Tôi năm nay 42 tuổi, đã ly hôn vợ. Vì hay đi công tác xa nên tôi để con trai 8 tuổi cho vợ cũ chăm sóc.
Tuy nhiên, gần một tháng nay, vợ cũ đưa ra nhiều lý do để không cho tôi gặp con. Pháp luật có can thiệp và xử lý hành vi này hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Phi - Công ty luật Hoàng Phi
Điều 82, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, quy định sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Do đó, bạn có quyền, nghĩa vụ thăm nom con. Đó là quyền của cha, mẹ khi không được trực tiếp nuôi con, đồng thời, không ai được cản trở vì đó là quyền cơ bản của mỗi người cha, mẹ.
Cũng theo Điều 82, cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Nếu tự ý không cho bạn gặp con, vợ cũ của bạn đã cản trở quyền thăm nom con. Hành vi này được xem là bạo lực gia đình theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.
Do đó, bạn có thể yêu cầu vợ cũ không cản trở bạn thăm nom, chăm sóc con thông qua qua thỏa thuận, thương lượng. Nếu vợ cũ bạn không đồng ý, bạn có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về gia đình để giải quyết như: UBND cấp xã/phường, Mặt trận Tổ quốc cơ sở… Trong trường hợp vợ bạn vẫn tiếp tục cản trở quyền thăm nom, bạn cần yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc.
Về hình thức xử phạt, vợ cũ của bạn có thể bị phạt cảnh cáo và phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, quy định tại Điều 53, Nghị định 167/2013.