Tôi có anh trai làm cầm đồ, thường xuyên mua bán xe không rõ nguồn gốc và không có giấy tờ xe được đưa từ nơi khác đến với giá rẻ. Qua tìm hiểu thì anh tôi có được biết đó là xe ăn cắp nhưng vẫn mua và bán lại.
Vài hôm trước, anh tôi bị bắt và điều tra liên quan đến một vài tài sản trong một vụ trộm cắp. Liệu anh tôi sẽ bị xử phạt như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp
Đối với các tội phạm trộm cắp tài sản, họ thường tìm cách tiêu thụ tài sản mà mình trộm cắp được như: bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp tài sản. Đối với những người: mua, nhận thuê tài sản…biết tài sản do trộm cắp mà vẫn nhận tiêu thụ thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, giá trị tài sản mà người vi phạm phải chịu 2 loại chế tài là hành chính hoặc hình sự.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch 09/TTLT Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Ngân hàng nhà nước Việt Nam - VKSND Tối cao - TAND Tối cao, tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi trên.
Với những hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác vi phạm pháp luật mà có nhưng chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm (giá trị tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm...) thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức phạt cao nhất là 5 triệu đồng.
Với hành vi vi phạm pháp luật này thì người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Trong trường hợp anh bạn biết rõ tài sản có nguồn gốc bất minh do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, tuy không hứa hẹn trước nhưng vẫn cố tình chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, thì anh bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015. Hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến tối đa 15 năm.
Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là nguyên nhân, điều kiện để các tội phạm thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản thêm quyết tâm, có ý chí để thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản.