Chiều 28/11, HĐXX bắt đầu xét hỏi Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hồi đồng tín dụng DAB) trong việc bị cáo buộc gây thiệt hại cho DAB hơn 3.068 tỷ đồng.
Nhờ người thân mua cổ phần, nhận cổ tức
Mở đầu phần thẩm vấn, bị cáo Bình thừa nhận hành vi, nội dung đúng như cáo trạng. Ông cho biết trước khi về làm việc tại DAB, ông là giáo viên trường Trung học Tài chính TP.HCM. Đến năm 1997, ông chính thức về giữ chức Tổng giám đốc tại DAB.
Trả lời HĐXX, ông cho biết DAB trải qua rất nhiều lần nâng vốn điều lệ (1997-8/2015), bị cáo này không nhớ rõ bao nhiêu lần tăng vốn. Việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng, theo ông Bình dựa vào quyết định của Đại hội đồng cổ đông, sau đó giao cho HĐQT tổ chức thực hiện.
"Các cổ đông hiện hữu căn cứ cổ phần phát hành, đăng ký mua thêm cổ phần. Có một số trường hợp cổ phần bán cho người không phải cổ đông hiện hữu", ông Bình khai.
Chủ tọa chỉ ra trong thời gian 2007-2014, ông Bình liên tục tăng vốn điều lệ để chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ của DAB. “Mục đích sử dụng tiền vào việc gì?”, chủ tọa hỏi.
Trần Phương Bình xác nhận số tiền là đúng nhưng ông cho rằng số tiền này nằm hết ở lượng cổ phần mà ông và người thân đứng tên tại DAB. Bị cáo này khai tùy thời điểm và tùy vào quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số tiền để chia cổ tức cho cổ đông cũng thay đổi, có năm lên tới 40%, năm thấp nhất là 8%.
Trần Phương Bình tại tòa. Ảnh: Lê Quân. |
Số tiền chia cổ tức sẽ được chuyển cho cổ đông thông qua tài khoản thẻ ATM của họ. Ngoại trừ rất ít cổ đông thấy không cần chuyển vào thẻ thì nhận tiền mặt.
Ông Bình nhờ người thân mua cổ phần và nhận cổ tức đều thông qua cách thức như trên. Khi tiền cổ tức được chuyển vào tài khoản ông Bình nhờ đứng tên, 1-2 ngày sau thì họ chuyển lại qua tài khoản cho cựu Chủ tịch HĐQT DAB.
“Số lượng cổ phần rất lớn, có khi nào họ hỏi số tiền ở đâu ra?”, HĐXX hỏi bị cáo Bình. Ông cho biết những cá nhân, pháp nhân nhờ đứng tên đều không hỏi nguồn tiền ở đâu để mua cổ phần.
Trần Phương Bình qua mặt Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước
Các hành vi vi phạm của Trần Phương Bình và đồng phạm là nguyên nhân dẫn đến việc ngày 31/12/2015, DAB bị âm quỹ 25.451 tỷ đồng. Trần Phương Bình khai để hợp thức hóa việc hạch toán khống, ông chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện ký, xuất biên nhận cho phù hợp, đến cuối ngày điều chuyển về Hội sở để âm quỹ.
Ông Bình cho biết từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước mới bắt đầu thanh tra toàn diện DAB và phát hiện sai phạm. Trước đó, có năm không thanh tra hoặc thanh tra không toàn diện. Về thanh tra quỹ thực tế, trước 2014 ông Bình không nhớ rõ là có thanh tra hay không.
Trả lời cụ thể về hoạt động thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Bình cho biết khi thanh tra thì NHNN báo trước vài ngày để DAB chuẩn bị nội dung cho việc thanh tra.
Khi nhận được văn bản đó, nếu thấy có nội dung liên quan hoạt động ngân quỹ thì cựu Tổng giám đốc DAB sẽ chỉ đạo các nhân viên liên quan bằng mọi cách che giấu. Đó là điều chuyển các khoản khống tới các chi nhánh khác, nơi NHNN không thanh tra.
“Về việc thanh tra sẽ kiểm tra thực tế, so sánh sổ sách kế toán. Tuy nhiên, NHNN lại không phát hiện ra trong khi âm quỹ rất lớn thì theo suy nghĩ của ông NHNN đã làm đúng và làm hết trách nhiệm chưa?”, HĐXX hỏi ông Bình.
“Điều này bị cáo không có ý kiến”, ông Bình trả lời.
Ông Trần Phương Bình bị áp giải đến tòa. Ảnh: Lê Quân. |
Chịu trách nhiệm số tiền 3.568 tỷ
Cơ quan công tố xác định Trần Phương Bình với vai trò là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD DAB, đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 1.160 tỷ đồng để mua 74,2 triệu cổ phần DAB, xuất quỹ 497,8 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD chuyển cho Vũ "nhôm" và mua cổ phần DAB. Cựu Tổng giám đốc DAB cũng “rút ruột” 358,8 tỷ đồng của DAB để sử dụng cá nhân.
Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 467,8 tỷ đồng để chi lãi ngoài; 53,3 tỷ đồng để tất toán khoản vay của Nguyễn Hồng Ánh; tất toán khống 2,4 tỷ đồng khoản vay của Nghiêm Thị Hồng; thu khống 31,2 tỷ đồng thanh toán tiền hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán; xuất khẩu vàng trái phép gây thiệt hại 611,6 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối trái phép làm DAB "bốc hơi" 384,8 tỷ đồng.
Hậu quả từ các hành vi trên đã khiến DAB thiệt hại 3.608 tỷ đồng, trong đó hành vi Lạm dụng quyền hạn gây thất thoát 2.057 tỷ đồng và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại 1.551 tỷ đồng. Cựu Chủ tịch HĐQT DAB phải chịu trách nhiệm chính về số tiền 3.568 tỷ đồng.