Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tòa không chấp nhận tài liệu quốc tịch thứ 2 của Vũ 'nhôm'

Luật sư nộp tài liệu liên quan đến quốc tịch thứ 2 của Vũ "nhôm", nhưng chủ tọa cho biết đó là tài liệu tiếng nước ngoài, không phù hợp với pháp luật Việt Nam nên không chấp nhận.

14h chiều 27/11, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ và 24 đồng phạm với phần công bố cáo trạng của đại diện VKS trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).

Không chấp nhận tài liệu tiếng nước ngoài

Trước khi VKS bắt đầu công bố cáo trạng, HĐXX thông báo luật sư bào chữa cho Phan Văn Anh Vũ có nộp cho tòa tài liệu chứng cứ mới, nhưng xét thấy đó là những tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án, tài liệu phục vụ việc bào chữa.

cao trang dai an dong a anh 1
Phan Văn Anh Vũ tại tòa trưa nay. Ảnh: Lê Quân.

Bên cạnh đó, luật sư này cũng nộp một tài liệu liên quan đến quốc tịch  Antigua and Barbuda của Phan Văn Anh Vũ; tuy nhiên, chủ tọa cho biết đó là tài liệu tiếng nước ngoài, không phù hợp với pháp luật Việt Nam và cũng chỉ là bản photo nên HĐXX không chấp nhận.

Trong 15 phút đầu trước khi HĐXX vào làm việc phiên buổi chiều, phóng viên được vào phòng xử án tác nghiệp. Vũ "nhôm" tỏ ra vui vẻ, hợp tác với báo chí khi có ý định ghi hình, chụp ảnh Vũ.

Theo cáo trạng, 26 bị cáo bị truy tố 3 nhóm hành vi: Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt của DAB 2.057 tỷ đồng; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 1.551 tỷ đồng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của 3 bị cáo thuộc Ban kiểm soát DAB.

Chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng

Từ năm 2007 đến năm 2014, để có tiền mua cổ phần DAB, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DAB) và các bị cáo thực hiện 9 hành vi phạm tội trong việc lập phiếu thu tiền khống đứng tên Trần Phương Bình và người thân mua cổ phần DAB.

Để bù đắp số tiền thu khống này, Bình chỉ đạo Xuyến và các bị cáo thực hiện các hành vi trái pháp luật bằng cách xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán.

cao trang dai an dong a anh 2
Bị cáo Trần Phương Bình. Ảnh: Lê Quân.

Trong đó, Trần Phương Bình đã chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trường phòng ngân quỹ Hội sở DAB) cùng cấp dưới xuất quỹ chi khống 1.160 tỷ đồng để mua gần 74,3 triệu cổ phần DAB từ năm 2007 đến 2012 và năm 2014, chi 497 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD.

Bên cạnh đó, ông Bình còn chỉ đạo thuộc cấp xuất quỹ 358,8 tỷ để sử dụng mục đích cá nhân. Với những hành vi trên, ông Bình bị cáo buộc đã chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng của DAB.

Khi biết DAB bị kiểm soát đặc biệt, ngày 11/8/2015, Trần Phương Bình lại chỉ đạo Công ty vốn An Bình là công ty sân sau của ông bán 13,6 triệu cổ phần DAB cho Vũ với giá hơn 13,6 tỷ đồng.

Trần Phương Bình tiếp tay cho Vũ “nhôm” chiếm đoạt 203 tỷ

Năm 2013, Ngân hàng Đông Á rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài. Trần Phương Bình muốn tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng để thu hút đầu tư.

cao trang dai an dong a anh 3
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DAB). Ảnh: Lê Quân.

Vốn quen biết với Vũ từ trước nên ông Bình đã bàn bạc bán 60 triệu cổ phần cho Vũ với giá 600 tỷ khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ vào năm 2014. Mục đích để Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối hoạt động của ngân hàng này.

Để có tiền mua cổ phần, Vũ thế chấp 220 lô đất tại Khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ cao tầng (Harbour Ville) ở Đà Nẵng để vay DAB 400 tỷ. Còn lại 200 tỷ, Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên xuất quỹ cho Vũ. Do đó, thay vì thu của Vũ 200 tỷ thì ngày 17/1/2014, DAB lại chuyển vào tài khoản Công ty Bắc Nam 79 số tiền 200 tỷ.

Cùng ngày, Vũ chuyển 600 tỷ cho DAB để mua 60 triệu cổ phần. Tuy nhiên, việc tăng vốn không thành nên DAB chuyển trả lại 600 tỷ đồng cùng hơn 9,5 tỷ tiền lãi cho công ty của Vũ “nhôm”. Với việc làm này, Vũ "nhôm" bị cáo buộc chiếm của DAB hơn 203 tỷ đồng.

Xuất quỹ mua 13,4 triệu USD chuyển Vũ “nhôm”

Trong quá trình điều tra, cảnh sát thu được 5 tờ giấy viết tay của Đỗ Thanh Hùng (nguyên Thủ quỷ Hội sở DAB) đã ghi chép lại các khoản thu chi sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DAB.

Trong đó, từ ngày 11/10/2012 đến ngày 12/3/2015, Đỗ Thanh Hùng đã xuất quỹ chi 12 khoản, tổng cộng 294 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD cho Trần Phương Bình.

cao trang dai an dong a anh 4
Trần Phương Bình bị cáo buộc chuyển 13,4 triệu USD cho Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: Lê Quân.

Sau đó, Trần Phương Bình chuyển13,4 triệu USD cho Phan Văn Anh Vũ sử dụng. Còn lại 3 khoản tổng số 500.000 USD, Bình chuyển cho Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch HĐQT Công ty CP vốn Thái Thịnh) để Nhân chi phí trong việc thuê tư vấn, tìm kiếm đối tác mua hoặc đầu tư vào DAB.

Với hành vi này, ông Bình bị cáo buộc đã chiếm đoạt của DAB 284 tỷ đồng.

Tất toán ảo 1.900 lượng vàng

Ngày 14/01/2008, Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Sở giao dịch DAB và Nguyễn Hồng Ánh (cán bộ hưu trí) ký hợp đồng cho bà Ánh vay ngắn hạn 2.000 lượng vàng SJC.

Hơn 1 năm sau, bà Ánh trả nợ gốc 20.000 chỉ vàng cho DAB Sở giao dịch, nhưng thực chất 2 bên chỉ làm thủ tục tất toán trên giấy tờ, đảo nợ.

Tháng 1/2010, DAB Sở giao dịch và Nguyễn Hồng Ánh làm thủ tục tất toán trên giấy tờ, đảo nợ, sau đó chuyển thành hợp đồng Nguyễn Hồng Ánh vay 1.900 lượng vàng tại DAB Sở giao dịch.

Sau đó DAB lập phiếu thu khống 19.000 chỉ vàng của Nguyễn Hồng Ánh để trả nợ gốc cho khoản vay 1.900 lượng vàng nêu trên.

cao trang dai an dong a anh 5
Các bị cáo từng làm việc tại DAB. Ảnh: Lê Quân.

Thực tế, Nguyễn Hồng Ánh chỉ nộp 32,5 tỷ đồng tất toán sổ tiết kiệm đang gửi tại DAB nhưng được ông Bình cho tất toán toàn bộ khoản vay 1.900 lượng vàng. DAB Sở giao dịch không nhập quỹ 32,5 tỷ này mà để trả nợ cho các khoản vay của Trần Phương Bình.

Kinh doanh ngoại hối, chi lãi ngoài

Để rút tiền từ DAB, ông Bình cùng đồng phạm làm trái quy định của Nhà nước trong việc chi lãi ngoài để huy động vốn, kinh doanh ngoại hối với các ngân hàng không được phép.

Ngày 3/3/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 02/2011/TT-NHNN về việc quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam: Tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam không vượt quá 14%/năm.

Sau đó, tại DAB xuất hiện hiện tượng khách hàng rút vốn, Phòng Nguồn vốn DAB tìm hiểu lý do, được biết khách hàng rút tiền gửi tại DAB để gửi tổ chức tín dụng khác với mức lãi suất cao hơn.

Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến và Nguyễn Thị Ái Lan (Giám đốc Phòng nguồn vốn) đã thống nhất phương án DAB phải chi lãi suất ngoài lãi suất quy định của NHNN để huy động vốn, tránh tình trạng khách hàng rút tiền gửi ồ ạt, đảm bảo tính thanh khoản của toàn ngân hàng.

Theo cáo trạng, DAB đã chi tiền lãi ngoài trong khoảng thời gian từ tháng 3/2011 đến ngày 07/4/2015 cho 219 đơn vị kinh doanh (47 chi nhánh, 172 phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm) số tiền 437,4 tỷ đồng và 650 lượng vàng (quy đổi 30,4 tỷ đồng), tổng cộng hơn 467,8 tỷ đồng.

cao trang dai an dong a anh 6
Những cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến tòa. Ảnh: Lê Quân.

Ngoài ra, từ năm 2001 đến năm 2005, DAB đã thực hiện mở các tài khoản giao dịch USD tại Ngân hàng UOB (Singapore) để kinh doanh ngoại hối tại thị trường quốc tế. Trần Phương Bình chỉ đạo trực tiếp Phòng Kinh doanh DAB do Nguyễn Huỳnh Đăng - Trưởng phòng, Nguyễn Thị Ái Lan và Nguyễn Thị Kim Loan - nhân viên thực hiện các giao dịch với Ngân hàng UOB thông qua kênh liên lạc là màn hình, thể hiện dưới dạng lệnh kinh doanh (lệnh Deal).

Để che giấu cho hành vi trả nợ trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, Trần Phương Bình, Nguyễn Huỳnh Đăng - Trưởng phòng Kinh doanh, Nguyễn Thị Ái Lan và Nguyễn Thị Kim Loan - nhân viên Phòng Kinh doanh DAB, lập 15 phiếu thu nhập ngoại tệ khống từ UOB, với tổng số tiền là 20,9 triệu USD, gây thiệt hại hơn 336 tỷ đồng.

Cùng hành vi trên, để thực hiện việc giao dịch, kinh doanh ngoại tệ với Ngân hàng Banca Adamas, DAB đã thực hiện mở các tài khoản giao dịch (USD) tại ngân hàng này.

Do việc kinh doanh thua lỗ, ngày 31/5/2006, Trần Phương Bình, lãnh đạo, nhân viên Phòng Kinh doanh DAB ký và hạch toán khống chứng từ nhập ngoại tệ từ Ngân hàng Banca Adamas với số tiền hơn 3 triệu USD. Hành vi này gây thiệt hại cho DAB 48,2 tỷ đồng.

Bằng những hành vi trên, Trần Phương Bình, Vũ "nhôm" và 24 đồng phạm bị cáo buộc là nguyên nhân khiến DAB thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2015, ngân hàng này lỗ lũy kế 31.076 tỷ, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.

Kết thúc phiên xử chiều 27/11, chủ tọa thông báo phần còn lại của cáo trạng sẽ được VKS công bố hết vào sáng ngày mai (28/11).

Chiều mai, để đảm bảo việc xét hỏi, 2 bị cáo Phan Văn Anh Vũ và Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trường phòng quản lý tài sản nợ, thuộc khối kinh doanh nguồn vốn DAB) được cách ly tại trại giam. “Khi nào trích xuất 2 bị cáo này tham gia tòa, chủ tọa sẽ thông báo sau”, thẩm phán Phạm Lương Toản nói trước khi tuyên bố kết thúc ngày xét xử đầu tiên.

Vũ 'nhôm' khai có quốc tịch Antigua and Barbuda Vũ khai ngoài tên Phan Văn Anh Vũ còn có hai tên là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ. Ngoài quốc tịch Việt Nam, Vũ "nhôm" còn có quốc tịch Antigua and Barbuda.
cao trang dai an dong a anh 7


Hoài Thanh - Lê Trai

Bạn có thể quan tâm