Khoảng 700 người đã có mặt tại Place de la République ở Paris, những người biểu tình giơ cao những tấm biển mang thông điệp ủng hộ các nạn nhân của bạo lực tình dục, The Guardian đưa tin.
Một tấm biển có dòng chữ: "Gisèle vì mọi người. Mọi người vì Gisèle".
Nhiều người mang theo biểu ngữ ca ngợi bà Gisèle vì đã lên tiếng về nỗi kinh hoàng của mình và đảm bảo với những nạn nhân khác của bạo lực tình dục rằng họ không đơn độc.
Bà Gisèle được tôn vinh là biểu tượng nữ quyền khi quyết định công khai vụ án thay vì xét xử kín. Ảnh: EBU. |
Vụ án bà Gisèle, 72 tuổi, bị tấn công tình dục trong trạng thái bất tỉnh bởi hàng chục người đàn ông suốt một thập kỷ đã gây chấn động thế giới.
Chồng cũ của bà, Dominique, 71 tuổi, đã nhận tội và đang bị xét xử cùng với 50 người đàn ông khác bị buộc tội cưỡng hiếp bà.
Biểu tình khắp nước Pháp
Tờ Lemonde đưa tin tại thành phố Marseille, các nhà hoạt động nữ quyền treo một biểu ngữ ở tòa án thành phố kêu gọi những kẻ bị cáo buộc hiếp dâm phải xấu hổ chứ không phải nạn nhân. "Sự xấu hổ phải đảo chiều", biểu ngữ viết.
Justine Imbert (34 tuổi) đã đến cuộc biểu tình cùng cô con gái 6 tuổi của mình. Cô nói rằng chắc hẳn Gisèle Pelicot đã phải rất can đảm để yêu cầu phiên tòa công khai, nhưng điều đó là cần thiết. "Điều đó cho phép mọi người nhìn thấy khuôn mặt của chồng bà và tất cả những kẻ khác, để thấy rằng họ (thủ phạm hiếp dâm) không phải là những kẻ bị ruồng bỏ mà đội lốt 'những người cha tốt'".
Những người đàn ông bị cáo buộc cưỡng hiếp Gisèle có độ tuổi 26-73 khi bị bắt, thuộc nhiều tầng lớp xã hội, bao gồm: một ủy viên hội đồng địa phương, một nhà báo, một cựu cảnh sát, một cai ngục, một người lính, một lính cứu hỏa và một công chức. Nhiều người là hàng xóm của vợ chồng bà ở thị trấn nhỏ Mazan, gần Avignon, miền Nam nước Pháp.
Hàng nghìn người xuống đường biểu tình ủng hộ bà Gisèle, phản đối nạn tấn công tình dục nhắm vào phụ nữ. Ảnh: EuroNews. |
Tại thành phố Rennes ở phía Tây, một người biểu tình giơ cao tấm biển có dòng chữ "bảo vệ con gái của bạn" bị gạch bỏ. Thay vào đó, tấm biển ghi "Hãy giáo dục con trai của bạn".
Tại thành phố trung tâm Clermont-Ferrand, công nhân nông nghiệp 26 tuổi Stéphane Boufferet cho biết anh hy vọng Gisèle Pelicot sẽ tìm được công lý. "Khi tôi đọc câu chuyện, tôi cảm thấy ghê tởm, thậm chí ghê tởm vì mình là một người đàn ông", anh nói.
Ngành công nghiệp điện ảnh của Pháp đã bị chấn động bởi các cáo buộc tấn công tình dục trong những năm gần đây, bao gồm một số cáo buộc chống lại huyền thoại điện ảnh Gérard Depardieu. Nhưng phiên tòa ở thành phố Avignon phía nam đã thu hút sự chú ý về nạn hiếp dâm trong xã hội bình thường.
Biểu tượng nữ quyền
Bà Gisèle được ca ngợi là "biểu tượng của nữ quyền" khi đưa vụ án công khai thay vì tổ chức kín.
Bà đã rời khỏi căn nhà cũ và đổi họ chồng để lấy lại tên thời con gái nhưng cho phép các nhà báo công bố tên đầy đủ của mình khi kết hôn, tòa án cho phép trình chiếu các video nhạy cảm do chồng bà ghi lại, trong đó là cảnh những người đàn ông quan hệ tình dục với cơ thể trần trụi, bất động của bà.
Gisèle cho biết quyết định của bà là nhằm đoàn kết với những người phụ nữ khác không được công nhận là nạn nhân của tội phạm tình dục.
"Việc có mặt ở đây rất quan trọng vì chúng ta cần nói về nạn hiếp dâm", Anna Toumazoff, một nhà hoạt động và là một trong những người tổ chức cuộc biểu tình ở Paris cho biết.
Magali Lafourcade, một thẩm phán và tổng thư ký của Ủy ban tư vấn quốc gia về nhân quyền, cũng hoan nghênh quyết định của Gisèle. Bà nhấn mạnh rằng ở Pháp, các nghiên cứu cho thấy 9/10 phụ nữ là nạn nhân của hiếp dâm không đệ đơn kiện. Và khi họ làm vậy, khoảng 80% các vụ án bị hủy bỏ.
Bất chấp nhiều làn sóng lên án #Metoo ở Pháp, trong đó nhiều phụ nữ nổi tiếng lên tiếng về chấn thương mà họ phải chịu đựng sau nhiều năm bị lạm dụng tình dục, những người biểu tình cho biết phần lớn tình trạng bạo lực vẫn chưa được báo cáo và thường không bị trừng phạt.
Vào ngày 5/9, Gisèle lần đầu tiên nói về nỗi thống khổ của mình trước công chúng kể từ khi cảnh sát tiết lộ với bà về câu chuyện động trời. Với giọng nói bình tĩnh và rõ ràng, bà đã kể lại chi tiết nỗi kinh hoàng khi phát hiện ra rằng chồng cũ đã cho bà dùng thuốc an thần và mời ít nhất 72 người lạ vào nhà ở Provence để quan hệ tình dục với bà.
"Với tôi, mọi thứ đã sụp đổ. Đó là cảnh man rợ", bà nói.
Đài truyền hình quốc gia Pháp TF1 ngày hôm đó đã mô tả bà là một người phụ nữ "điềm tĩnh, mạnh mẽ", "ngẩng cao đầu".
Trong một bức thư ngỏ được dịch sang tiếng Anh và đăng trên tờ báo Pháp Le Monde, nhà báo kiêm tác giả Hélène Devynck đã cảm ơn Gisèle vì lòng dũng cảm của bà, đồng thời cũng là cảm xúc của nhiều người Pháp khác.
Tuần tới, Gisèle sẽ phải vượt qua một "ngọn núi" khác: bà phải đối mặt với người đàn ông đã gắn bó trong hơn 50 năm và là cha của 3 đứa con.
Dominique Pélicot trước đó đã thú nhận tội ác với các nhà điều tra. Nhưng phiên tòa xét xử ông ta sẽ rất quan trọng để hội đồng thẩm phán quyết định số phận của 50 người đàn ông khác bị buộc tội hiếp dâm.
Phần lớn các bị cáo đang phản đối cáo buộc "hiếp dâm". Một số trong đó tuyên bố họ tin rằng có sự đồng ý của người chồng là đủ, những người khác nói rằng họ bị Dominique Pélicot lừa để tin rằng vợ ông ta đã đồng ý để chuốc thuốc.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.