Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biến chứng sau sinh nguy hiểm chị em cần biết

Mang thai, sinh con là thiên chức cao quý của phụ nữ, nhưng giai đoạn này chính là thời điểm phụ nữ mắc phải nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có nhiễm khuẩn huyết.

Mang thai, sinh con là thiên chức cao quý của phụ nữ, nhưng giai đoạn này chính là thời điểm phụ nữ mắc phải nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có nhiễm khuẩn huyết.

Suýt chết sau sinh vì nhiễm khuẩn huyết

Chị Samantha Cousans, 31 tuổi ở Sheffield, South Yorkshire, Anh, mẹ của 2 bé gái kháu khỉnh mới đây đã được “hồi sinh” sau khi sinh con thứ hai. Được biết, sau khi sinh con được 11 ngày, chị Samantha đã bị hôn mê do nhiễm khuẩn huyết trầm trọng, làm cơ bắp ở chân trái bị thối rữa. Hết giai đoạn hôn mê và được cứu chữa kịp thời nên chị Samantha đã qua khỏi, song cơ bắp lại bị tê liệt, riêng đùi trái mất đi một lượng thịt khá lớn. 

Samantha nhớ lại, sau khi sinh bé gái thứ hai được vài ngày, bỗng dưng mệt mỏi nghiêm trọng, mệt đến nỗi không bế nổi con vì hai tay gần như bị liệt, hệ thống cơ bắp trong cơ thể hầu như bất lực. Do sức khỏe suy giảm, 6 ngày sau, gia đình mới cho gọi bác sĩ đến khám và phải đưa ngay vào viện cấp cứu. Theo nữ bác sĩ gia đình, khi bước vào phòng người bệnh bà đã ngửi thấy mùi khác thường, điều này cho thấy bệnh nhân đang bị nhiễm khuẩn trầm trọng, nếu muộn thêm vài giờ nữa, tính mạng của chị Samantha khó bảo toàn.

Chị Samantha Cousans và con gái.

Chị Samantha Cousans và con gái.

Ngay sau khi nhập viện, bác sĩ đã tiến hành giải độc trong cơ thể chị. Do máu bị nhiễm khuẩn trầm trọng nên mô thiếu ôxy, dẫn đến tình trạng hoại tử và liệt. Để cứu phần mô khỏe mạnh, bác sĩ buộc phải cắt bỏ phần da thịt bị hoại tử, thối rữa. Sau 11 tuần điều trị triệt để và qua 5 lần phẫu thuật đắp thịt vá xương tại nhiều nơi trên cơ thể, chị Samantha đã thoát cửa tử thần, nhưng lại có những vết sẹo khổng lồ trên chân trái, may mắn thay các bộ phận nội tạng không việc gì, phần cơ bắp bị tổn thương đều ở vị trí kín nên không ảnh hưởng đến thẩm mĩ. 

Hiện tại, tuy đã ra viện nhưng sức khỏe chị Samantha chưa bình phục hoàn toàn, vẫn phải dùng thuốc và áp dụng các thủ thuật trị liệu bổ sung để hạn chế biến chứng, đặc biệt là tập đi để hạn chế chứng liệt do tổn thương cơ bắp. Qua cơn hoạn nạn này, chị Samantha muốn nhắn nhủ mọi người, nhất là chị em phụ nữ khi vượt cạn cần lưu tâm đến vấn đề vệ sinh và nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn máu, căn bệnh nghe qua đơn giản nhưng nguy cơ biến chứng rất cao. Nếu có những bất an về sức khỏe, nhất là xuất hiện tình trạng mệt mỏi, suy sụp sức khỏe đột ngột, nhất thiết phải đi khám, tư vấn bác sĩ càng sớm càng tốt.

Khuyến cáo

Nhiễm khuẩn huyết (septis) hay nhiễm khuẩn máu hay hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan là tập hợp bệnh lý thường gặp trong lâm sàng và trong các đơn vị hồi sức. Căn bệnh được Hippocrates (460-370 B.C) phát hiện lần đầu và đặt tên. Chỉ riêng tại Anh, mỗi năm ước khoảng trên 100.000 ca nhập viện và trên 37.000 người chết do nhiễm khuẩn huyết. Như vậy, đứng về số ca tử vong do nhiễm khuẩn huyết tương đương với nhồi máu cơ tim cấp và cao hơn cả số người chết vì AIDS và ung thư vú. Ngày nay, tỉ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn huyết đang có chiều hướng gia tăng, tăng 1,5%/năm, trong khi đó tình trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh cũng đang trở nên phổ biến, nên hiệu quả chữa trị còn thấp.

Nhiễm khuẩn huyết được kích hoạt bởi quá trình nhiễm khuẩn, nó làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể quá tải, phát sinh tình trạng viêm lan rộng, kèm sưng tấy và đông máu, dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, hạn chế tình trạng lưu thông máu đến các cơ quan quan trọng, nhất là tim, não và thận. Các triệu chứng ban đầu như tăng giảm nhiệt độ (trên 38°C hoặc dưới 36°C), ớn lạnh và run rẩy, tim đập nhanh (trên 90 lần/phút), thở dốc... Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu, lộn xộn, lú lẫn hoặc mất phương hướng. Buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, da lạnh và xanh xao hoặc xuất hiện những đốm lạ. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện các dấu hiệu như hội chứng rò rỉ mao mạch, sốc nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn huyết kháng trị và mắc phải hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan.

Nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết là do rối loạn chức năng đa cơ quan. Ví dụ như suy hô hấp cần phải thông khí nhân tạo và sau đó nếu bệnh không được kiểm soát thì các cơ quan khác cũng bị suy giảm chức năng theo. Nếu có 4 - 5 cơ quan cùng bị rối loạn chức năng thì tỷ lệ tử vong có thể lên tới 90% mặc dù được điều trị triệt để. Giảm tưới máu tổ chức và thiếu ôxy tế bào cũng là yếu tố quan trọng gây tử vong.

Chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết phải có bằng chứng nhiễm khuẩn trên lâm sàng cộng với ít nhất hai trong số các dấu hiệu như tăng thân nhiệt hoặc hạ thân nhiệt, tim nhanh, thở nhanh, số lượng bạch cầu bất thường, tiểu cầu giảm. Ngoài ra cần kết hợp với ít nhất một thông số liên quan tình trạng giảm tưới máu cơ quan hoặc rối loạn chức năng cơ quan hay thay đổi trạng thái tinh thần. 

Khuyến cáo xử trí nhiễm khuẩn huyết hiện nay là dựa trên những tiêu chí như kiểm soát nhiễm khuẩn triệt để, phương pháp điều trị bổ sung, kể cả một số liệu pháp mới hiện đang giai đoạn thử nghiệm. Về điều trị cụ thể còn tùy theo kết quả xét nghiệm vi sinh, bác sĩ có thể chọn kháng sinh cho phù hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không thể lựa chọn được kháng sinh, như trong trường hợp xét nghiệm vi khuẩn âm tính, tình trạng bệnh không cho phép đợi chờ kết quả, thậm chí đôi khi không cho phép chờ lấy bệnh phẩm xét nghiệm... thì có thể dùng kháng sinh theo kinh nghiệm của chuyên môn, sau đó điều chỉnh cho thích hợp.

http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/mot-bien-chung-sau-sinh-nguy-hiem-20141019223012423.htm

Theo Duy Hùng/ Sức khỏe đời sống

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm