Theo BS Lương Hoàng, nhiều người vẫn nghĩ, hễ ngâm dược liệu vào rượu thì bỗng dưng thành thuốc. Muốn có tác dụng như mong muốn, chúng phải hội đủ 2 tiêu chí rượu tốt và thuốc quý. Thang thuốc muốn công hiệu phải đúng thành phần và hàm lượng. Nếu không đúng bài bản, chúng ta sẽ khó lòng kiểm soát tình trạng tương tác bất lợi của dược liệu chen vai trong hũ rượu.
Với dược liệu gốc động vật như rắn hổ mang, bìm bịp, người dùng cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc Đông y, tránh gây độc khi ngâm.
BS Huỳnh Tấn Vũ cho biết, một số loại thuốc không thích hợp ngâm rượu. Ví dụ thuốc Đông y dạng khoáng, bởi vì thành phần có ích trong đó rất khó chiết xuất khi ngâm với rượu. Một số thảo dược dạng khoáng còn hàm chứa thành phần có độc, chứa thủy ngân, chì, asen… đều không thích hợp để ngâm rượu.
Thông thường, thời gian ngâm rượu thuốc khoảng 15-30 ngày. Thời gian quá dài sẽ ở một mức độ nào đó làm cho ethanol bay hơi. Sau khi nồng độ xuống thấp, tác dụng kháng khuẩn sẽ giảm, thảo dược có thể sinh ra nấm mốc.
Rượu thuốc biến chất giống như thực phẩm khuẩn mốc gây ra tổn thương nhất định cho dạ dày, đường ruột và gan. Nếu sau khi uống rượu, bạn có hiện tượng mặt đỏ, hoa mắt, chóng mặt, nôn ọe, tim đập nhanh quá độ thì nên nhanh chóng đến bệnh viện. Đó là phản ứng ban đầu của trúng độc.
Trên thực tế, người dùng rượu thuốc chỉ nên uống một ly nhỏ mỗi bữa ăn, tùy thuộc vào hướng dẫn của thầy thuốc. Trong nhiều trường hợp, bạn pha ly rượu thuốc với nước, tốt nhất là nước khoáng. Cách làm này vừa giúp pha loãng độ cồn vừa mượn tính kiềm của nước khoáng để dẫn thuốc.
Một số nguyên nhân gây ngộ độc khi sử dụng rượu thuốc
Mua nhầm thuốc độc: người thu hái nhầm các loại rễ cây có độc như lá ngón, mã tiền, hoàng nàn, phụ tử, cà độc dược... phần lớn là độc dược bảng A, đem về phơi khô rồi bán. Khi thuốc khô và được băm nhỏ, khó nhận dẫn đến ngộ độc nặng và tử vong.
Người ta thường sử dụng một số chất độc như lưu huỳnh, chì, kẽm, thạch tín, nhôm, được phun hoặc bôi lên bề mặt dược liệu, nếu mua thuốc về ngâm rượu ngay thì chất độc khuếch tán rất nhanh, uống vào sẽ bị nhiễm độc. Do nấm mốc phát triển trên dược liệu vì bảo quản không đúng quy cách, chính các độc tố sản sinh từ nấm mốc, nhất là aflatoxin, dẫn đến ngộ độc trước mắt, còn lâu dài dẫn đến ung thư gan.
Ngoải ra, các phản ứng hóa học trong rượu cũng có thể gây độc. Rượu là dung môi có thể hòa tan rất nhiều chất có lợi cũng như có hại trong các vị thuốc, trong đó đáng kể là nhóm ancaloit, saponosit ở liều cao gây phá huyết, tanoit gây kích ứng niêm mạc ruột... dễ dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh, tuần hoàn và tiêu hóa.
Theo y học cổ truyền, khi dùng chung các vị thuốc với nhau sẽ xuất hiện sự tương tác. Điều đó khiến người dùng bị phản ứng như ngộ độc gây co giật, sốt cao, bứt rứt, tay chân bải hoải, mất kiểm soát ý thức, đau đớn và sưng phù toàn thân.