Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không có đột phá giáo dục, không có kỳ tích kinh tế

“Trong lịch sử và kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy không một kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào diễn ra mà không gắn với đột phá về giáo dục" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Sáng 6/8, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay ngành giáo dục trong năm học vừa qua có nhiều thách thức nhưng đã đạt được kết quả tích cực. Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nề nếp, chất lượng hơn, tạo niềm tin cho toàn xã hội đối với ngành có hơn 1,4 triệu giáo viên, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh vị trí, vai trò của giáo dục trong xã hội: “Trong lịch sử và kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy không một kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào diễn ra mà không gắn với đột phá về giáo dục đào tạo. Chúng ta muốn chuyển biến đất nước, phát triển địa phương bền vững thì giáo dục đào tạo mang yếu tố quốc sách hàng đầu”.

Phải chuyển biến căn bản về dạy làm người

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại câu chuyện ông từng đọc trên báo với tiêu đề "Gia cảnh khốn khó của em Linh ‘vé số’ bị cướp đánh gẫy tay”. Trong gia đình cha Linh bị tâm thần, mẹ ốm đau nhưng em ước mơ thành bác sĩ để chữa bệnh. “Ước mơ của lớp trẻ như vậy thì chúng ta phải dành tình cảm, trách nhiệm rất lớn, nhất là người thầy, người cô và hệ thống quản lý của chúng ta”, Thủ tướng bày tỏ.

day dao duc trong nha truong anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay chuyển biến đất nước, phát triển địa phương bền vững thì giáo dục đào tạo mang yếu tố quốc sách hàng đầu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Vì vậy, ông bày tỏ sự trăn trở về tình trạng giáo dục đạo đức lối sống chưa đúng mức, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực thành còn hạn chế. Chính vì vậy, một số bộ phận học sinh, sinh viên và giáo viên vi phạm đạo đức lối sống gây bức xúc xã hội.

“Người ta nói rằng giáo viên dạy cơ bản được quốc tế đánh giá tốt nhưng dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết”, Thủ tướng nêu.

Như vậy, trong năm học 2019-2020, ngành giáo dục phải tạo chuyển biến căn bản trong việc đào tạo đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống. Việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội mà nhà trường đóng vai trò trung tâm. Bởi vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội đã được nói nhiều nhưng thực hành chưa được bao nhiêu.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần rà soát lại chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong các trường sư phạm, các cơ sở, đảm bảo hiệu quả về thời gian và cách thức lồng ghép giữa các môn học. Giáo dục đạo đức lối sống cần tổ chức các trải nghiệm sáng tạo để học sinh được tiếp xúc với truyền thống văn hóa như viếng nghĩa trang, thăm đối tượng chính sách để các em thấu hiểu cuộc sống.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên để triển khai trong năm học mới.

Đóng cửa cơ sở giáo dục kém chất lượng

Về định hướng của ngành giáo dục, Thủ tướng đề nghị: “Việc đầu tiên liên quan tới địa phương đó là yêu cầu bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, nhất là hệ thống mẫu giáo, mầm non hiện nay đang thiếu nghiêm trọng”.

Các địa phương cần giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay. “Nếu chúng ta không giải quyết tốt vấn đề này, thì hậu quả xã hội rất lớn”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngành giáo dục cần sắp xếp lại các trường sư phạm, tập trung vào các trường trọng điểm như ĐH Sư phạm Hà Nội, TP.HCM, còn các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương.

day dao duc trong nha truong anh 2
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Các trường đại học sư phạm phải đào tạo sinh viên ra trường trở thành những nhà giáo dục chứ không phải là những thầy dạy, cho nên yêu cầu rất cao ở các ‘máy cái’ này phải tốt thì mới có máy con tốt, là khơi mào đầu tiên cho sự phát triển giáo dục đào tạo. Bác Hồ nói trường sư phạm phải mô phạm…”, Thủ tướng bày tỏ.

Đặc biệt, ông yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường ĐH “có tên mà không có thực”, hữu danh vô thực, trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài.

“Chúng ta phải có sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để giáo dục - đào tạo đóng góp vào sự phát triển bền vững, đột phá của đất nước” - Thủ tướng chỉ đạo.

Hơn 138.000 người có trình độ đại học trở lên vẫn thất nghiệp

Báo cáo của Bộ GD&ĐT chỉ ra số lượng lao động ở nhóm có trình độ đại học trở lên nhưng vẫn thất nghiệp đã giảm so với năm 2017.



Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm