và theo nhu cầu của các trường đại học. Trường có nhu cầu phát triển vấn đề nào thì tham gia nhóm đó.

Có thể có các nhóm: Tăng tốc nâng cao trình độ tiếng Anh; đào tạo giáo viên dạy chương trình quốc tế; xây dựng chương trình và môn học trình độ quốc tế; kiểm định chất lượng giáo dục; trao đổi kinh nghiệm, sáng kiến; chuyển giao công nghệ mới và phát triển sản phẩm mới.

Ngoài ra, để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao, ông Nhân đề nghị ngành giáo dục thành phố tiếp tục đẩy mạnh mô hình giáo dục thông minh, trường học thông minh; xây dựng không gian thư viện các chương trình đào tạo, phần mềm miễn phí trên mạng cho riêng TP.HCM; thành lập viện nghiên cứu mô hình quản lý giáo dục, bồi dưỡng giáo dục; tổ chức hội chợ giáo dục và việc làm.

Bí thư TP.HCM lưu ý những lĩnh vực cấp thiết cần chú trọng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế như: Công nghệ thông tin, truyền thông, trí tuệ nhân tạo; tự động hóa và người máy; y tế.

Không có đột phá giáo dục, không có kỳ tích kinh tế

“Trong lịch sử và kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy không một kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào diễn ra mà không gắn với đột phá về giáo dục" - Thủ tướng nhấn mạnh.



Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm