Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biết Vũ 'nhôm' trắng tay, ông Bình vẫn bán cổ phần, mua giúp USD

HĐXX cho rằng ông Bình có trách nhiệm khi biết Vũ "nhôm" không có tiền, không có khả năng tài chính nhưng bị cáo này vẫn lấy tiền DAB mua 13,4 triệu USD, bán cổ phần cho Vũ.

Trần Phương Bình gây thất thoát hơn 3.600 tỷ của DAB ra sao? Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi ký khống, xuất quỹ vàng trái phép, kinh doanh ngoại hối trái luật,... gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng.

Phan Văn Anh Vũ bị buộc phải trả lại 13,4 triệu USD cho DAB, bồi thường hơn 203 tỷ đồng đã chiếm đoạt của DAB và hơn 90,5 tỷ tiền nợ mua cổ phần.

"Vũ biết 200 tỷ là tiền của DAB"

Khai tại tòa, Trần Phương Bình nói vào năm 2013, Ngân hàng Đông Á rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài. Do đó, ông Bình muốn tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng để thu hút đầu tư.

Qua giới thiệu của một người trong Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (Công ty Bắc Nam 79), Bình biết đến Vũ "nhôm". Khi biết người này là Chủ tịch HĐQT của Công ty Bắc Nam 79, bị cáo này muốn Vũ cùng công ty của mình trở thành cổ đông của DAB.

Qua trao đổi, Bình đã bàn bạc bán 60 triệu cổ phần cho Vũ với giá 600 tỷ khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ vào năm 2014. Bình khai Vũ cho biết sẽ thế chấp 220 lô đất ở Đà Nẵng để vay tiền của DAB.

Sau đó, Bình cùng với Nguyễn Thị Kim Xuyến đã ra Đà Nẵng để xem đất cho HĐTD định giá của lô đất này. Sau khi định giá 220 lô đất hơn 600 tỷ, Bình chỉ định ký duyệt cho 2 cá nhân vay 400 tỷ. Còn 200 tỷ, ông thuyết phục Vũ yên tâm là mình có thể lo giúp.

Tran Phuong Binh  chuyen Vu nhom anh 1
Vũ "nhôm" bị cách lý từ chiều 28/11. Ảnh: Lê Quân.

Ngày 17/1/2014, Bình gọi điện Vũ đến DAB hội sở làm việc. Khi làm việc, Bình khai không bàn bạc, không cho Vũ biết Bình xoay sở số tiền 200 tỷ thế nào. Vì ông vẫn muốn Vũ nhìn thấy khả năng của DAB.

Lúc đầu Bình dự tính hạch toán bán 10 triệu USD để lấy 200 tỷ đồng còn thiếu, nhưng sau khi bàn với Nguyễn Thị  Kim Loan (nguyên Trưởng phòng kinh doanh Hội sở DAB), Loan nói không được nên Bình mới giải thích cho Vũ là sẽ ứng quỹ 200 tỷ DAB chuyển vào Công ty Bắc Nam 79.

Ông Bình khẳng định Vũ có ngồi đó nghe giải thích. "Phan Văn Anh Vũ biết được nguồn tiền 200 tỷ bị cáo chuyển vào tài khoản thế nào", bị cáo 60 tuổi nhấn mạnh.

Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng ngân quỹ Hội sở DAB), sau đó Vinh cho Vũ ghi chi tiết giấy nộp tiền, ghi tên tài khoản sẽ chuyển vào. Trần Phương Bình khai chính Vũ viết theo giấy hướng dẫn của Vinh và ký tên vào chỗ người nộp tiền.

Sau đó việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ không thành, Bình dùng 600 tỷ đó chào mời thêm cho các cổ đông khác nhưng không thể mua đủ cổ phần, do đó, HĐQT ra nghị quyết chuyển trả tiền cho những ai nộp, trong đó 600 tỷ (cộng với hơn 9,5 tỷ tiền lãi) được trả về cho Công ty Bắc Nam 79.

"Tại sao Vũ vay chỉ 400 tỷ nhưng lại chuyển trả 600 tỷ mà không phải 400 tỷ?", chủ tọa chất vấn rồi tiếp tục khẳng định: "Không có 1 nguyên tắc kế toán nào mà khi thực tế nộp 400 tỷ mà chuyển trả 600 tỷ cả".

"Có lỗi với Phan Văn Anh Vũ"

Trong các hành vi bị truy tố, Trần Phương Bình sai phạm trong việc chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 294 tỷ đồng mua USD chuyển cho Vũ "nhôm".

Theo đó, từ ngày 11/10/2012 đến 12/3/2015, Trần Phương Bình đã chỉ đạo Đỗ Thanh Hùng (nguyên Thủ quỹ Hội sở DAB) xuất quỹ chi 12 khoản, với tổng số tiền 294 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD cho Bình.

Sau khi mua được 13,9 triệu USD, Trần Phương Bình chỉ đạo chuyển 13,4 triệu USD cho Phan Văn Anh Vũ sử dụng.

Chủ tọa hỏi Vũ "nhôm" đặt vấn đề mua 13,4 triệu USD như thế nào và đó là tiền gì? Ông Bình trả lời: "Bị cáo mong Vũ và công ty của Vũ trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng. Thời điểm đó, bản thân bị cáo thấy hoạt động của ngân hàng có nợ xấu tăng cao, bản thân bị cáo thấy mình có lỗi với Phan Văn Anh Vũ". 

Nghe bị cáo trả lời lạc đề, chủ tọa ngắt lời và hỏi lại: "Bị cáo không nói như thế. 13,4 triệu USD bị cáo chuyển cho Vũ là tiền gì? Tại sao có tiền đó?".

Ông Bình trả lời Vũ "nhôm" nhờ ông mua hộ USD, trước đó vài năm Vũ cũng từng nhờ ông mua giúp và bản thân ông không hề biết Vũ sử dụng USD để làm gì. Cựu Chủ tịch HĐTD DAB chỉ nghĩ đơn giản là nhờ mua hộ sẽ thanh toán nhưng Vũ đã không thanh toán.

Tran Phuong Binh  chuyen Vu nhom anh 2
Ông Trần Phương Bình bị dẫn đến tòa. Ảnh: Lê Quân.

“Nhờ mua hộ phải chuyển tiền chứ? Thực tế đâu có chuyển tiền. Tại thời điểm đó DAB âm quỹ lớn. Vì sao Vũ không đưa số tiền nào mà bị cáo lại bỏ ra gần 300 tỷ mua USD chuyển cho Vũ?”, chủ tọa chất vấn. Ông Bình cho biết ngoài lý do muốn Vũ trở thành cổ đông như đã nêu thì không có lý do gì khác.

“Bị cáo cho rằng Vũ là cổ đông chiến lược vì khả năng tài chính Vũ có. Nhưng khi quan hệ với Vũ, bị cáo phải thấy sự thật khách quan là Vũ không có tiền. Nhưng bị cáo vẫn lấy tiền DAB mua 13,4 triệu USD chuyển cho Vũ. Bị cáo thấy Vũ có khả năng tài chính chỗ nào? Bị cáo giải thích gì chỗ này?", chủ tọa chất vấn gay gắt.

Ông Bình trả lời lúc tiếp xúc với Vũ "nhôm", tâm trạng ông rối bời, không còn con đường nào sáng sủa để có thể khắc phục hậu quả đã gây ra.

"Khi gặp Vũ, bị cáo có đánh giá sơ bộ: Thứ nhất, Vũ nổi tiếng kinh doanh trên thị trường Đà Nẵng. Thứ 2, thông qua Công ty Bắc Nam 79, bị cáo có thể phát triển dịch vụ thẻ…”, ông Bình đang trình bày thì chủ tọa ngắt lời và khẳng định lại các hành vi sai phạm của cựu Tổng giám đốc DAB.

HĐXX cho rằng ông Bình có trách nhiệm khi quan hệ làm ăn với Vũ, biết Vũ không có tiền, không có khả năng tài chính nhưng bị cáo này vẫn lấy tiền DAB mua USD và bán cổ phần cho Vũ.

Ngoài việc mua 13,4 triệu USD cho Vũ "nhôm", ông Bình còn bán cổ phần DAB cho Vũ với giá gần 136 tỷ đồng. Hiện, Vũ mới chỉ trả 46 tỷ, còn nợ 90,5 tỷ.

Những con số trong phiên tòa xét xử Vũ 'nhôm' và 25 đồng phạm Phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ, Trần Phương Bình cùng 24 đồng phạm ở Ngân hàng Đông Á dự kiến kéo dài gần 1 tháng. Tòa triệu tập hơn 300 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Hoài Thanh - Lê Trai

Bạn có thể quan tâm