Ngày 20/4, Viện Nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố kết quả nghiên cứu “Tình hình giáo dục mầm non cho trẻ là con của công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai”.
Theo nghiên cứu này, trong số 116.443 công nhân ở khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) TP.HCM thì có đến 80% là dân nhập cư, 41,9% phụ huynh cho rằng nhà trẻ không đạt yêu cầu về chất lượng, 25,6% người cho rằng có hiện tượng bạo hành trong nhà trẻ nhưng vẫn tiếp tục gửi con.
Một trẻ bị bạo hành trong lúc ăn tại cơ sở mầm non Phương Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM). |
Các phụ huynh phải gửi con ở các nhóm trẻ gia đình không phép là do phần lớn trường mầm non công lập chỉ nhận trẻ là con em người dân ở địa phương, đặc biệt là không nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Các trường tư thục thì lại thu phí quá cao, không phù hợp với thu nhập của công nhân. Công nhân phải tăng ca thường xuyên trong khi trường mầm non chỉ giữ trẻ trong giờ hành chính.
Theo TS Nguyễn Kim Dung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, nếu bị bạo hành, trẻ thường có biểu hiện sợ sệt giáo viên, sợ trường mẫu giáo, không chịu đến lớp, ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển về sức khỏe, tâm lý của trẻ.
Phần lớn những vụ bạo hành trẻ trong trường, lớp mầm non là do người trông trẻ thiếu kiến thức sư phạm, chưa hiểu tâm lý trẻ, chưa biết cách làm cho các bé vui đến trường…
Do vậy, TS Dung đề nghị các cơ quan quản lý cần ban hành chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, giáo dục trẻ; sớm giải quyết chuyện thiếu trường mầm non cho KCX, KCN và chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, chỉ cho phép những người được đào tạo tham gia nuôi dạy trẻ.