Đến khuya 3/2, các cán bộ của PC49 mới hoàn tất xong hồ sơ vụ việc để tiến hành xử lý
Nhiều ngày trước đó, trinh sát, các cán bộ của PC49 phát hiện quy luật hoạt động của đường dây này là gửi thịt trâu Ấn Độ từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) theo xe khách về Bình Thuận.
Điểm đến của những thùng hàng chứa thịt trâu là thôn Văn Lâm (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) - nơi được xem là “thủ phủ lò mổ” Bình Thuận với trên 20 cơ sở giết mổ bò.
Theo hồ sơ của công an, có bốn hộ dân ở thôn Văn Lâm trong vài năm trở lại đây giàu lên nhanh chóng, xây nhà lầu, biệt thự, mua xe hơi… dựa vào việc “hóa phép” để thịt trâu Ấn Độ trở thành thịt bò, rồi đem phân phối ra các chợ bán với giá của thịt bò Việt Nam.
Từ trưa 3/2, các trinh sát đã được phân công chốt chặn trên quốc lộ 1 qua Bình Thuận để chặn bắt xe chở thịt trâu Ấn Độ. Đến chiều cùng ngày, khi chiếc xe khách chạy qua khu vực ngã ba 46 (huyện Hàm Tân), tài xế không biết đang bị rơi vào tầm ngắm của lực lượng cảnh sát môi trường.
PC49 Công an tỉnh Bình Thuận phá đường dây thịt trâu Ấn Độ giả thịt bò trong ngày cận tết để cảnh báo cho người tiêu dùng biết. |
Lực lượng công an bám theo chiếc xe đến quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam và có một chốt CSGT “đón lỏng” tại đây. Khi tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ở phía đuôi xe có 18 thùng hàng nghi chứa thịt trâu Ấn Độ không có giấy tờ hợp lệ. Phương tiện và tài xế nhanh chóng được đưa về Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương Bình Thuận).
Ban đầu, tài xế xe trả lời vòng quanh và không cho biết chủ của lô hàng. Tuy nhiên, trước các câu hỏi nghiệp vụ của cảnh sát môi trường, tài xế đành phải gọi điện thoại cho chủ lô hàng đến làm việc.
Qua thống kê, lô hàng trên có 300 kg thịt trâu Ấn Độ và xương, không có giấy tờ hợp lệ. Hạn sử dụng ghi trên bao bì đã bị mờ, không thấy rõ ngày tháng. Số thịt trên phải được vận chuyển bằng xe vận chuyển chuyên dụng với nhiệt độ âm 16 độ C nhưng trên thực tế được nhét phía sau đuôi xe khách. Xương của lô hàng này đã bốc mùi hôi thối và có giòi lúc nhúc.
Theo điều tra ban đầu của lực lượng công an, các chủ lò mổ mua số thịt trâu Ấn Độ này về, sau khi rã đông sẽ lấy tiết bò đánh lên bề mặt thịt trâu để giả thịt bò, rồi trà trộn số thịt này vào số thịt bò của lò mổ để đưa ra thị trường, cung cấp cho các quán chuyên nấu món bò né mới hoạt động rầm rộ với nhiều chi nhánh tại Bình Thuận.
Giòi bò lúc nhúc trong xương đã bốc mùi hôi thối của lô hàng thịt trâu Ấn Độ bị bắt tại Bình Thuận . |
Mỗi kg thịt trâu Ấn Độ có giá dưới 100.000 đồng, sau khi “hóa phép” thành thịt bò thì bán được với giá gần 300.000 đồng.
Theo một cán bộ của PC49 Công an tỉnh Bình Thuận, người tiêu dùng cần nắm rõ đặc điểm để phân biệt thịt trâu Ấn Độ giả thịt bò với thịt bò thật của Việt Nam để tránh bị lừa đảo khi mua hàng. Cụ thể, thịt trâu giả bò có màu hơi đen sẫm, dù được nhuộm tiết bò nhưng không đỏ tươi như thịt bò.
PC49 đang phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Thú ý Bình Thuận lập hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của đường dây làm giả thịt trâu Ấn Độ thành thịt bò nêu trên.