Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bình đẳng giới từ trong nhà

Có cậu con trai mới lớn đang học cấp 3, bức xúc về việc bố luôn tỏ ra yêu chiều đứa em gái của mình - “tình nhân kiếp trước của bố” đã làm cuộc “nổi dậy” trong nhà.

Cậu “nổ phát súng đầu tiên” ngay tại bàn ăn: “Ba, con và Út đều là con ruột của ba mà sao trong bữa cơm toàn thấy ba gắp thức ăn cho nó không vậy? Con nè ba!”.

Từ câu chuyện miếng thịt của bố…

Cả nhà ngớ ra, người cha từ tốn đáp: “Con trai ạ, ba gắp thức ăn cho em con, vì khi em còn ở nhà mình, miếng thịt dành cho nó nó được ăn cả miếng. Mai này lập gia đình rồi, nếu hoàn cảnh kinh tế không mấy khá giả, có miếng thịt nó chỉ ăn nửa miếng thôi, nửa còn lại đưa vào chén cơm của chồng. Đến khi có con, miếng thịt phần nó chắc đâu nó được ăn tí nào, 1 nửa nó cắn đút cho con nó ăn, 1 nửa lại dúi vào chén chồng. Vì thế, chừng nào em con còn ở nhà mình, cha con ta nhớ chăm sóc em nhiều hơn”.

Cứ tưởng “cuộc khởi nghĩa sẽ bị dìm trong bể máu”, vậy mà trận chiến chống “phân biệt đối xử trong nhà” biến thành cuộc trò chuyện sôi nổi quanh bàn ăn.

…đến những thay đổi ở nhà, ở lớp

Từ hôm ấy, anh hai tranh phần ba gắp tiếp thức ăn cho em gái, dọn phòng mình không đợi ai nhắc và tự giác phụ mẹ việc nhà. Bù lại, cô em út cũng nói năng lễ phép với anh hai, ăn mặc ra vô kín đáo hẳn lên!

Ở lớp, cậu cũng quan tâm đưa chai dầu khi để ý thấy mặt cô giáo tái mét vì trúng gió, thậm chí không ngại ngùng chạy xe đi mua bịch “đôi cánh thấm hút 3 chiều” cho cô bạn cùng lớp bị gặp sự cố không dám đứng dậy.

Khi lao động công ích ở trường, cậu tình nguyện nhận việc trèo cao hoặc xách nặng, nhường cho các bạn nữ việc nhẹ hơn. Mới đầu cả lũ trai chọc phá “cái đồ đứt dây thần kinh ngại”, “mê gái”, “nịnh cô”,… về sau nín khe hết vì thấy cô cùng tụi con gái tin tưởng và mến kẻ đó ra mặt!

binh dang gioi anh 1

Cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng đến thái độ sống và tư duy của con cái

Cha mẹ, đặc biệt là người cha hiểu đúng sẽ làm gương cho con về bình đẳng giới trong nhà, giáo dục con bằng hành động của bản thân, bằng những bài học trong sách vở, tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới.

Bình đẳng giới là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới. Không phải là sự hoán đổi vai trò của nam, nữ từ thái cực này sang thái cực khác và sự tuyệt đối hóa bằng con số hoặc tỷ lệ 50/50.

Đặc biệt, sự chia sẻ việc nhà, chăm sóc các thành viên gia đình, tạo cơ hội và điều kiện cho nam, nữ phát triển toàn diện đồng thời bù đắp cho phụ nữ những khoảng trống do việc mang thai, sinh con và gánh vác phần lớn việc nhà. Bình đẳng giới không chỉ là bình đẳng giữa nam và nữ mà là bình đẳng giữa các giới tính, không kỳ thị những người đồng tính, song tính, chuyển giới.

Bình đẳng trong việc giáo dục giới tính cho con

Phần đông gia đình Việt Nam dạy con theo kiểu bảo vệ một chiều: đa số cha mẹ kỹ lưỡng trong việc dạy con gái phải giữ gìn thân thể, danh dự, trinh tiết nhưng cũng trong cùng gia đình đó, ít cha mẹ chịu dạy con trai mình phải tôn trọng thân thể, danh dự, sức khỏe người bạn gái. Chưa kể con gái trong nhà vụng về nữ công gia chánh thì sợ “sau này nhà chồng chê cười”, con trai mù tịt về nấu nướng thì “rồi sau này vợ nó khắc lo”.

Nhiều gia đình chịu ảnh hưởng lối mòn trong hành xử về giới, nơi mọi phụ nữ sẽ bị nguyền rủa hoặc coi thường nếu thân thể của họ bị ai đó xâm hại, sử dụng, bêu riếu trong khi người đàn ông gây ra hành vi đó không bị phán xét, thậm chí còn được coi là “chiến tích” trong những cuộc trò chuyện cùng giới, có thể thoải mái bầy hầy mà đối xử thô bỉ với người nữ trong quan hệ giường chiếu.

Sự bất bình đẳng trong hướng dẫn về hành xử giới tính này khiến các cậu trai mặc sức tung hoành trên mặt trận ái tình, sẵn sàng trốn chạy khi làm cho bạn gái có thai, và cũng bỉ ổi không kém khi luôn thủ sẵn clip sex để tấn công nếu cô gái bỏ rơi họ. Sau khi bị tung clip sex, định kiến tấn công nữ giới đến nỗi có thể gây mất việc, bị đuổi học, bị hàng xóm xa lánh, xì xào. Có cô gái sợ hãi, nhục nhã, bế tắc đến mức tự tử, còn bạn trai thì "ngoài vùng phủ sóng".

Bài học mà các bậc cha mẹ và người lớn cần dạy con em mình

- Xóa bỏ việc phán xét, kỳ thị, lên án, loại trừ người khác chỉ vì họ không giống mình.

- Trai hay Gái đều phải biết chịu trách nhiệm về thái độ và hành xử của mình.

- Phải có “bộ lọc” trong tiếp nhận và xử lý mọi thông tin, trào lưu diễn ra ồ ạt trong cộng đồng cũng như trên truyền thông.

- Bồi đắp lòng trắc ẩn và sự tha thứ - điều làm cho bình đẳng trở nên bộ luật của yêu thương.

Chúng ta hy vọng vào những đứa trẻ được đối xử bình đẳng giới ngày hôm nay sẽ trở thành những phụ huynh khác trong mai sau. Đó là một phần ý nghĩa của cuộc đấu tranh xóa bỏ bất bình đẳng giới ở nước ta.

Việt Nam đã mất đến 50 năm để người dân chấp nhận mỗi gia đỉnh có 1-2 con thì để người dân thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ” là cả một quá trình lâu dài.

Mẹ công khai chỉ trích con trên Facebook gây tranh cãi

Nhiều dân mạng cho rằng, hành động này của bà mẹ trẻ có thể gây ám ảnh suốt cuộc đời cậu con trai, trong khi người khác lại nghĩ đây là cách làm đúng, thông minh.


http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20160308/binh-dang-gioi-tu-trong-nha/1063612.html

Theo ThS. BS Lan Hải/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm