BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết, bia rượu là một loại đồ uống có chất kích thích, nếu dùng đúng mức sẽ mang lại cảm giác hưng phấn, thoải mái trong giao tiếp, nhất là trong các bữa tiệc thân mật.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng, đây sẽ là một chất độc (etanol) tác động trực tiếp đến các cơ quan trọng cơ thể như gan, dạ dày, tiêu hóa và đặc biệt là các tế bào thần kinh. Nồng độ cồn cho phép theo quy định của luật pháp là 0,5g/100ml máu, tương đương 2 ly rượu vang hoặc 1 lon bia.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu nồng độ rượu ở mức từ 0,8g/100 ml máu trở lên, các phản xạ vận động giảm từ 30 – 50%, thị lực giảm 25%. Nếu nồng độ cồn lên đến 2,5g/100 ml máu, người uống sẽ rơi vào tình trạng ngây dại; nồng độ cồn 3,5g sẽ khiến người uống hôn mê và nếu lên đến 5g/100 ml máu có thể sẽ khiến ngưng thở, tử vong.
Khi lạm dụng bia rượu sẽ dẫn đến những cơn say xỉn cấp tính, loạn thần do không kiềm chế, kiểm soát được bản thân, đây là lý do dẫn đến phóng xe nhanh, chạy ẩu gây tai nạn cho chính người uống rượu và cho người khác.
Các triệu chứng của loạn thần do bia rượu như xuất hiện ảo giác, không còn nhận biết mọi việc xung quanh, thấy hoặc nghe những cảnh vật, thú vật, tiếng nói đe doạ làm cho người bệnh trở nên giận dữ, tấn công người khác vô cớ, có khi giết người, đốt nhà…
Với những người uống rượu lâu năm, mãn tính sẽ xuất hiện các cơn sảng run khi không được uống rượu. Người thường run tay chân, run toàn thân, run cả lưỡi, có thể kèm theo đi đứng loạng choạng, đổ mồ hôi đầm đìa cùng tình trạng lú lẫn, mê sảng, không còn nhận thức và môi trường xung quanh.
Do các tế bào thần kinh bị phá hủy, người bệnh có cảm giác như thấy những cảnh tượng ghê rợn như thú dữ tấn công, rắn rít cắn mình. Có cảm giác côn trùng đang bò trong người, trên cơ thể mình hoặc như nghe những tiếng nói không có thực đe dọa giết mình. Chính vì tình trạng “sảng” này mà người bệnh có những hành vi cực kỳ nguy hiểm như tấn công người khác vô cớ, giết người, đốt nhà, đặc biệt là hoang tưởng ghen tuông vô lý.
Chứng nghiện rượu mãn tính thường dẫn đến việc thay đổi tính tình rõ rệt như trở nên ích kỷ, hung dữ, ác độc, đánh đập hành hạ người khác, suy đồi đạo đức, quan hệ tình dục bừa bãi, thiếu bảo vệ, dễ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như giang mai, lậu mủ và AIDS; thiếu trách nhiệm với gia đình, hay vi phạm pháp luật, suy giảm trí nhớ.
Theo Bệnh viện Tâm thần TP HCM, người sử dụng bia rượu tử vong sớm hơn 8 năm so với người không sử dụng, tỷ lệ nghiện rượu từ 1,16 – 3,96% dân số và còn có khuynh hướng tăng do tình trạng lạm dụng rượu.
Tỷ lệ các bệnh nhân điều trị cấp cứu có những vấn đề liên quan đến rượu chiếm số lượng nhiều: ngộ độc rượu, chấn thương, những bệnh lý do rượu gây ra như xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, bệnh lý thần kinh…, các cấp cứu tâm thần như sảng run, tự sát, giết người, đốt nhà…
Rượu có liên quan đến ít nhất 50% tử vong do tai nạn giao thông và là yếu tố nguy cơ cao trong các loại chấn thương gây tử vong; 67% các vụ tự tử có liên quan đến rượu, 33% vụ tự tử và nghiện rượu có chẩn đoán bệnh tâm thần; 80% người nghiện rượu có triệu chứng trầm cảm và 3 tuần sau hội chứng cai 20% trong số họ có nhiều triệu chứng của một trầm cảm nặng mà bắt buộc phải điều trị.