Thời gian gần đây, cơ quan y tế bang California ghi nhận nhiều báo cáo về dạng bệnh lậu nặng có tên nhiễm trùng lậu cầu khuẩn lan tỏa (DGI). Nó còn được gọi là hội chứng viêm khớp - da, phản ánh tình trạng nhiễm trùng máu, thường có biểu hiện sốt, đau khắp cơ thể hoặc sưng khớp, tổn thương da, mụn mủ.
Vi khuẩn lan tỏa khiến các vị trí nhiễm trùng tiến xa khỏi vùng kín và xâm nhập vào máu. Một số trường hợp nhiễm trùng lan tới van tim, dịch quanh não.
Tiến sĩ Erica Pan, quyền Giám đốc Y tế Công cộng của bang California, Mỹ, lo ngại rằng nhiều trường hợp mắc bệnh lậu lây qua đường sinh dục không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều đó có thể do đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến các bệnh viện đều quá tải, còn người dân thì phải thực hiện giãn cách xã hội.
“Nguy cơ với các bệnh nhiễm trùng lây qua đường sinh dục (STD) vẫn chưa biến mất. Nếu bạn là phụ nữ dưới 25 tuổi đã quan hệ tình dục hoặc đang mang thai; nam giới có quan hệ tình dục đồng giới; người bị nhiễm HIV, vui lòng liên hệ với các cơ quan y tế sớm nhất để được xét nghiệm STD”, ông Pan nói thêm.
Hình ảnh hiển vi điện tử quét nhuộm màu vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae - loại gây bệnh lậu. Ảnh: The Sacramento Bee. |
Theo The Sacramento Bee, giới chức y tế bang California cho hay họ đang làm việc với các cơ sở y tế quận và những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe địa phương để tuyên truyền và đưa ra phương án điều trị cho những người mắc STD.
Lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục tương đối phổ biến. Bệnh gây ra bởi vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae.
Bệnh lậu là một trong những bệnh xã hội lây truyền qua đường quan hệ tình dục có tỷ lệ cao nhất hiện nay. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản, dẫn tới ung thư cơ quan sinh dục. Vì vậy, việc nắm được các triệu chứng sẽ giúp chúng ta chủ động phát hiện bệnh sớm hơn.
Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng thống kê mỗi ngày, toàn cầu có thêm một triệu ca mắc bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường sinh dục (STI). Hàng năm, thế giới có 376 triệu ca mắc mới ở các bệnh chlamydia, lậu, giang mai, trichomonas.
WHO cũng cảnh báo nhiều ca mắc bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường sinh dục thường không có triệu chứng, phát triển thầm lặng. Dấu hiệu của người mắc các bệnh STI là tiết dịch bất thường từ âm đạo, dương vật hoặc hậu môn; tiểu đau; xuất hiện cục u dưới da quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn; phát ban; chảy máu âm đạo bất thường; ngứa vùng kín; mụn nước và vết loét quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn...
Lậu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị. Ở nam giới, nó gây viêm đường tiết niệu, niệu đạo, hẹp niệu đạo, tuyến tiền liệt. Bệnh nhân đối mặt nguy cơ viêm tinh hoàn, túi tinh, teo cơ quan này, ảnh hưởng khả năng quan hệ tình dục và chức năng sinh sản. Nặng hơn, nam giới có thể bị ung thư tinh hoàn nếu bị lậu kéo dài không được điều trị.
Ở nữ giới, bệnh lậu gây các chứng phụ khoa nguy hiểm như viêm âm đạo, tử cung, buồng trứng và vòi trứng. Nó dẫn đến đau rát khi quan hệ tình dục, ảnh hưởng đời sống vợ chồng. Bệnh nặng có thể gây vô sinh, sinh non, sảy thai, mang thai ngoài tử cung hoặc dị tật.