Với chủ đề "Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng", từ 9h đến 10h30 ngày 21/3, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đã đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên cả nước, nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2019).
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong. Ảnh: Như Ý/Tiền Phong. |
Mở đầu cuộc đối thoại, đồng chí Lê Quốc Phong cho rằng 2019 là Năm thanh niên tình nguyện. Đây là chủ đề rất thú vị bởi tình nguyện là nội dung chúng ta đã làm trong một thời gian dài và có sự tiếp nối truyền thống.
Đến nay, sức trẻ, tinh thần tình nguyện tiếp tục là thế mạnh, hình ảnh đẹp của tuổi trẻ Việt Nam được xã hội thừa nhận. Chương trình đối thoại trực tuyến được tổ chức nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ cho đoàn viên thanh niên về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các chương trình, hoạt động của Đoàn, Hội trong công tác chăm lo, giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ, hướng tới các hoạt động tình nguyện hiệu quả, an toàn hơn.
Trước câu hỏi có nên xây dựng lộ trình để từng bước đưa các hoạt động tình nguyện trở thành hoạt động bắt buộc đối với học sinh cấp ba và sinh viên đại học nói riêng và thanh niên nói chung, đồng chí Lê Quốc Phong nhận định trong phong trào Thanh niên tình nguyện, khu vực trường học, các bạn sinh viên đang là lực lượng đóng vai trò quyết định chủ đạo. Các bạn cũng có những hoạt động thường xuyên, chiến dịch lớn cũng bắt đầu hướng đến học sinh THPT với chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ được chỉ đạo triển khai trong vài năm gần đây dành cho đối tượng này.
Rất nhiều hoạt động tình nguyện thường xuyên mà tổ chức Đoàn trong các trường THPT, đại học, cao đẳng tổ chức để tạo ra môi trường để đoàn viên thanh niên tham gia.
Lê Thị Hồng Nhung - Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Tài Chính đặt câu hỏi. Ảnh: Như Ý/Tiền Phong. |
Hiện nay, một số trường đại học hướng đến xem việc tham gia các hoạt động tình nguyện là một trong những tiêu chí cần có để ghi nhận sự rèn luyện của các bạn sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện của mình.
Hầu hết thang điểm đánh giá của các trường có những điểm cộng tương đối lớn dành cho những hoạt động tình nguyện nhằm khuyến khích sinh viên tham gia.
Các bạn trẻ tham gia đều được ghi nhận và được quan tâm, cũng như hỗ trợ từ phía nhà trường. Có những chính sách tùy vào điều kiện của nhà trường, ví dụ như khen thưởng, xét vào ký túc xá, có những học bổng cho các bạn.
"Tôi tin rằng chính từ giá trị mà phong trào thanh niên tình nguyện và các hoạt động tình nguyện mang lại qua quá trình rất dài mà tổ chức Đoàn phát động, triển khai, mang lại sự trưởng thành trong mỗi sinh viên, học sinh. Chính nhà trường cũng đã ghi nhận giá trị từ hoạt động tình nguyện này. Từ đó, nhà trường xem đó là phương thức để góp phần giáo dục và hoàn thiện cho sinh viên, học sinh của mình", Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khẳng định.
Đây cũng là xu thế không chỉ ở nhiều trường đại học, THPT trên thế giới. Việc tham gia, chia sẻ hoạt động tình nguyện vì cộng đồng và chia sẻ các hoạt động xã hội được xem là tiêu chí có lợi thế dành cho học sinh, sinh viên khi xem xét các yếu tố trong nhà trường để có thêm điều kiện thuận lợi trong học tập.
Đồng chí Lê Quốc Phong cũng giải đáp nhiều thắc mắc khác của đoàn viên cả nước về hoạt động tình nguyện. Buổi đối thoại còn có một số gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018, nghệ sĩ, vận động viên tiêu biểu, doanh nhân trẻ và một số câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện.