Vợ rêu rao bán chồng?
Theo đơn xin ly hôn của ông Nguyễn Văn Tho (62 tuổi, ngụ xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), ông và bà Lê Thị Bá (60 tuổi) đã sống với nhau được hơn 30 năm, có 6 con chung, tất cả đều đã trưởng thành, trong đó 5 con có gia đình riêng.
Tuy nhiên thời gian gần đây, giữa ông và vợ phát sinh mâu thuẫn do bất đồng quan điểm, tình cảm vợ chồng không còn nồng nàn như trước, ông bà đã sống ly thân mỗi người một nơi gần 2 năm.
Ông Tho viết, trong khoảng thời gian ly thân, tình cảm giữa ông bà không thể nào hàn gắn được:
“Thật sự giữa tôi và bà Bá đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn muốn cương quyết ly hôn. Tôi không thể nào sống chung với một người vợ có những lời nói không tốt về chồng mình như vậy. Có những điều tế nhị làm tôi khổ tâm như bà ấy cứ hay la cà với mấy người trong xóm rồi rêu rao “bán chồng với giá 20 triệu đồng”. Tôi cương quyết yêu cầu TAND huyện Mỏ Cày Bắc cho ly hôn với bà Bá”.
Khi Tòa triệu tập bà Bá không đồng ý ly hôn. Bà khai rằng giữa ông bà không hề có mâu thuẫn gì lớn, có chăng chỉ là những lời giận trách của ông.
“Tui và ổng nay ai cũng đã lớn tuổi hết rồi, đã sống với nhau mấy mươi năm, có với sáu mặt con rồi còn gì nữa. Nhưng tự nhiên gần đây ông Tho giở chứng sanh tật. Mấy lần trước ổng đi chơi ăn nhậu rồi cặp với con nhỏ chủ quán bia hơi. Thấy vậy tui có vài lời khuyên răn thì ông cho rằng tui kiếm chuyện này nọ, gây xích mích tình cảm. Sau đó ông không còn cặp với con nhỏ quán bia mà quen một một con nhỏ khác cũng gần đó. Hai người còn dắt nhau đi lên sống tận TP. Đà Lạt (Lâm Đồng)", bà Bá cho hay.
Khi nhiều hàng xóm trêu chọc chồng bỏ đi theo người khác rồi, bà bực mình nên mới trả lời: “Đi thì đi, tôi bán ổng cho người ta đó. Miễn sao trả cho tôi 20 triệu đồng là được. Nói xong tui cùng mấy bả cười hì hà với nhau”.
Sơ thẩm cho ly hôn, phúc thẩm bác
Bà Bá trình bày kỹ lưỡng hơn: “Chuyện chỉ có vậy mà ổng về nằng nặc này nọ, dựa vào đó để kiếm chuyện ly hôn. Riêng tui thì kiên quyết không ly hôn, vì tui không hề có lỗi trong vụ này. Đâu phải dễ dãi cho ổng thoát gia đình đi theo gái được. Lớn tuổi rồi còn gì nữa.
Chuyện làm ầm lên, người ta dị nghị tội nghiệp nhất là thằng Út. Nó không muốn ba mẹ nó ly thân rồi ly hôn như vậy. Mỗi lần ổng về đòi ly hôn, nó năn nỉ “ba đừng có ly hôn với mẹ, con biết sống với ai", rồi khóc nức nở không dứt".
Xử sơ thẩm, TAND huyện Mỏ Cày Bắc chấp nhận cho ông Tho ly hôn nhưng bà Bá kháng cáo, kiên quyết không chịu ly hôn.
Trong phiên phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bến Tre nhận định: Ông Tho đưa ra lý do ông bà mâu thuẫn và đã ly thân hai năm nay. Tuy nhiên, qua xem xét lời khai giữa các bên thì việc ly thân là do ông Tho tự bỏ đi theo người đàn bà khác, trong khi tình cảm của bà Bá không hề thay đổi.
Bà Bá vẫn còn tình nghĩa vợ chồng, luôn mong muốn ông Tho quay về sống với vợ con. Việc ông Tho cho rằng bà Bá rêu rao “bán chồng”, thực chất đó chỉ là lời nói bâng quơ của bà Bá trong lúc tức giận khi bị những người đàn bà chung xóm trêu chọc. Vì vậy, ông Tho muốn ly hôn nhưng không chứng minh được mâu thuẫn vợ chồng, nên tòa không chấp nhận.
Đồng tình với tòa phúc thẩm, một chuyên gia pháp luật phân tích, người đơn phương xin ly hôn như ông Tho phải chứng minh được tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được (khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000).
Ở đây, ông Tho không có gì chứng minh, chỉ vin vào cớ vợ rêu rao “bán chồng”. Nhưng câu nói ấy chỉ là lời nói đùa giữa những phụ nữ cùng xóm, không phải là sự xúc phạm ghê gớm gì khiến ông phải khổ tâm.
Việc vợ chồng ông Tho có chung sống hạnh phúc lại hay không thì không chỉ bằng bản án của tòa, mà từ tình cảm yêu thương thật lòng giữa hai người.
Tòa phúc thẩm bác đơn của ông Tho, tức đã tạo điều kiện cho ông bà có một khoảng thời gian suy nghĩ lại. Còn nếu thật sự ông Tho cương quyết dứt tình thì theo luật, một năm sau, ông có quyền xin ly hôn tiếp và lúc đó các cấp tòa sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết.